Thứ Bảy, 26 tháng 3, 2011

Một ngày ở trung tâm thảm họa Ishinomaki

    Thứ Bảy, 26/03/2011, 07:30 (GMT+7)
    http://tuoitre.vn/Chinh-tri-Xa-hoi/Phong-su-Ky-su/430590/Mot-ngay-o-trung-tam-tham-hoa-Ishinomaki.html


    Một ngày ở trung tâm thảm họa Ishinomaki

    TT - TP Ishinomaki (tỉnh Miyagi, Nhật Bản) thật sự chìm trong bóng tối khi toàn bộ đã bị phá hủy bởi cơn sóng thần ngày 11-3. Giữa đống đổ nát ấy, phóng viên Tuổi Trẻ đã trải qua một ngày với người dân ở đây.

    Thành phố Ishinomaki bị phá hủy hoàn toàn sau sóng thần  - Ảnh: Lan Phương


    Khi chúng tôi đến nhà ông bà Jinichiro Kasumi, mọi người vẫn đang cố đem những thùng đồ đạc ở ngôi nhà đổ nát sát bờ cảng trở về. Trong đó có cả những quyển album được lấy khỏi đống bùn về cho người dì già yếu đang trú ở gia đình họ. Bà Asano, vợ ông Jinichiro, kể: “Khi động đất xảy ra, tôi bảo chồng lấy xe đến đón dì. Anh ấy vừa đưa bà khỏi nhà năm phút thì sóng thần ập đến, cả căn nhà bị san bằng”.


    Người dì 86 tuổi già yếu tên Namae Wagai Nuiko đã được cứu thoát trong chớp mắt. Bà Namae đeo kính trắng, ngồi bên bàn ăn, cầm tờ báo đọc và nhắc lại chuyện những người xung quanh mình bị mất tích.


    Bữa ăn dè sẻn


    Vì căn nhà nằm gần cảng nên bị nước ngập cao lên khi sóng ập vào làm nó vỡ nát. Buổi sáng, hai cha con ông Jinichiro ra dọn dẹp vườn nhà. Trước đây gia đình có một đền thờ Shinto lớn trong vườn, nơi mùa xuân ngập đầy hoa. Những bức ảnh hoa anh đào mà bà vợ Asano vừa in năm ngoái làm lịch gia đình giờ như đã xa xôi lắm.


    Khu vườn là một bãi bùn đen khổng lồ, cây cối đổ nát tan hoang. Hôm sóng thần xảy ra, những con cá trong cửa hàng bán đồ ăn gần nhà thoát khỏi bể, bơi thẳng vào rồi nằm chết ngay trong vườn nhà. Cuối cùng, trong những ngày lương thực khan hiếm, chính những con cá đó trở thành phần thức ăn thêm cho gia đình.

    206 trại lánh nạn

    Ishinomaki là TP ôm sát ven biển. Tính đến ngày 21-3, đã có 1.348 người chết vì sóng thần, 1.471 người vẫn đang mất tích. 31.128 người phải tị nạn. TP đã quyết định sử dụng các bãi đất trống trên đồi để chuẩn bị kế hoạch phải chôn một số lượng quá lớn người bị thiệt mạng trong vùng. Toàn bộ TP Ishinomaki đã bị phá hủy nặng nề và tất cả trung tâm lớn của TP như trường tiểu học, trung học, tòa thị chính... đều trở thành trại tị nạn. Toàn bộ TP có 206 trại trú ẩn và lánh nạn cho người dân.

    Bữa trưa được bà Asano chuẩn bị kỹ lưỡng cho từng người trong nồi cơm dè sẻn. Khi hết sóng thần, vợ chồng bà quay lại nhà bà dì Namae Wagai Nuiko đã tìm thấy những túi cà phê và đường chưa bị hỏng, chúng đã trở nên quý giá hơn bao giờ hết.


    Gói cà phê được chia làm hai, cả gói đường cũng phải dè sẻn đổ từng chút một. Bà Asano kể: “Tôi có em trai ở tỉnh khác. Cậu ấy mấy ngày lại mang thức ăn lên cho chúng tôi một lần. Nhưng ở đâu khắp miền đông bắc này cũng đóng cửa, muốn mua cũng khó lắm”.


    Từng phần ăn trong gia đình được chia đều kỹ lưỡng cho từng người, người con trai ông bà có lúc được thêm phần cơm vì phải làm việc cực nhọc cả ngày.


    Thỉnh thoảng cầm những tờ báo, mọi người trong nhà lại lắc đầu bảo nhau: “Từ hôm sóng thần xảy ra đến giờ, ngày nào, giờ nào cũng nghe những tin đau lòng. Đến sáng nay mới nghe một tin vui, nhẹ cả người”.


    Trên trang báo đầu ngày, một bà lão 80 tuổi và một đứa bé tiểu học vừa được cứu khỏi đống đổ nát. Nhưng ngay cả tin rất vui hiếm hoi ấy cũng làm cả nhà Jinichiro lặng đi khi nhớ lại ngày đầu tiên sau thảm họa, người ta đã moi ra từ đống đổ nát những thi thể nát bấy rất thương tâm.


    Tất cả những gì đập vào tâm trí họ là những bản báo giấy in đậm hoặc chiếc radio chạy pin kêu léo nhéo trên nóc tủ nhà. Ở đó, những thông tin liên tục được cập nhật về nhà máy điện hạt nhân, về những đợt trực thăng lên xuống cứu người, về những chuyến tải nước diễn ra ngày đêm trên khắp quốc lộ 45 ở miền đông bắc.


    Cũng ở đó, họ nghe thấy những tiếng khóc, nhìn thấy những gương mặt thất thần, sững sờ của chính những người sống chung một TP với mình, ở ngay gần cảng hay thậm chí ở rất gần nhà.


    Cả TP mất điện nước. Cái bếp lò bằng đất cũ kỹ để trong nhà lại được ông Jinichiro đem ra trưng dụng thành lò sưởi trong nhà. Bà Asano như muốn gắt lên: “Hằng năm, vào giờ này vườn nhà đầy hoa, TP đầy hoa. Chỉ có năm nay tới tận giờ này còn tuyết rơi và ngày rét đậm”. Bàn tay cời lửa của bà rung lên khi hơi ấm phả ra dữ dội từ lò. Hơi lạnh buốt đóng chặt xung quanh căn phòng nhỏ xíu vài mét vuông là nơi sinh hoạt của bốn con người...


    PV Lan Phương


    Những album kỷ vật


    Bóng đêm tràn đến nhanh. Người ta vẫn dùng tất cả những phương tiện có thể, ổ khóa, thanh sắt, thanh gỗ... để đóng kín ngôi nhà của mình lại. Vài ngày gần đây, trong TP đã có trộm cắp. Bóng đêm ập xuống và không ngọn đèn nào bật sáng khiến cuộc sống trở nên bất an thật sự.


    Nhà Jinichiro vẫn may mắn có được một ngọn đèn nhỏ từ bình ăcquy mà em trai bà Asano mang đến giúp đỡ. Để lấy từng lít nước, ông Jinichiro phải đi bộ đến tòa thị chính xếp hàng chờ. Những túi nước họ mang về chỉ được dùng để uống qua ngày. Toàn bộ nước sinh hoạt đều lấy từ một cái giếng đã phủ ngập bùn đen tới gần miệng.


    Dưới ánh đèn ăcquy, bà lão Namae Wagai Nuiko kể về cuộc sống 86 năm qua của mình. Bà lôi từ sân nhà lên mấy quyển album ảnh ngập đầy bùn đen, rơm rớm nước mắt gỡ ra từng tấm ảnh. Ở đó, bà kể câu chuyện thuở còn trẻ bà học bắn cung tên, bà mặc kimono làm lễ trưởng thành, bà trang điểm ngày lấy chồng, những chị em của bà cũng có con cháu, cũng vui vẻ lớn lên...


    Cuộc sống của bà lão chậm rãi trôi qua mắt những đứa cháu cả ngày phải đi ra căn nhà nát bấy moi từng quyển album lên theo ý của bà. Bà Asano lau nhẹ từng tấm ảnh ướt cho dì, xếp chúng vào những chiếc khăn giấy hiếm hoi họ còn lại. Khi mọi thứ đã hồi phục ở đây, con cháu của bà Namae sẽ ngồi lại cùng nhau và xếp những tấm ảnh đúng vào những ngày tháng, ghi chú trong album đã bị cơn sóng thần xóa tan đi mất.


    Suốt 86 năm sống ở Ishinomaki này, bà Namae và cả con cháu sinh sau của mình chưa bao giờ phải gánh chịu một thảm họa nào đau đớn đến thế này. Ông Jinichiro ngồi bên bếp sưởi nhẩm tính với chúng tôi: “Rồi sẽ phải sáu tháng hay một năm nữa TP mới bình thường trở lại nhưng sẽ không còn như cũ được nữa”. Chắc là họ đúng. Bởi vì đến ngày 21-3, họ đã mất đi 1.348 người thân. Và vẫn còn 1.471 người nữa chưa biết chuyện gì xảy ra...


    Người già cô đơn trong dư chấn


    Nước Nhật là một quốc gia già, với hơn 23% người từ 65 tuổi trở lên. Trên suốt con đường tác nghiệp tại lán trại lánh nạn nào chúng tôi cũng thấy hàng trăm người già đang trú ngụ.

    Sân chơi ở một trại lánh nạn có đến 300 người trú ẩn, chỉ loe hoe vài đứa trẻ ngồi lẻ loi với nhau. Khi lăng xăng xếp vào một hàng dài những người nhận thức ăn buổi sáng, lũ trẻ ấy như chìm khuất đi vì những bóng hình lầm lũi của những người già trong hàng.

    Mùa đông đã hết nhưng khắp tỉnh Miyagi chỗ nào cũng lạnh 4OC, 2OC, 0OC. Cái lạnh ấy xoáy vào cơ khớp người già, dù họ mang bao nhiêu bít tất và đeo bao nhiêu găng tay đi nữa. Tôi đã thấy một bà lão ngồi co ro trên hai chiếc ghế chập lại làm một, đôi mắt đeo kính lão thẫn thờ nhìn tivi.

    Bà bảo không ngủ được dù mọi người đã cho bà rất nhiều áo ấm nhưng vẫn không đủ, tay chân bà cóng lại khi trời đêm ụp xuống bằng cơn lạnh -2OC. Lực lượng phòng vệ phải dùng xuồng để tiến đến căn nhà đang trôi cứu bà ra. Không con cháu. Không người thân. Bà đã trở thành người bơ vơ khi căn nhà ấm áp đã trôi theo những ngọn sóng ngất trời.

    Chỉ trong vài chục phút, họ đã mất nhà, mất người thân, mất làng xóm, mất cả quê hương và một nơi ủ ấm những ký ức của thời đã rất xa ngày trước. Khi đi trên những con phố chỉ còn như một bãi phế liệu, tôi đã thấy một ông lão tóc bạc phơ đeo ủng, mặc đồ bảo hộ, tay cầm xẻng cố nạy một thanh gỗ chắn ngang cửa nhà ngập bùn đen lên. Ông đẩy chiếc xẻng xuống bằng tất cả sức lực của mình mà thanh gỗ vẫn không hề suy chuyển.

    Ở một nơi khác, một ông lão đeo trên vai hai balô đầy đồ đạc gom lại từ ngôi nhà đã sập, còng lưng bước nặng nhọc lên con dốc đồi cao để về nơi lánh nạn mình đang ở. Trong một ngày rất lạnh, một ông lão với hai bàn tay run lẩy bẩy vẫn ngồi cặm cụi ấn từng mảnh báo vào đôi ủng cho mau khô để tiếp tục đi xuống dọn dẹp tiếp trong căn nhà đã vỡ cả tầng một.

    Nhưng tất cả những khung cảnh buồn rầu và lặng lẽ ấy sẽ không bao giờ đo đếm được bằng hình ảnh người mẹ tóc bạc phơ ngồi khóc trên một chiếc ghế trong trại lánh nạn. Cả nhà bà, cả năm người con trai, cháu nội đều bị cuốn trôi ngay trước mắt bà.

    Có những đứa trẻ chỉ vừa mới bắt đầu tô điểm cho cuộc sống mới ở đây đã phải ra đi, vĩnh viễn biến mất khỏi ngôi nhà ngập tiếng cười thơ dại của chúng. Và rồi khi không có đủ những người trẻ giúp sức, người già phải gồng mình để bắt đầu một cuộc sống như thể vẫn còn trai trẻ vào ngày tái thiết sắp đến.

    Nhưng nỗi cô đơn của sự già nua trong khó nhọc này biết bao giờ mới có thể qua đi?

    LAN PHƯƠNG

4 nhận xét:

  1. Động Đất _ Đất cũng động lòng !

    Trả lờiXóa
  2. Bài phóng sự dài thật. Em chỉ đọc đoạn đầu thôi. Một thành phố nhỏ bị quét sạch sau một cơn sóng thần, chắc chắn cái ngày hôm đó sẽ đi vào lịch sử.

    Trả lờiXóa
  3. Vâng, tai ương xảy đến dù cho bất kỳ ai, mình cũng cảm thấy buồn em ạ!

    Trả lờiXóa

Bạn từ đâu đến..



Bạn từ đâu đến bạn ơi!
Đến thì nhớ nhé đôi lời thăm nhau..

free counters


Pageviews: 374,323 - 23/09/2016

Sắc tím Đài Đông

Sắc tím Đài Đông

Sương khói




Suy tư vầng trán thêm gầy
Em ơi! khói thuốc vàng tay vẫn buồn..





Và mây vẫn trôi giữa dòng đời.......
................ bụi bặm...
..... Người đi qua đời.. chợt.. ...
............cũ đến chẳng còn quen.......
................. TTM