Thứ Hai, 28 tháng 3, 2011

2 nhạc phẩm thời sinh viên của Trịnh.

Thứ Hai, 28/03/2011, 06:12 (GMT+7)
http://tuoitre.vn/Van-hoa-Giai-tri/430861/2-nhac-pham-thoi-sinh-vien-cua-Trinh.html

2 nhạc phẩm thời sinh viên của Trịnh


TT - LTS: Nhà nghiên cứu Nguyễn Ðắc Xuân vừa gửi đến Tuổi Trẻ bài viết về hai tác phẩm tưởng đã lãng quên của Trịnh Công Sơn. Niềm vui tìm gặp hai ca khúc này của Nguyễn Ðắc Xuân có lẽ là niềm vui chung của tất cả những người yêu nhạc Trịnh.

Ảnh Trịnh Công Sơn lúc học Trường Sư phạm Quy Nhơn - thời gian viết hai bài hát Sao chiềuHoa buồn -  Ảnh tư liệu


>> 10 năm hát Trịnh


Sau khi tìm được và công bố trường ca Dã tràng ca của Trịnh Công Sơn sáng tác ở Quy Nhơn (Bình Ðịnh) khoảng năm 1963, tôi không hi vọng tìm thêm được một nhạc phẩm bị lãng quên nào khác của Trịnh nữa. Nhưng rồi tôi xóa bỏ ý tưởng đó khi được đọc bài "Trịnh Công Sơn: một đời phiêu lãng, một cõi đi về..." của Thế Ngọc.


Năm 2000, dược sĩ Trương Tất Thọ (bút danh Thế Ngọc) - từng cùng làm văn nghệ với nhạc sĩ Trịnh Công Sơn ở Trường Sư phạm Quy Nhơn đầu những năm 1960 - đã có một cuộc trò chuyện với Trịnh Công Sơn tại nhà riêng ở đường Phạm Ngọc Thạch, TP.HCM.


Trong bài viết "Trịnh Công Sơn: một đời phiêu lãng, một cõi đi về...", dược sĩ Thọ đã ghi được một thông tin rất thú vị từ Trịnh Công Sơn: "Tình cờ tôi được nghe một em nữ sinh viên hát một bài hát tôi sáng tác trước bài Ướt mi mà bây giờ tôi đã quên. Và tôi ký tặng em bài Hạ trắng với yêu cầu em phải viết tặng lại tôi bài Hoa buồn. Bài này tôi chỉ hát chơi cho bạn bè nghe [hồi] thập niên 1960 và chắc có bậc cha mẹ nào đó thuộc rồi hát lại nên cô bé mới thuộc theo. Ðúng là em còn nhớ mà tôi đã... quên. Ngoài bài Hoa buồn, tôi còn có bài Sao chiều sáng tác năm 1957, lúc ấy tôi 18 tuổi và trường ca (dài khoảng 30 phút) mang tên Dã tràng ca viết ở Quy Nhơn thời học sư phạm".

Hai bản nhạc Sao chiềuHoa buồn của Trịnh Công Sơn Ảnh: Lê Thị Ngọc Trinh cung cấp


Dã tràng ca thì tôi đã tìm được. Nhưng Hoa buồnSao chiều có còn không? Tìm đâu bây giờ? Óc khám phá những bí ẩn trong tôi lại dậy lên. Thế rồi thật không ngờ, giữa những ngày tháng 3-2011 này, trong không khí chuẩn bị kỷ niệm 10 năm "giã từ cõi tạm" của Trịnh Công Sơn, hai anh Võ Tấn Tài và Nguyễn Hữu Bàng từ Quảng Ngãi gửi tặng tôi bản sao tờ "Chương trình đại nhạc hội do ban văn nghệ chi đoàn sư phạm trình diễn" vào đầu năm 1963 ở Quy Nhơn. Tờ chương trình giới thiệu nội dung ba suất diễn. Suất thứ nhất đêm 12-1-1963, suất thứ hai sáng 13-1-1963 và suất thứ ba đêm 13-1-1963.


Ðây là tài liệu rất quý đối với các nhà nghiên cứu. Ðọc kỹ nội dung chương trình ba suất diễn ấy, mắt tôi dính vào 20 tiết mục của suất diễn đêm 13-1-1963. Tiết mục thứ nhất Dã tràng ca - trường ca tôi đã may mắn khám phá và công bố cách đây gần mười năm. Ðặc biệt trong đêm diễn ấy có hai bài hát mà tôi đang khổ công tìm. Ðó là bài Hoa buồn của Trịnh Công Sơn do Vũ Lập đơn ca (tiết mục 2) và bài Sao chiều của Trịnh Công Sơn do Hữu Thái hát (tiết mục 8). Vậy là vui quá, tôi đã bắt được "nguồn" để truy tìm hai bản nhạc đã "thất truyền" của Trịnh!


Tôi ngược đường Bùi Thị Xuân lên Phường Ðúc (Huế) gặp cô giáo Lê Thị Ngọc Trinh - người có tham gia vài tiết mục trong đêm diễn 13-1-1963, cũng từng hoạt động văn nghệ với Trịnh Công Sơn ở Quy Nhơn và cùng được bổ lên dạy học ở Bảo Lộc (Lâm Ðồng). Ngọc Trinh vui vẻ lục tìm trong chồng nhạc cũ lấy đưa cho tôi một xấp bản nhạc chép tay dùng để tập hát chuẩn bị cho ba đêm "đại nhạc hội" gần 50 năm trước. Trong xấp nhạc cũ ấy có hai bản Hoa buồn Sao chiều do chính Ngọc Trinh và một người bạn chép.


Tờ chương trình ghi nội dung ba suất diễn văn nghệ của giáo sinh Trường Sư phạm Quy Nhơn đầu năm 1963 ở Quy Nhơn và hai bản nhạc Sao chiềuHoa buồn đã giúp tôi đính chính thời điểm xuất hiện trường ca Dã tràng ca là vào hai ngày 12 và 13-1-1963 chứ không phải vào bất cứ thời gian nào khác.


Bài Hoa buồn Trịnh Công Sơn viết lúc anh mới trên 20 tuổi, làm chơi, chưa chăm chút kỹ nhưng ca khúc cũng lóe lên những tín hiệu về cái chất nhạc và chủ đề mà Trịnh Công Sơn đã theo đuổi đến cuối đời - chủ đề về thân phận làm người. Lúc ấy, với hoàn cảnh bi đát và thân phận nhỏ nhoi của mình, anh nghi ngờ sự hiện hữu của mình trong lòng người sau này: "Ngày sau còn có ai nhắc tên mình không". Nhưng gần 40 năm sau với hàng trăm nhạc phẩm về con người và dân tộc Việt đi vào lòng người, người yêu nhạc Trịnh đã trả lời cho anh.


Ðể xưng tụng sự nghiệp âm nhạc lớn lao của anh, nhân 10 năm anh giã từ cõi tạm, nhiều hoạt động âm nhạc Trịnh Công Sơn chưa từng có đang diễn ra trên các thành phố lớn của Việt Nam. Hàng chục đầu sách trong và ngoài nước đã viết về anh. Những bí ẩn cuộc đời anh không ngừng được khám phá. Hai nhạc phẩm Sao chiềuHoa buồn anh đã quên nay được tìm thấy để điền vào chỗ trống trong danh mục tác phẩm âm nhạc của anh. Xin anh hãy xem đây là một nén hương của người cùng thời nhớ anh và tưởng niệm anh.


Hoa buồn

(Viết trước 1963)

Từ khi bước vào cuộc đời mưa nắng
Nắng mưa không ngừng úa phai môi hồng
Ngồi đây đếm chuyện buồn vui đang đến
Thời gian nào quên bước chân triền miên
Với bao nỗi buồn ngày nay còn ai nhớ
Để sau rồi nhắc nhở thế nhân nguyện khắc ghi sâu tâm hồn
Ngoài kia gió lộng đời lên câu hát
Tháng năm lạnh lùng kết nên hoa buồn
Mộng chưa gói trọn niềm vui đã mất
Ngày sau còn có ai nhắc tên mình không?

 



Sao chiều

(Viết trước năm 1957)

Bao cánh chim bay vun vút trời mây
Một người ngồi đây mà nhìn cảnh sao
Sao đêm cô đơn nhìn núi đồi cao
Buồn chiều ngơ ngác giăng lên nhịp cầu

Bến sông này ngàn năm che kín đàn tôi
Người xưa bây giờ còn hoài cổ
Ai quay về nghe giọng hò hát Nam ai,
Nam bình nghe nỗi buồn vu vơ

Như áng mây trôi về phố chiều nay
Nụ cười hồn nhiên nở trong phố nâu
Áo trắng lung linh lộng gió trời cao
Ngẩn ngơ đàn bướm quay lui vườn đào.

NGUYỄN ÐẮC XUÂN

Trịnh Công Sơn - ánh nến và bạn bè


Một nhóm bạn bè và những người yêu quý Trịnh Công Sơn vừa chung tay thực hiện một tập sách kỷ niệm 10 năm ngày mất của ông: Trịnh Công Sơn - ánh nến và bạn bè, vừa ra mắt công chúng tại TP.HCM vào chiều 27-3. Như chủ ý của những người thực hiện, "tuyển tập này chỉ là những ghi chép tưởng nhớ anh của những người thân thiết và bạn bè, là một nén nhang thắp cho anh trong những ngày này".


Tinh thần đó chính là sự kết nối để các tác giả bài viết cùng tề tựu trong tập này: từ Tô Thùy Yên, Nguyên Minh, Bửu Ý, Du Tử Lê, Ðinh Cường, Thân Trọng Minh đến Nguyễn Thị Thanh Xuân, Cao Huy Thuần, Ðặng Tiến, Thái Kim Lan... Họ ghi nhận rằng "mười năm qua, hằng đêm, giữa phố thị, làng mạc vẫn vang lên các ca khúc của anh như một lời thì thầm, nhắc nhở mà anh nhắn gửi lại về tình yêu và thân phận con người, về khát vọng của dân tộc...". Ðiều đó thật có ích cho bạn đọc, nhất là những thế hệ yêu nhạc Trịnh trong hòa bình.

Sách do NXB Hội Nhà Văn ấn hành - Ảnh: L.Điền

LAM ĐIỀN




9 nhận xét:

  1. Cảm ơn chị. Em thích nhạc Trịnh lắm á. Tuần mới như ý chị nhé!

    Trả lờiXóa
  2. Mọi người đều yêu nhạc Trịnh em nhỉ!

    Trả lờiXóa
  3. Ui, sang nay e doc bao, thay hay chi hen.

    Trả lờiXóa
  4. Ui, sang nay e doc bao, thay hay chi hen.

    Trả lờiXóa
  5. Đúng là châu về hợp phố nhỉ.

    Trả lờiXóa
  6. Trịnh Công Sơn lúc sinh thời (sau 1975) chẳng còn dám dùng đến 4 chữ "thân phận con người" một cách bình thường như trước. Anh cũng là Một Thân Phận, tài hoa nhưng cũng lắm lênh đênh! Thôi thì cũng xong một kiếp Con Người vậy.

    Trả lờiXóa
  7. Thủa ấy, lần đầu tiên có festival Huế, đâu có ai mời TCS đi đâu! thế mà bây giờ ở Huế có con đường mang tên Ông!
    Thật là buồn cho những số phận tài hoa.

    Trả lờiXóa

Bạn từ đâu đến..



Bạn từ đâu đến bạn ơi!
Đến thì nhớ nhé đôi lời thăm nhau..

free counters


Pageviews: 374,323 - 23/09/2016

Sắc tím Đài Đông

Sắc tím Đài Đông

Sương khói




Suy tư vầng trán thêm gầy
Em ơi! khói thuốc vàng tay vẫn buồn..





Và mây vẫn trôi giữa dòng đời.......
................ bụi bặm...
..... Người đi qua đời.. chợt.. ...
............cũ đến chẳng còn quen.......
................. TTM