Mắt hỏi
TT - Nhìn (*) là triển lãm cá nhân lần đầu tiên của Đặng Xuân Trường tại Hà Nội. Tên triển lãm không thể ngắn gọn hơn. Nhìn, “cộc lốc” như một lần bấm máy, mỗi lần bấm máy là một lần nhìn, giữ lại một khoảnh khắc của cuộc sống mà mình nhìn thấy.
>> Read this on Tuoitrenews.vn
Hình
|
Tác phẩm trong triển lãm Nhìn của Đăng Xuân Trường |
Đặng Xuân Trường rong ruổi một mình một “ngựa” sáu năm trời từ 2002-2007 khắp vùng Tây Bắc, từ Điện Biên, Yên Bái, Lào Cai sang Hà Giang chụp rồi chọn 23 bức cho triển lãm này. Trường chỉ chụp bằng một máy Nikon, một ống kính 105 mở 1.8. Với nhiếp ảnh, máy và ống kính là con mắt, là cách nhìn. Tìm được con mắt cho mình đã là thành công rồi, là biết nhìn rồi.
23 bức ảnh của Nhìn đều là ảnh đen trắng, đều chụp đề tài trẻ con, các em bé của các dân tộc thiểu số. Với nhiếp ảnh thì nội dung quan trọng hơn nghệ thuật, đề tài quan trọng hơn cách xử lý đề tài. Ánh sáng, bố cục, góc máy được Trường lưu tâm vừa đủ. Suy cho cùng những thứ đó chỉ là phương tiện, không là mục đích của nhiếp ảnh. Không ít nhà nhiếp ảnh hiện nay đều lạm dụng ánh sáng, bố cục, góc máy, lạm dụng hình thức, kỹ thuật để lấp liếm, che đậy cái cốt lõi của nhiếp ảnh chính là nội dung.
23 bức ảnh là 23 trẻ thơ, 23 ánh nhìn, nhìn thẳng vào ống kính, nhìn thẳng vào người xem, nhìn về phía trước, 23 ngây thơ, 23 trong vắt gần với tự nhiên, gần với trời mây, rừng núi, không đục, bụi và ồn ào như đô thị.
23 “nhìn” đều là ảnh chân dung nhưng phần nền đã được làm mất nét, phục trang của nhân vật cũng không còn là điều chính. Nói tóm lại chỉ còn những đôi mắt, chỉ còn nhìn là thông tin chính.
Chụp người lớn đã khó, chụp trẻ con còn khó hơn. Trong 23 bức ảnh của Trường, các nhân vật đều rất tự nhiên. Không gò ép, không khiên cưỡng, không có sự sắp đặt. Trường đi đi lại lại, gặp gỡ, trò chuyện, giao lưu với các em, thân rồi, quen rồi mới chụp. Các em bé không bị cảm giác đứng trước ống kính máy ảnh.
Có cảm giác Trường nhìn các em, các em bé nhìn Trường, họ đang “trò chuyện với nhau” bằng mắt chứ không phải là một nhiếp ảnh gia đang bấm máy và các em bé thì đang diễn trước ống kính.
Có một điều thật đặc biệt không nằm ở bản thân những bức ảnh mà ở cách thức trưng bày những bức ảnh. Trường chu đáo và kỹ lưỡng, từ chọn bo, chọn khung (loại không lắp kính), dây treo tranh, cách treo, màu sơn tường đến mấy cái bục trang trí thêm cho không gian phòng triển lãm. Thái độ làm việc ấy là sự tôn trọng mình và tôn trọng người xem. Khách quan mà nói, những tác phẩm nhiếp ảnh này của Đặng Xuân Trường xứng đáng được tôn trọng như vậy.
Đằng sau Nhìn hình như có một điều gì đấy bắt người xem phải xem lâu hơn, phải nghĩ ngợi, phải thấy không đành lòng. Có lẽ đằng sau 23 bức ảnh ấy là 23 câu hỏi, không phải câu hỏi của các em mà là câu hỏi của chính người chụp, của Đặng Xuân Trường. Đằng sau 23 đôi mắt ấy là con mắt của Trường. Nói cách khác, cái nhìn 24 chính là cái nhìn của tác giả ẩn đằng sau 23 ánh nhìn của nhân vật, cái nhìn như một câu hỏi.
Thông tin của Nhìn chính là câu hỏi, những người lớn sẽ làm gì, giúp gì cho các em để bát cơm của các em được đầy hơn, quần áo lành lặn hơn, lớp học khang trang hơn… để những tuổi thơ ấy được đẹp hơn. Những câu hỏi giản dị, những ước muốn giản dị, nhưng…
LÊ THIẾT CƯƠNG