Thứ Ba, 12 tháng 7, 2011

Tánh không và chân không

http://thienviendaidang.net/00/baimoidua.php?readmore=5765

    Tánh không và chân không

    TVĐĐ - 07/07/2011


    Từ ngày còn ngồi ghế nhà trường cho tới những năm sau này, đọc kinh sách và đọc những bài luận của các học giả Phật giáo, tôi cứ hoang mang vì sự luận giải lẫn lộn giữa Tánh không và Chân không.


    Tánh không và Chân không là một hay là khác?
    Điều này thâm trầm lắm, nếu chúng ta không nhận được thì sự tu sẽ lẫn lộn. Do lẫn lộn, chúng ta không biết đâu là gốc, đâu là ngọn. Có một số học giả giải Tánh không tức là Chân không, đây là lầm lẫn lớn vậy.


    Tánh không là gì? Chân không là gì? Đó là chỗ tôi muốn giản trạch cho quí vị hiểu.


    Tất cả các kinh Bát-nhã đều nói về Tánh không. Bởi vì, theo sự phán giáo của các Tổ ngày xưa, chia giáo lý của đức Phật theo thứ tự từ hệ A-hàm đến hệ Bát-nhã, hệ Pháp Hoa Niết-bàn v.v… Như vậy Tánh không nằm ở hệ Bát-nhã.


    Tất cả pháp do nhân duyên sanh, đó là giáo lý căn bản của A-hàm. Từ lý nhân duyên sanh đó, hệ Bát-nhã đi sâu hơn. Đã là nhân duyên sanh ra các pháp, thì trước khi các pháp sanh, nó ở Tánh không. Do Tánh không duyên mới hợp được, nếu nó sẵn có thì không đợi duyên hợp. Thí dụ bao kiếng có sẵn thì cái gì hợp thành bao kiếng không? Vì chưa hợp nên đợi ráp từng phần lại mới có bao kiếng.





    Nói Tánh không phải hiểu các pháp tự tánh vốn không, do duyên hợp mới thành hình. Vì vậy sự thành hình này là tạm có, hư dối không thật. Nếu nó có sẵn một cái nguyên thể trọn vẹn từ ban đầu thì không đợi duyên hợp. Vì cái nguyên thể trọn vẹn ban đầu không có, phải đợi đủ duyên hợp thành các pháp, nên gọi là Tánh không. Như vậy nói rõ hơn là Tánh không duyên khởi, tức duyên hợp sanh ra muôn pháp.


    Có người giải Tánh không là Chân không, duyên hợp sanh muôn pháp là diệu hữu. Hiểu như vậy thì quả thật là lầm to. Chúng ta phải nhìn cho tường tận, Tánh không duyên hợp sanh ra muôn pháp, cho nên muôn pháp là hư dối, đó là tinh thần của Bát-nhã. Do thấu triệt được lý tánh không duyên hợp, mà phá tan mọi cố chấp. Không có gì trên thế gian là thật, kể cả xuất thế gian cũng không thật luôn. Bởi vì xuất thế gian là đối với thế gian mà nói. Thế gian đã không thật có thì xuất thế gian làm gì có được.


    Ví dụ chúng sanh do mê lầm mà phải chịu sanh tử, Phật nói pháp Tứ đế để diệt sanh tử. Như vậy vì đối trị sanh tử nên nói pháp diệt sanh tử. Nếu hết sanh tử thì pháp diệt sanh tử cũng không còn. Cho nên nói tất cả pháp do duyên hợp đều hư dối. Vì vậy trong tướng không, các pháp không sanh, không diệt, không nhơ, không sạch v.v… cho tới không khổ, tập, diệt, đạo cũng như thế. Pháp Tứ đế là chân lý mà cũng không, nên Mười hai nhân duyên cũng không. Tất cả những gì do đối duyên dựng lập đều là không thật.


    Như vậy Bát-nhã là phá tan tất cả kiến chấp, chấp thế gian, chấp xuất thế gian đều bị phá hết. Tất cả chúng ta dính mắc đầu này, đầu nọ là tại sao? Bởi cái gì mình cũng cho là thật, là quí nên yêu thích. Đã yêu thích thì chấp giữ, mà chấp giữ là khổ. Bây giờ nhìn cái gì cũng giả nên không chấp giữ. Do không chấp giữ nên được mất không lo, như vậy không giải thoát là gì. Đó là cái nhìn trí tuệ Bát-nhã, thấu suốt tường tận Tánh không của các pháp. Đó là phá sạch, không còn chấp chỗ nào nữa cả.


    Trong kinh Bát-nhã có nói “Chư pháp không tướng, bất sanh, bất diệt, bất cấu, bất tịnh, bất tăng, bất giảm…” tất cả đều không. Nhưng tại sao chúng ta thấy rõ ràng sự vật có dơ, có sạch, có sanh, có diệt, như vậy Bát-nhã có ngụy biện không? Thực tình Tánh không là các pháp vốn không có sẵn, do duyên hợp mới có, nên nó có sanh có diệt. Sanh diệt đó là xét trên tướng duyên hợp, chớ trong Tánh không, không có gì hết.


    Tánh không của các pháp, trong đó kể cả ngũ uẩn: sắc, thọ, tưởng, hành, thức cũng là pháp. Như vậy tất cả pháp đều Tánh không, duyên hợp giả có. Đó là lý luận triệt để về Tánh không.


    Kế tôi nói đến Chân không.
    Tánh không là nói trên tánh của các pháp.
    Còn Chân không là nói trên tâm thể.

    Cho nên Lục Tổ bảo “Bản lai vô nhất vật”, tức là Chân không vậy. Ngài thấy được tâm mình xưa nay thanh tịnh, tâm mình vốn không sanh diệt v.v… Tâm đó không có tất cả ý niệm lăng xăng nên nói Chân không.


    Chân không làm sao sanh diệu hữu? Vì diệu hữu là khởi nghĩ. Nhưng đây không phải là khởi nghĩ vọng tưởng lăng xăng. “Chân không sanh diệu hữu” tức là cái dụng của tâm thể như: Tam minh, Lục thông, Tứ vô sở úy, Thập bát bất cộng v.v… Diệu hữu là những diệu dụng mầu nhiệm từ tâm thể Chân không mà ra. Khi chúng ta nhận được tâm không một pháp rồi, thì mới thấy diệu hữu của nó. Cho nên Phật mới có đủ Tam minh, Lục thông, Tứ vô sở úy, Thập bát bất cộng v.v…


    Nếu nói diệu hữu là tất cả các trần cảnh thì lầm quá to. Chúng ta nhớ lời của Thiền sư Minh Chánh: “Chẳng rõ bản lai vô nhất vật, công phu uổng phí một đời ai?” tức là không nhận được cái Chân không của mình thì uổng một đời công phu, không đi tới đâu hết. Như vậy Chân không là tâm thể của mình. Còn Tánh không đó là thể tánh của muôn pháp. Hai thứ riêng khác. Tánh không duyên hợp sanh ra muôn pháp hư giả không thật. Chân không là tâm thể bất sanh bất diệt mà có diệu dụng hay sanh muôn pháp, nên gọi là diệu hữu. Vì vậy chư Phật mới có vô số phương tiện, vô số thần thông, đều từ Chân không mà ra.


    Tánh không là y cứ theo Bát-nhã để phá chấp. Chân không là y cứ theo kinh Pháp Hoa, kinh Hoa Nghiêm, kinh Niết-bàn chỉ cho chúng ta có Chân tâm bất sanh bất diệt. Khi nào phá hết các pháp chấp rồi, mới nhận ra được Chân tâm. Chân tâm chính là Chân không diệu hữu. Rõ ràng như vậy, nên nói Tánh không là Chân không là sai lầm lớn. Một bên chuyên bác không lập gì hết, một bên nhận thẳng Chân tâm. Từ Chân tâm mới có diệu hữu. Diệu hữu tức là những sự mầu nhiệm khi đạt được Chân tâm.


    Như vậy chúng ta tu trước phải đi từ Bát-nhã. Lục Tổ ngộ nơi kinh Kim Cang “Bất ưng trụ sắc sanh tâm, bất ưng trụ thanh, hương, vị, xúc, pháp sanh tâm. Ưng vô sở trụ nhi sanh kỳ tâm”, Kỳ tâm là tâm nào?

    Phật nói phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác thì đừng trụ tâm nơi sắc, thanh, hương, vị xúc, pháp. Nên không có chỗ trụ mà phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác. Như vậy tâm chẳng sanh chẳng diệt mới là tâm hay sanh muôn pháp. Cho nên “Kỳ tâm” là tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác vậy. Chúng ta tu mà không dính sáu trần chính là đã phát tâm Vô thượng Chánh đẳng Chánh giác rồi. Chân không chính là tâm không vướng mắc với sáu trần. Đó là tâm chân thật.


    Giáo lý của đức Phật có một hệ thống cụ thể rõ ràng. Cho nên hiểu sâu mới thấy các từ quí ngài dùng đều chính xác, rõ ràng. Chúng ta tu học phải thấy cho tường tận, nếu không thì sự tu không dính dáng gì với lời Phật dạy, không có kết quả gì cả.


    HT Thích Thanh Từ







21 nhận xét:

  1. hehehe... em nghe nhạc thôi, nhạc bùn quá em dzìa.
    Em nói thật, tu khó quá à... nên kg làm ác, kg hại người là đã tu tâm hén bà già ui.

    Trả lờiXóa
  2. Tôi được đọc một quyển sách của một pháp sư người Trung Hoa (bản dịch) và một quyển sách khác của một vị ni sư người Việt không nhớ rõ tên. Cả hai vị đều cho rằng Đại Thừa Phật Giáo chấp Không. Chân như hay Niết Bàn chỉ là không không, chẳng có gì hết. Vậy xin ban biên tập TVHS vui lòng cho chúng tôi biết quan điểm?


    (1) Cho rằng “Đại Thừa Phật Giáo chấp Không. Chân như hay Niết Bàn chỉ là không không, chẳng có gì hết.” là hoàn toàn không đúng. Ngài Bồ Tát Mã Minh là luận chủ của Luận Đại Thừa Khởi Tín đã luận biện rất rõ ràng là Đại Thừa Phật Giáo phá chấp Không.

    Trong Luận Đại Thừa Khởi Tín, Ngài Mã Minh đã phá trừ 5 cái quan niệm sai lầm về chấp bản Ngã là thật và phá luôn quan niệm chấp thật về vũ trụ (chấp pháp) của chúng sinh phàm phu. Trong đó có việc phá trừ quan niệm sai lầm cho rằng Phật Giáo Đại Thừa chấp Không.

    Hoà Thượng Thích Thiện Hoa đã giải thích lời của Ngài Mã Minh như sau:

    [Bắt đầu trích dẫn]

    “Chúng sanh chấp pháp thân của Phật có hình tướng như thế này, hoặc như thế kia v.v....Vì muốn phá các chấp sai lầm ấy, nên Phật nói: "Pháp thân của Phật rốt ráo vắng lặng, cũng như hư không".

    Nghe trong kinh nói như vậy, chúng sanh trở lại chấp:"Hư không là pháp thân của Như Lai" vì phá cái chấp sai lầm này, nên Ngài Mã Minh giải thích rằng:"Hư không là cái không thật thể, do các sắc tướng mà thấy có hư không. Nếu không có sắc tướng thì cũng không có hư không. Cả sắc tướng và hư không đều do vọng tâm biến hiện; rồi chúng sanh lầm chấp là thật có. Nếu vọng tâm hết thì sắc tướng và hư không cũng không còn. Lúc bấy giờ bản thể chơn tâm hiện ra, rộng lớn bao la và trùm khắp tất cả. Đó là pháp thân thanh tịnh của Như Lai. Đây thuộc về phần tâm trí, không phải như hư không, không có tri giác.”

    “…Chúng sanh thường lầm tưởng:"Các pháp thật có". Vì phá trừ quan niệm sai lầm ấy, nên trong kinh Phật nói:"các pháp thế gian hư giả không thật, cho đến các pháp xuất thế gian như Chơn như, Bồ Đề, Niết bàn v.v...rốt ráo cũng không có thật thể, vì không có các hình tướng".

    Chúng phàm phu nghe nói như vậy không hiểu, trở lại chấp:"Chơn như hay Niết bàn v.v...là cảnh giới hư vô ảo tưởng, chẳng có chi hết".

    Để đối trị sự chấp sai lầm này, nên Ngài Mã Minh Bồ Tát giải thích rằng:"Chơn như, Pháp thân hay Bồ Đề, Niết bàn không phải là cảnh giới ảo tưởng hư vô, không có gì cả, mà nó sẵn có đầy đủ vô lượng đức tánh, nhiều hơn số cát sông Hằng, như: thiện, thường, lạc, ngã, tịnh, giải thoát v.v....

    http://www.thuvienhoasen.org/D_1-2_2-104_4-4136_5-50_6-1_17-99_14-1_15-1/

    Trả lờiXóa
  3. hì...
    m chỉ nghĩ,
    "không" chính là vô chấp, bao gồm chính "không"...
    xin thứ lỗi đã vọng ngữ...
    :)

    Trả lờiXóa
  4. Hihi mình cũng kg nói gì, vì mình cũng không đủ trình độ để giải thích đành đi lấy lời giảng của thiền viện mà đưa vào cho bạn đọc thêm và cho mình hiểu thêm đó.. kg có gì đâu. Tụi mình đều phải học cả mà.
    Cám ơn bạn đã ghé đọc nhé.

    Trả lờiXóa
  5. "người nói không biết, người biết không nói..."
    :)

    Trả lờiXóa
  6. Hihi.. hơi khó mà Bống, chưa có căn bản về Phật pháp thì hơi khó tí.. để hôm nào tìm bài cơ bản cho Bống nghiên cứu nha.

    Trả lờiXóa
  7. Đọc entry nầy nghe lòng bình yên chị ạ.
    Bây giờ chắc chị khò khò rồi

    Trả lờiXóa
  8. Chỉ cảm thấy binh yên thôi em nhỉ!

    Trả lờiXóa
  9. Dạ, không có gì, chỉ là post vào đây để đọc, để học... nhưng đọc mãi mà M vẫn chưa ngộ được anh ạ!
    Vẫn cứ chìm trong u minh mà mình tạo ra.

    Trả lờiXóa
  10. hom nay em doc ma khong hieu, co le lan khac se ngo ra

    Trả lờiXóa
  11. Em ơi! lúc nào rãnh phải đọc giáo lý Phật giáo căn bản rồi mới đọc lên các bài giảng nâng cao khác, vì đột ngột đọc sẽ không hiểu ngay được em ạ. Đọc để thấy sự vi diệu của cuộc đời qua kinh Phật giảng đó em.

    Trả lờiXóa
  12. Em đã đọc 2/3 entry nhưng không hiểu gì cả chị ạ. Chắc chắn đây là bài giảng/ bài viết cho những người ít nhiều đã biết sơ qua giáo lý nhà Phật chứ "người ngoài" đọc không thể hiểu nổi. Chẳng hạn em lấy một từ thôi, từ "giản trạch" trong câu "Đó là chỗ tôi muốn giản trạch cho quí vị hiểu." em không hiểu gì cả!

    Em nghe nhạc vậy.

    Trả lờiXóa
  13. Đúng rồi em ạ. Bài này chỉ giảng chữ Tánh Không và Chân Không thôi đó em.!
    Không sao em ạ ! Phật tánh trong mỗi chúng ta. Mỗi người ngộ nhập theo Phật tánh của mình mà em.

    Trả lờiXóa
  14. Em đọc mà không hiểu lắm ...chắc lòng trần còn nặng quá chị ạ

    Trả lờiXóa
  15. Không phải đâu em, vì bài giảng của thầy Thanh Từ cho những Phật tử đã học Phật pháp đã chuyên sâu.
    Còn chị em mình nếu muốn hiểu thì phải nghiên cứu giáo lý từ đầu vậy.

    Trả lờiXóa
  16. Chị có băng giảng bài này của Thầy TTT không ??( hoặc đường link )....em muốn hỏi vì sẽ thu vào MP3 vừa đi làm , vừa nghe ...thì mình sẽ vỡ ra ...mưa lâu thấm dần mà chị ...Chúc chị khỏe và vui ...

    Trả lờiXóa
  17. Em vào trang Thiền viện Thường chiếu, chọn muc Pháp âm, rồi chọn bài giảng của các vị Hòa thượng mà nghe vậy.
    Chị cũng chúc em thân tâm thường an lạc.

    http://www.thuongchieu.net/index.php?option=com_content&view=category&layout=blog&id=21&Itemid=340

    Trả lờiXóa

Bạn từ đâu đến..



Bạn từ đâu đến bạn ơi!
Đến thì nhớ nhé đôi lời thăm nhau..

free counters


Pageviews: 374,323 - 23/09/2016

Sắc tím Đài Đông

Sắc tím Đài Đông

Sương khói




Suy tư vầng trán thêm gầy
Em ơi! khói thuốc vàng tay vẫn buồn..





Và mây vẫn trôi giữa dòng đời.......
................ bụi bặm...
..... Người đi qua đời.. chợt.. ...
............cũ đến chẳng còn quen.......
................. TTM