Báo GIÁO DỤC TP.HCM phỏng vấn Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc
“Làm thế nào để đạt kết quả tối ưu trong các kỳ thi quan trọng (THPT, ĐH – CĐ); xây dựng cho mình một thời gian biểu sao cho vừa đảm bảo kế hoạch ôn tập, vừa giữ gìn sức khỏe để có thể bước vào cuộc thi với tâm thể tốt nhất…” là những trăn trở của nhiều phụ huynh, học sinh trước mỗi mùa thi. Báo Giáo Dục TP.HCM đã mang những thắc mắc này đến trao đổi với Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc nhằm giúp các bạn học sinh có thêm những bí quyết, bài học giữ gìn sức khỏe trước, trong và sau mỗi mùa thi.
* Chào Bác sĩ (BS). BS có thể cho biết vai trò của việc giữ gìn sức khỏe trong cuộc sống con người nói chung, trong mỗi kỳ thi của các bạn học sinh nói riêng?
- BS Đỗ Hồng Ngọc:
Như ta vẫn thường nói “sức khỏe là vốn quý nhất của con người”. Quả đúng vậy. Không có sức khỏe thì không thể làm được việc gì hết, kể cả chuyện học hành thi cử! Thậm chí có những người học rất giỏi mà sau đó mắc bệnh lao phổi, tim mạch hay tâm thần… thì cũng chẳng đến đâu. Mỗi kỳ thi là một cuộc đo tài ganh sức, đòi hỏi trí tuệ và cả… cơ bắp nữa. Phải có sức khỏe cả thân và tâm thì mới thành công. “Một tâm hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện” phải không? Thi cử là một stress lớn cho mỗi thí sinh nên phải có cách vượt qua. Muốn vậy, cần có sự chăm sóc tốt sức khỏe thề chất và tâm thần trong suốt quá trình học hành, thi cử. Nhiều người đợi nước đến chân mới nhảy nên nhảy không kíp, lọt tõm xuống ao. Muốn đi đường dài thì phải chăm sóc ngựa, chăm sóc xe… không đợi dến nước rút!
* Ăn uống như thế nào là hợp lý trong mùa thi, thưa BS?
- BS Đỗ Hồng Ngọc:
Không đợi đến mùa thi mới lo ăn uống hợp lý. Ăn uống là chuyện thường ngày mà! Thế nhưng, trong mùa thi thì chuyện ăn uống trở nên quan trọng hơn.
Chẳng hạn, học thiệt xuất sắc, chuẩn bị đâu đó sẵn sàng để đi thi, chắc mẽm kỳ này sẽ đâu cao, ai dè tới ngày thi thì bị Tào Tháo đuổi (ỉa chảy) chạy không kịp thì học giỏi cách mấy cũng rớt! Cho nên không có gì đáng tiếc hơn những ngày sắp thi mà ăn uống bậy bạ ngoài đường, không đảm bảo “an toàn vệ sinh thực phẩm” chút nào cả!
Một câu thường hỏi khác là ăn gì thi cho dễ đậu?
Câu trả lời là ăn gì thi cũng dễ đậu cả, miễn là ăn no, đủ chất, học hành đàng hoàng, giữ gìn sức khỏe tốt. Ngày thi mà đau bụng ói mửa, mà xây xẩm, chóng mặt, té xỉu trong phòng thi vì hạ đường huyệt (quá đói) thì không thể nào đậu đươc!
Còn người đã học có kế hoạch, ôn tập kỹ lưỡng thì ăn chè đậu cũng đậu mà ăn trứng vịt cũng đậu. Đừng có dị đoan mê tín! Trứng cũng bổ như đậu, miễn là đừng ăn trứng bị H5N1 (cúm gia cầm) là được!
Tóm lại, nên quan tâm đến “cái ăn”. Ăn đủ chất và lượng. Giống như đổ xăng, nếu xăng pha nước thì chạy không được.
Nhớ, không cần tẩm bổ với cao lương mỹ vị gì cả, không cần sâm cao ly, nước tăng lực gì cả, vì nếu cứ lo chuyện ăn uống tẩm bổ này nọ thì sẽ không còn thì giờ tập trung cho việc học.
Thật sai lầm khi những ngày này phụ huynh bắt con em phải ăn thứ này thứ khác để tẩm bổ! Món ăn nào trẻ thích và vệ sinh, an toàn đều tốt cả.
Khoái khẩu thì ăn sẽ ngon, học sẽ giỏi. Một em ở vùng biển quen ăn mắm, cá khô… bỗng được ăn thịt bò bíp-tét khoai tây chiên thế nào cũng sình bụng, phát ách, ói mửa… và thi rớt!
* Thời gian ôn thi thường tạo cho các bạn học sinh cảm giác căng thẳng – mất ngủ, vậy làm cách nào để có giấc ngủ ngon và say?
- BS Đỗ Hồng Ngọc:
Thi cử là một stress lớn trong đời học sinh.
Stress dễ làm mất ngủ. Ngủ rất cần thiết để giải stres, giảm stress. Ngủ đủ, ngủ ngon thì học sẽ mau thuộc bài hơn. Có em ráng uống cà phê đậm, trà đậm để thức học, thậm chí có em cột mình vào ghế cho khỏi ngủ gục… đều là những cách làm sai lầm.
Tế bào thân kinh một khi đã quá mệt mỏi, lại bị cưỡng bức nữa thì dễ bị kiệt sức, không hồi phục, dẫn đến tâm thần.
Tốt nhất là khi học quá căng, quá mệt mỏi rồi thì nên nghỉ. Nghỉ trước khi mệt càng tốt. Đi một bài quyền, ca hát nhảy múa gì đó, tắm rữa một chút chẳng hạn để… thay đổi không khí. Sau đó học lại, sẽ thấy tốt hơn.
Ngủ càng cần thiết. Trong giác ngủ, các tế bào thần kinh não bộ được thư giãn, được phục hồi sau thời gian căng thẳng. Giống như điện thoại hết pin cần phải sạc lại, mất vài giờ nhưng sau đó pin đầy, làm việc tốt hơn.
Để ngủ ngon thì phải có kế hoạch học ôn từ sớm. Không nên dùng những thứ kích thích thần kinh.
Một « kỹ thuật” giúp dễ ngủ là « lắng nghe hơi thở của mình », không quan tâm tới bất cứ điều gì khác, không cần đếm sao trên trời… Cứ theo dõi hơi thở của mình một lúc sẽ ngủ được ngon và sâu.
* Phong độ thư thái, tự tin sẽ giúp các bạn học sinh đạt kết quả tốt, thế nhưng để đạt được cảm giác này là điều không dễ?
- BS Đỗ Hồng Ngọc:
Dĩ nhiên. Chỉ những người học hành kỹ lưỡng, hoàn tất chương trình đầy đủ, chuẩn bị đâu đó sẵn sàng cho ngày thi thì mới thư thái tự tin được.
Mặc dù lúc đi thi, người đó vẫn có thể có cảm giác như bị tràn ngập, không nhớ được gì cả, nhưng khi đề thi ra thì đầu óc tự nhiên tập trung lại vào một điểm, trí nhớ sẽ phục hồi, làm bài rất dễ dàng.
Một người học lõm bõm, đánh tủ, thường không thể tự tin, không thể thoải mái.
Một người uống thuốc kích thích thì cảm thấy rất tỉnh táo, “rất tự tin”, nhưng làm bài sai bét mà không hay!
Một kỹ thuật để giảm stress, để có phong thái tự tin là … thở sâu, đưa hơi xuống “huyệt đan điền” (dưới rốn 3 đốt ngón tay) và quan sát, theo dõi hơi thở. Thở chậm, sâu, đều, sẽ làm cho phong thái trở nên điềm đạm. Lúc đó thi cử sẽ là một… trò chơi. Thi “chơi” cũng đậu! Còn căng thẳng quá, tự cao tự đại quá thì thường hỏng!
Phụ huynh… thông minh, thường khuyên con em trước kỳ thi rằng không có gì phải lo. Đậu cũng được, rớt chẳng sao. Thua keo này bày keo khác.
Phụ huynh nào đặt nhiều kỳ vọng, đặt chỉ tiêu này nọ, giải thưởng tiền bạc này nọ… thường thất vọng to!
Nhiều em thi rớt, thấy phụ huynh quá đau lòng, bèn “trả hiếu” cho cha mẹ bằng cách… tự tử chết đi cho xong! Mùa thi nào cũng phải cấp cứu những tình huống đáng tiếc này.
Lỗi ở phụ huynh. Đường còn dài. Đâu phải chỉ có thi cử ở trường ốc. Nhiều người thành đạt trên trường đời chẳng hề tốt nghiệp một thứ đại học nào cả! Một em học giỏi, IQ ( Intelligent Quotient) rất cao, mà ra đời nhiều khi lại thất bại, thua xa một em học trung bình mà EQ ( Emotional Quotient) tốt!
* Việc lạm dụng “thần dược” trong mùa thi đã để lại nhiều hậu quả xấu cho sức khỏe của học sinh, BS chia sẻ gì về vấn đề này?
- BS Đỗ Hồng Ngọc:
Không có chuyện “thần dược” trong mùa thi. Chỉ là để gạt gẫm nhau thôi… Một ly nước chanh đường, một không khí thoáng đãng… với kế hoạch ôn tập từng bước quy cũ chính là thần dược.
Nhắc lại, tự học mới quan trọng. Học kỹ theo chương trình là đủ.
Ăn uống, ngủ nghỉ đầy đủ, thể dục thể thao đàng hoàng, biết cách giảm stress thì thi sẽ dễ đậu.
Bói toán, dị đoan mê tín, tin tưởng “thần dược” này nọ thì hy vọng rất ít vì đã mất tập trung, đã chia trí.
Thủ khoa các kỳ thi đại học thường là những em học trường huyện, chưa bao giờ học thêm, ăn uống thậm chí còn thiếu thốn, chỉ có học kỹ theo chương trình và có sự chuyên tâm tự học thì sẽ thành công. Học tủ, học kèm, học thêm… dễ thi rớt vì mất thì giờ cho ăn diện, cho điệu đàng, cho tán gẫu, tầm phào đáng tiếc. Tin tưởng vào “thần dược” là một sự nhảm nhí!
* Xin cám ơn BS
Phúc Hậu (thực hiện)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét