"Người về soi bóng mình ...!"
Hỡi những người bạn tuổi 50s
Chênh vênh nửa đoạn đường đời
Nhìn phía sau ngàn xưa hun hút
Nhìn phía trước vẫn chập chùng xa !
Vâng, bây giờ đứng ở giữa quá nửa cuộc đời, nhìn lại và để kể về một chút cuộc đời, kể về tôi kể từ sau khi tôi rời xa cuộc đời của một thiếu nữ, bước vào cuộc đời thường tình của con người.
Tôi luôn soi rọi tôi, tôi luôn soi rọi bóng mình.
Hàng ngày, từ mỗi buổi sáng thức giấc đến chiều tối đêm khuya, dù ngay trong những lúc dù vất vả với mưu sinh, với cuộc đời thường của con người, nhất là với thân phận của người phụ nữ tôi suy tư, hay những lúc tôi để tôi bềnh bồng theo những cảm xúc của dòng đời, của cuộc sống của chính tôi, thì tôi đều suy tư đều lắng nghe, đều soi rọi điều sâu kín nhất chính trong tâm mình.
Từ trải qua những đớn đau nhất khi khai hoa nở nhụy để trở thành người mẹ, và rồi tôi lại mỉm cười khi nghe thấy tiếng khóc của trẻ thơ, sinh linh và cái cuống rún nhỏ của tôi, từng cái từng cái, đã cất tiếng khóc chào đời, rồi tôi lịm đi trong niềm hoan lạc của tâm hồn và nỗi đau của thể xác.
Trải qua những gian nan, những gập ghềnh thác đổ của cuộc đời, của sự hòa nhập hai cái nửa, hai cái nửa cái vơi cái đầy, cố gắng xếp xếp xây xây vun vun xới xới lại từng mảng rong rêu trôi qua trong dòng đời, dòng đời không bao giờ vuông tròn như ý chủ quan của con người cả. Ngay cả những lúc ta thấy những cú cước lại đá ngược vào cuộc đời mình. Có những lúc sẽ chỉ suy gẫm, tôi chỉ ngậm ngùi, gạt lệ, rồi ngước mắt nhìn lên, vì cuộc đời vốn thế! Sao Kim vẫn là sao Kim và sao Hỏa sẽ vẫn là sao Hỏa, ta đừng kỳ vọng bất cứ điều gì, đừng kỳ vọng tất cả hòa nhập thành một theo ý chủ quan, mà hãy hiểu rõ về bản thể của nó rồi cùng hay tự tạo ra những điểm tương đồng để rồi cùng nhau chu du trong dòng thiên hà này mà thôi, hãy cùng nhìn nhận mỗi biệt thể và chấp nhận nó như chính nó là ... để cùng tồn tại với chính cái mình đã chấp nhận.
Tôi yêu CHÂN THIỆN MỸ, yêu mọi cái đẹp, nhưng con người thì luôn không hoàn mỹ, tôi cũng không hoàn mỹ, do đó tôi không so sánh cái nửa của mình với bất kỳ cái của ai ngoài vùng sóng ấm của gia đình. Trong dòng đời ta đi qua, biết bao hoa thơm trái ngọt, biết bao anh hùng mỹ nhân, cứ ngưỡng mộ để phong phú cho cuộc sống, chỉ ngưỡng mộ mà thôi, "hạt nước khi ở xa sẽ là hạt kim cương, mà khi đến gần vẫn sẽ chỉ là giọt nước", hãy biết rằng cái thực tại của cuộc sống và cái tưởng tượng sẽ khác xa nhau, con người luôn có hai mặt, có lạc lòng thì hãy trở về, vun đắp mái ấm của mình chưa xong, mà đi mơ tưởng vun đắp cho cái không tưởng. Vì vợ chồng, cái nghĩa tào khang hình thành, ngoài lãng mạn của tình yêu đôi lứa, còn hình thành do quá trình đồng cam cộng khổ, trải qua sóng gió gập ghềnh vùi dập của cuộc đời mà ràng buộc cả vật chất và tinh thần với nhau. Cái của mình mà tại sao không giữ vững và không tạo dựng, mà sao lại đi vun xới đâu cho cái không tưởng ở tận nơi đâu !!!
Tôi nói thế sẽ có người phản bác lại, thật ra sẽ có đôi người phối ngẫu quá quắc không thể chịu đựng nổi, nhưng tất cả đều có nguyên do. Hãy đi tìm hiểu nguyên do mà phân tích, tìm những lúc để cùng mổ sẻ và chia sẻ với nhau... Nhưng khi đã tìm ra cội nguồn, nhưng chỉ có một người cố gắng vun xới xây dựng.. còn một người thì cứ tìm riêng cho mình những lạc thú ở đời và xem nó như đó là một quyền đương nhiên được thụ hưởng, chà đạp lên luân thường đạo lý... không nghĩ tới tổn thương của người phối ngẫu, xem sự bao dung vị tha của người phối ngẫu là điều đương nhiên... thì sẽ ra sao nhỉ ?
Vì không thể chịu đựng nổi, vì cái TÔI của chúng ta, vì cái NHẪN là cái khó nhất của con người, nên người ta sẽ tung hê và buông trôi, người ta quên đi cái ngày mà mỗi ngày mỗi phút không thấy nhau là không thể chịu đựng được, người ta quên đi cái ngày mà cùng nhau thắp nén nhang, đôi nến long phượng lên bàn thờ tổ tiên của hai bên. Quên đi tất cả, mà chỉ nhớ tới cái mà chúng ta đang không chịu đựng nổi nhau! chỉ thấy những nhạt phai mà quên đi xưa ấm nồng, thế là chia xa, thế là tan đàn sẻ nghé, thế là cái nóc nhà nghiêng ngửa !!! Chúng ta quên cả sự hy sinh nỗ lực của người bạn đời đã vì gia đình đã đi bên chúng ta cả cuộc đời, quên rằng người ấy cũng cần một bờ vai để được ghé vào tựa tựa cái mái đầu biết là bao...
Khi ta nhận diện ra cái bản lai của hai cái nửa của cuộc đời, thì mình sẽ thấy rằng dòng đời sẽ vẫn êm đềm trôi qua dù cho ta có khổ sở, có đắng cay, hay vui sướng mặn nồng, thì dòng sông vẫn cứ thế mà trôi để trôi ra biển cả ...
Trong gia đình, cha mẹ tôi cuối cùng còn lại bảy chị em, ba trai bốn gái. Từ nhỏ tôi đã đi chùa học Phật pháp, nghe kinh kệ; ở nhà thì nghe lời mẹ dạy qua các câu ca dao, tục ngữ và phương ngôn mà mẹ thốt ra trong lúc dạy con của mẹ tôi; đi học thì một phần thơ, văn, triết lý nhân sinh của nhân loại cũng thấm nhuần, và tất cả những cái hay cái tốt và cái xấu của dòng đời từ từ thẩm thấu vào trong con người mình. Thế là tôi, và chị em chúng tôi đùm bọc nhau theo bước rong ruổi trong cuộc đời gập ghềnh của cha mẹ. Cha mẹ tôi không chê trách bất kỳ đứa con nào. Chúng tôi đều là những đứa con ngoan, học giỏi, từng là những ngưỡng mộ của bạn học và của xóm làng. Riêng tôi, tôi còn cảm nhận được tất cả những phó chúc của cha mẹ. Các em luôn quây quần quanh tôi, cùng chia sẻ cái vui và ngậm ngùi với cái buồn của chị. Đối với các em tôi, tôi cảm nhận được tất cả.
Lấy chồng của tôi, thì cũng khác hơn người. Tôi có tới hai người cha và hai người mẹ chồng. Và tôi, trải qua bao gập ghềnh gian khổ của cuộc đời, mặc sự vô tình của thế sự, tôi vẫn cứ nhẫn, vẫn cứ thương kính các đấng song thân. Tại sao không nhỉ ? ta chỉ có duyên mà hợp nhau trong kiếp này. Người ngoài ta còn tương kính, thì tại sao người nhà ta lại dày vò nhau. Thế là tôi cứ dắt díu chồng con cùng kính trọng các đấng sinh thành. Bây giờ thì chỉ còn lại mẹ ruột và dượng, nhưng chúng tôi vẫn luôn coi hai người như chính cha mẹ mình. Và dĩ nhiên các con cũng kính trọng ông bà mình như thế. Cái được của tôi là cuối cùng chân tình sẽ đưa đến những tình thương vô bờ.
Trải vào cái hội nhập với xã hội, nhìn vào vô vàn cái cá thể đua tranh trong cái vòng danh lợi cong cong, cái mưu sinh để tồn tại;
Tôi tĩnh lặng đi qua trong những cái đua tranh gập ghềnh thác đổ ấy. Kiếp nhân sinh, nhìn tự cổ xưa đến bây giờ, công thần, vương tướng, anh hùng hào kiệt, chánh kiến, tà kiến ... cứ đấu tranh có khi chà đạp lên nhau mà vươn tới, cũng là cái tất yếu của con người. Mấy ai ngộ được kiếp trầm luân.
Trong công việc, tôi luôn nỗ lực làm tốt và làm hết việc của tôi, và nếu có thể lại giúp giải quyết công việc của người, giúp đỡ ngay cả người rất ghen ghét với mình, tôi chẳng ghét ai cả, vì ghét giận họ thì mình cũng chẳng làm gì được, và nên tôi không vì cái mà họ không tốt với mình mà tự hủy đi cái an lạc của tôi trong hiện tại.
Tôi cứ cặm cụi như thế, có một hôm một đứa em nói với tôi rằng, em coi số của chị là người luôn làm cho tha nhân mà không được hưởng cái công lao của mình. Tôi nghe cũng chẳng nói gì, tôi lại tiếp tục làm việc của tôi. Thì tôi vẫn được hưởng đấy thôi, tôi có cuộc sống tốt hơn từ cái nỗ lực của tôi. Lòng tham muốn của con người thì vô cùng, biết đủ đã là đủ rồi. Con người ta đều có số cả mà, mình cứ nỗ lực làm tốt thì đức năng thắng số ! Nhìn lên chẳng bằng ai. Chỉ được bình an là đã hạnh phúc rồi. Và rồi tôi cứ lầm lũi bôn ba mà làm việc của mình như thế.
Cái nhược điểm lớn nhất của đời mình là, tôi luôn nhìn đời, nhìn sự việc với ánh mắt lạc quan và tích cực, nếu có thể nói thật nặng thì tôi là người không tưởng, không biết sợ, có tí gì như làm theo cảm tính, thiếu duy lý.
Vì thế, trong những vấp ngã tôi lại tự đứng lên, vẫn không hoảng hốt, không ngần ngại, và tiếp tục xây những mục tiêu cho đời mình đôi lúc chợt thấy hình như vượt quá cái sức vóc nhỏ nhoi của mình. Nhưng tôi vẫn thế cứ lặn lội đi về phía trước, đi về cái không cùng mà tôi đưa ra cho đời mình. Và tôi cứ vượt qua đi như thế. Và bây giờ tôi đang cố vượt qua, tôi mong muốn đến cái bờ mà tôi muốn đến, và cái bờ ấy vẫn còn xa...
Nên ngoài công việc ra, thì tôi lại tự rèn luyện, học xong rồi lại tự học tiếp, học từng phút, học từ trong cuộc sống làm người, học từ trong kiếp nhân sinh, và tôi suy gẫm, tôi soi rọi tôi, tôi luôn tự soi bóng mình, và cứ thế mà tôi đi đi mãi như thế.
Tôi chẳng là triết nhân, tôi chỉ là con người bình thường, tôi thích tìm tòi, thích tự tạo sự thay đổi về màu sắc của cuộc sống, của ngay trong công việc nhỏ nhất, tôi luôn tạo nó thêm sinh động và phong phú. Tôi thì thật là thích đủ thứ, luôn nhìn mọi người là người tốt. Đối xử với họ như là người thân của mình. Tại sao không nhỉ ? Cũng có đủ ngũ uẩn, cũng là đồng loại với nhau mà thôi !
Tôi chẳng là nhân vật gì đặc biệt cả, cũng bình thường như người trong nhân loại, tôi chỉ luôn nỗ lực, và tôi sẽ nỗ lực để làm cho xong những gì tôi phải làm. Tôi biết đứng lên từ những cú ngã của tôi. Tôi không tuyệt vọng mà nhìn cái mất đi, mà tôi luôn lạc quan, nhìn vào vết thương đó, có giọt lệ nào thì cũng tự nuốt ngược vào trong tận cùng rồi tự đứng lên đi tiếp, tôi không để nó gậm nhấm bao mòn làm mất đi cái mà tôi vốn có.
Tôi hỷ xả với bản thân tôi, tôi hỷ xả với mọi người. Và tôi đọc đâu đó là hãy biết thương yêu bản thân mình thế là tôi lại tự thương chính bản thân mình hơn. Phải thương nó để mà ta còn tồn tại một cách an lạc với đời cho đến khi ta ra đi trong an lạc chứ nhỉ !
Sẽ chẳng là gì, sẽ chẳng mang theo gì đi, khi mà ta đến trong tiếng khóc rồi ta lại mang cái KHÔNG mà đi về với vô thường.
Tôi chỉ là cái tôi của cát bụi rồi cũng vô thường mà thôi.
TTM
PP 2010-06-22
Tôi yêu thích nhạc Trịnh, vô thức mà thích nhạc của ông, không có khởi đầu mà cũng chẳng có kết thúc.