Thứ Năm, 28 tháng 3, 2013

Con đầu lòng.






Cái tháng hai âm lịch, ngày ấy sao mà vẫn còn lành lạnh. Nàng nghỉ trước sanh gần cả tháng để về nhà chuẩn bị sanh con. Cái bụng thì vượt mặt, đi đứng nặng nề lắm rồi, con so sao mà cái bụng to thế không biết. Đôi chân phù sưng lên. Gần ngày sanh rồi, được nghỉ ở Sở làm việc theo chế độ nghỉ sanh nên nàng về nhà để chờ sanh con.


Sáng sớm nàng dậy lúc 5 giờ sáng, nấu nước pha trà và cafe cho bố mẹ chồng, xong quay qua giặt thau quần áo lớn của cả nhà. Quần thì giặt riêng, áo giặt riêng, áo may-ô (maillot) trắng của cha thì ngâm nước ấm giặt riêng. Gớm cái bụng ngồi xuống cái ghế thấp, nhưng hai chân vẫn phải dang ra, không thôi lại cấn bụng. Cực nhất là phải kéo nước giếng lên để xả quần áo.


Xong quay qua phụ bà Cố nấu cơm, bà nấu món nào cũng ngon, biết cháu dâu thèm chuối hấp ăn với nước cốt dừa bồng con, bà gọi mấy cháu đi mua đĩa bánh chuối hấp về, xong bà thắng nước cốt dừa bồng con cho nàng ăn, trời sao mà đã thèm thế không biết..


Sau đó, nàng lau chùi bếp núc, tủ chén đĩa, dọn dẹp nhà cửa.. nhà chỉ có đứa em gái chồng cũng là con nuôi cùng vài đứa cháu họ xa giúp việc nhà. Tội nghiệp chúng tuổi ăn tuổi chơi, nhưng cả ngày cũng cắm cúi làm việc nhà, buổi trưa thèm ngủ lắm, mà chẳng đứa nào dám đi ngủ cả, phải tìm việc mà làm. Mà cái bụng của nàng vượt mặt thế kia. Mỏi lưng, mỏi tất cả, nhưng nàng cũng như đứa em gái, cũng không dám tìm chỗ nghỉ trưa nốt..


Cái quần bầu thì chỉ có 2 cái, một cái lấy từ tấm vải trải giường màu trắng của nhà ngoại đem đi nhuộm đen, tự cắt may thành quần đen với lưng là thun để mặc cho rộng rãi. Còn 1 cái là quần sa-tanh của mẹ cho. Hai cái quần mặc thay đổi, mà quần sa-tanh thì dễ mục khi gặp nước lắm, cũng vá đi vá lại vài vá ở đáy quần rồi. Cái quần đen vải thô thì màu nhuộm cũng gần bạc màu. Muốn xin má chồng cái quần cũ và cái áo dài của bà để cắt may lại cho mình mặc, lại không dám dù quần áo của bà đầy tủ, dù sao cũng là má lớn. Thôi vậy, cứ vá mặc đỡ. Sanh xong thì sẽ tính sau.


Bà Cố rầy, cái con nhỏ này sanh con mà ăn cơm như ăn đong, lấy sữa đâu cho con bú. Mình không dám ăn nhiều. Ăn đúng lưng 2 chén cơm. May mà mình vốn ăn ít ngay từ ngày đầu, nên quen bụng. Thương bà cố già lắm rồi, nhưng vẫn lo cho nàng ngày ba bữa cơm, nàng chỉ nằm nghỉ có ngày đầu, vài ngày sau thì mình tự giặt cái áo quần của riêng mình, tuy nhiên vẫn phải ở trong mùng để xông hơ cho con gái. Con so mà tới 3.1kg, làm cho nàng hụt hơi cả từ chập tối cho tới hơn 5 giờ sáng mới rặn được con ra, sanh con dưới ngọn đèn dầu ở nhà bảo sanh, và chàng cũng bị bầm dập cả đêm vì phải nâng đỡ vợ và bị vợ níu người khi cơn rặn đau đến..

Mà thủa ấy đâu có siêu âm gì đâu, tới khi sanh mới biết giới tính của con, nghe là con gái, nàng lại buồn, buồn thương cho con gái sao lại là phận nữ nhi.. Ôi! tạo hóa thường ưu ái dành cho phụ nữ những cái đau đớn vất vả trong âm thầm nhiều hơn...


Nghỉ sau sanh được hai tháng, nàng lại bế con trở về nơi làm việc ở trên tỉnh, cơ quan phân cho nửa căn hộ, chồng thì vẫn ở lại huyện nhà công tác. Mẹ trẻ và đứa con gái nhỏ đỏ hỏn hon. Con được 4 tháng tuổi là phải gửi ở nhà trẻ. Các cô ở tập thể trong cơ quan, cứ chiều về là chạy qua chơi với cháu. Mấy tháng đầu cứ chập tối là con bé khóc, ưỡn người lên mà khóc.. mẹ cũng khóc theo con. Các cô lại chạy qua bế hộ, người thì đi đốt phông lông, người thì làm đủ trò, nhưng con gái vẫn cứ khóc...


Công việc ở sở thì nhiều, sáng bế con đi gửi trẻ, giữa giờ chạy qua cho con bú, trưa chưa kịp ăn chạy vội ra chỗ con, chiều cũng thế, tối thì con quấy... Cuối cùng là con thì sổ sữa tròn xoe, ai nhìn cũng thấy thương, nhưng mẹ thì từ nàng thiếu nữ với gương mặt tròn trịa phút chốc biến thành ốm nhom mặt gầy đi, mắt sâu hơn...


Làm mẹ, thì ai cũng phải trải qua như thế, đành chịu vậy thôi, phận gái mười hai bến nước... rồi dòng đời cũng trôi qua...những vất vả, những vết hằn của cuộc đời cũng từ từ phai nhạt đi dưới dòng thời gian..


TTM
Viết cho ngày 9.2 Đinh Tỵ - 28/3/1977



Đọc tiếp ...

Chủ Nhật, 13 tháng 1, 2013

Quên !





Quên - 
có nghĩa là không còn nhớ
của một trời vời vợi xưa thơ 

Quên - 
có nghĩa là chẳng nhớ gì
của những gập ghềnh xưa cơ nhỡ

Quên - 
có nghĩa là ta quên đi một thủa
một thủa xưa qua rồi 
có gì để nhớ hay quên.


Cũng chẳng phải... 
hình như ...
Quên - 
có nghĩa là ta rất nhớ !
Chẳng quên gì, 
chỉ là đã dấu rất 
kín sâu ... 

TTM
13/01/2013


Đọc tiếp ...

Thứ Bảy, 5 tháng 1, 2013

Có những nỗi buồn!

                



                Có những nỗi buồn, tôi chẳng dám đánh rơi!

                Sợ ai nhặt được, lại lây buồn
                Cho nên đem về, tôi cất giữ
                Chỉ để mình tôi, trong kín sâu ...


               
           Nỗi buồn cất giấu, sâu trong góc
                       một ngày kia, nhói nhói ở tận đâu
                       thì ra nỗi buồn, thành đá cuội
                       đá cuội đong đưa
                       những nỗi sầu  ... 


                TTM
               
    20.11.2010 
     
             
Đọc tiếp ...

Thứ Tư, 2 tháng 1, 2013

Đọc "Lời Rêu" của Nguyễn Thị Hoàng


Rating:
Category:Books
Genre: Biographies & Memoirs
Author:TTM





    Ai đã đọc qua tác phẩm "Vòng tay học trò" của Nguyễn thị Hoàng được xuất bản vào năm 1966 - riêng tôi thì đọc vào những năm 1970s - thì hẳn cũng biết thời ấy đã từng xôn xao như thế nào, xôn xao không chỉ trong giới phụ huynh học sinh, mà cả trong giới học sinh sinh viên của chúng tôi thủa ấy, và mấy vị nữ giáo sư trẻ xinh mới ra trường cũng vì cái tựa đề của tập tiểu thuyết ấy mà khổ sở đến.. rộn ràng mà bước qua những câu nói bóng gió của mấy cậu học sinh và sinh viên của khối cuối cấp của chúng tôi thủa ấy. Cái lứa tuổi dậy thì mới biết yêu, biết hờn giận, biết xôn xao với gió với mây thủa ấy thật ngây thơ đằm thắm biết bao. Nhất là thời ấy ảnh hưởng của Nho giáo của Khổng giáo vẫn còn sâu đậm trong tâm trí của gia đình của tuổi trẻ chúng tôi.

    Đó là nói về một trong vài tác phẩm của nhà văn Nguyễn Thị Hoàng, chứ chắc ít ai đã đọc qua thơ của nữ sĩ. Hôm nay tôi chợt nhớ tới tác phẩm "Vòng tay học trò" của bà, và lại muốn biết Bà hiện nay ra sao, thế là tôi đi tìm, thì tình cờ thấy một bài thơ "Lời Rêu" của Nguyễn Thị Hoàng.

    Đọc tựa bài thơ "Lời Rêu", những lời mà để tới lên rêu, thường lời nói ra là mất, nhưng lời nói ở đây cô đọng lại để trở thành lời rêu, rêu phong với nỗi niềm trải dài những nhung nhớ, "nỗi nhớ đầy quyên sinh" nỗi nhớ đến quyên sinh mà vẫn như rưng rức bừng sống trong buổi chiều .. run run... một mình.

    Bây giờ nữ văn sĩ tuổi đời đã cao, nhưng những vần thơ của Bà để lại chẳng già chút nào cả... "Uống cùng nhau một giọt... Say dùm nhau một giọt! ...Vướng dùm nhau sợi tóc.."., mà thật là lạ, từng lời.. từng lời thơ thật là đằm thắm.. cùng giọng ca của Hồng Ngọc nghe đến chất ngất cả hồn người...

    TTM.
    Tản mạn, nhân đọc "Lời Rêu" của Nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng.
    PP. 8/3/2012


      Lời Rêu
      thơ Nguyễn thị Hoàng

      Ai đi qua xa vắng,
      bỏ chiều run một mình.
      Giọt cà phê máu mặn,
      nỗi nhớ đầy quyên sinh.

      Mười hai năm tỉnh giấc,
      trắng đôi bờ tóc đen
      Dáng tinh cầu vỡ nát,
      đôi tay nào ru đêm

      Uống cùng nhau một giọt,
      đắng cay nào chia đôi
      Chung một niềm đơn độc,
      Riêng môi đời pha phôi.

      Say dùm nhau một giọt!
      Chút nồng thơm cuối đời.
      Vướng dùm nhau sợi tóc,
      Ràng buộc trời sinh đôi.

      Cơn mưa chìm nước mắt,
      phủ kín đời chia hai
      Thời gian chung đã mất,
      Tháng ngày riêng cũng phai

      Ngày mai ta bỏ đi,
      trần gian xin trả lại
      Đá tảng nào vô tri,
      chết một đời rêu dại

      Chỉ còn trong bóng tối,
      dấu tay nào trên tay
      Tiếng im trong lời nói,
      mây quên trời tóc bay


    Mang bức "Chân và Một đời Rêu dại"
    của Cẩm Tuyến về đây rồi.
    Cám ơn em nhé! CT ơi!





    Bài thơ này được một nhạc sĩ hải ngoại Hạnh Cự phổ nhạc




    và cũng được Phú Quang phổ nhạc nữa, bài do Phú Quang phổ nhạc được nhiều ca sĩ hát, nhưng có lẽ giọng của Hồng Ngọc nghe tha thiết hơn cả.

    Cái clip nhạc này do Gioheomay làm riêng tặng TTM.
    Cám ơn em Gió ơi!



    Nhạc Phẩm: "Lời Rêu"
    Thơ: Nguyễn Thị Hoàng
    Phổ nhạc: Phú Quang
    Do Hồng Ngọc trình bày.
    Hình minh họa do Gió trình bày.






    ♥ Ghi Chú:

    Nguyễn Thị Hoàng (1938-) là một nhà văn nữ ở miền Nam Việt Nam trước năm 1975. Bà sinh năm 1938 tại Huế, tốt nghiệp Đại học Văn khoa, Viện đại học Đà Lạt. Sau khi tốt nghiệp, bà đi dạy học tại Đà Lạt. Năm 1966 bà nghỉ dạy, chuyển sang viết văn.

    Tác phẩm đầu tay là Vòng tay học trò xuất bản năm 1966 đã tạo được sự quan tâm của dư luận đương thời. Nhiều ý kiến phê phán tác phẩm này có nội dung vô luân do viết về quan hệ tình cảm giữa một cô giáo trẻ và cậu học trò phổ thông học cùng trường cô giáo dạy.

    Các tác phẩm khác bao gồm: Trên thiên đường ký ức (1967), Về trong sương mù (1970), Bây giờ và mãi mãi (1974).

  • Thơ phổ nhạc: http://www.thonhacviet.com/thophonhac/index2.html

Đọc tiếp ...

Bạn từ đâu đến..



Bạn từ đâu đến bạn ơi!
Đến thì nhớ nhé đôi lời thăm nhau..

free counters


Pageviews: 374,323 - 23/09/2016

Sắc tím Đài Đông

Sắc tím Đài Đông

Sương khói




Suy tư vầng trán thêm gầy
Em ơi! khói thuốc vàng tay vẫn buồn..





Và mây vẫn trôi giữa dòng đời.......
................ bụi bặm...
..... Người đi qua đời.. chợt.. ...
............cũ đến chẳng còn quen.......
................. TTM