Sách chuẩn không chuẩn
- Kỳ 2: Trùng lắp và thoát ly thực tế
Với phụ huynh và học sinh, sách giáo khoa hiện nay được coi là tài liệu chuẩn mực. Trong ảnh: phụ huynh và học sinh chọn mua sách giáo khoa - Ảnh: NHƯ HÙNG |
Ngay cả giáo viên cũng phải... cười ra nước mắt với nhiều chi tiết, cách đặt vấn đề, bài tập trong sách giáo khoa (SGK) ngữ văn. Những sai sót, bất hợp lý không đáng có trong SGK ngữ văn đã làm giảm đi phần nào hứng thú của người học và cả người dạy về môn học được mệnh danh là nuôi dưỡng tâm hồn này.
“Cơm gạo cũ”
Ông Hoàng Đức Huy, giáo viên Trường tư thục Nguyễn Khuyến, TP.HCM, nêu ý kiến: “Lớp 6 HS được học văn tự sự, lên lớp 7, 8, 9, 10, 11 vẫn học lại dạng văn này. Các dạng văn khác như miêu tả, biểu cảm, thuyết minh, nghị luận... cũng lần lượt lặp lại ở các khối lớp mà HS vẫn chỉ loanh quanh chừng đó kiến thức, không được nâng cao gì thêm”. Thầy Huy dẫn chứng: SGK Ngữ văn lớp 6, trang 134, tập 1, có đề “Kể chuyện 10 năm sau em về thăm lại mái trường mà hiện nay em đang học. Hãy tưởng tượng những đổi thay có thể xảy ra”. Đến năm lớp 9, SGK lại yêu cầu rằng “Tưởng tượng 20 năm sau, vào một ngày hè, em về thăm lại trường cũ. Hãy viết thư cho một bạn học hồi ấy kể lại buổi thăm trường đầy xúc động đó”.
Ở các môn xã hội như lịch sử, địa lý, việc SGK bị trùng lặp về mặt kiến thức giữa bậc THCS với bậc THPT hoặc giữa lớp dưới với lớp trên cũng rất phổ biến. Ở môn lịch sử, ông Trần Đình Ba, giảng viên Trường trung cấp Phương Nam, TP.HCM, người dành ra nhiều thời gian và công sức để nghiên cứu SGK lịch sử, góp ý: “Ở bậc THCS, SGK trình bày song hành phần lịch sử thế giới và lịch sử Việt Nam, tạo sự liền mạch từ lớp 6 đến lớp 9. Tuy nhiên ở bậc THPT, môtip đó cũng lặp lại giống như ở bậc THCS, điều đó khiến HS thấy chán vì phải ăn “cơm gạo cũ”.
Việc trình bày đề mục ở SGK bậc THCS gần như lặp lại ở SGK lịch sử bậc THPT. Đơn cử như về Phong trào Dân chủ 1936 - 1939. Ở lớp 9 trình bày là: I. Tình hình thế giới và trong nước; II. Mặt trận Dân chủ Đông Dương và phong trào đấu tranh đòi tự do, dân chủ; III. Ý nghĩa của phong trào. Lớp 12 trình bày là: I. Tình hình thế giới và trong nước; II. Phong trào dân chủ 1936 - 1939. Trong phần II cũng trình bày những phong trào đấu tranh tiêu biểu và ý nghĩa tương tự như SGK lịch sử lớp 9”.
Ông Ba cũng cho rằng SGK lịch sử trình bày quá nhiều số liệu, sự kiện với mốc thời gian, ngày tháng, năm, số quân ta, quân địch, số máy bay, xe tăng... làm cho ngay đến giáo viên cũng không dễ nhớ chứ đừng nói tới HS. Các sự kiện về kháng chiến, khởi nghĩa... gần như trình bày theo khung nguyên nhân, diễn biến, kết quả, ý nghĩa mà không thấy một bước đột phá nào khác. Như vậy sẽ không phát huy được tính tư duy biện chứng cho học trò.
Ở môn vật lý, một giáo viên bức xúc cho biết: “Cùng là kiến thức điện, quang nhưng các em được học từ lớp 7, lên lớp 9 học lại và lớp 11 lại học lại. Phần cơ, nhiệt ở lớp 8, lên lớp 10 cũng được nhắc lại. Cứ chu kỳ hai năm các em được học lại kiến thức một lần. Lần sau khó hơn lần trước một chút. Tuy nhiên, chương trình SGK ở các khối lớp này về cùng một chủ đề lại không có tính liên thông, dẫn đến kiến thức bị lãng phí khi học xong, thi xong là quên”.
Thầy Nguyễn Đình Độ, giáo viên có hơn 20 năm giảng dạy môn hóa học ở bậc THPT tại TP.HCM, góp ý: “Qua nhiều năm giảng dạy, tôi nhận thấy SGK môn hóa chưa hệ thống hóa tốt kiến thức cho HS và các bài giảng thiếu tính kế thừa. Ở SGK khối 11, HS phải học cả vô cơ lẫn hữu cơ, sau đó lên lớp 12 tiếp tục học cho xong hữu cơ, rồi quay trở lại học vô cơ. Học như vậy không liên thông mà lại lãng phí thời gian, giáo viên rất khó dạy”.
Học để thi
Nhiều ý kiến từ giáo viên và cả HS cho rằng SGK hiện nay “không thân thiện” khi ít tính ứng dụng, ít gắn liền với cuộc sống và chương trình của SGK từ bao nhiêu năm nay vẫn là những kiến thức “học để thi” chứ không phải học để ứng dụng trong cuộc sống thường ngày.
Một giáo viên dạy văn tại TP.HCM bức xúc: “Chương trình lớp 10 hiện rất nặng trong khi HS chưa đủ độ “chín”, còn lớp 11 và 12 với các tác phẩm văn học từ năm 1930 - 1945 và 1945 - 1975 lại gần gũi và dễ thở hơn. Văn học từ sau năm 1975 đến nay cũng rất thời sự nhưng lại không được chú trọng. Chương trình yêu cầu dạy đi dạy lại một số dạng văn cơ bản, trong khi phần văn chương hành chính vốn có tính ứng dụng rất cao cho HS (khi viết đơn từ, báo cáo, làm hồ sơ xin việc...) sau này lại chỉ gói gọn trong một vài tiết”.
Lịch sử là môn học gắn liền với tính trực quan sinh động, càng có nhiều hình ảnh minh họa học sinh càng dễ nhớ và nhớ lâu hơn. Tuy nhiên ông Ba cho biết: “So với SGK cũ trước đây, chương trình SGK lịch sử mới tranh, ảnh minh họa đã nhiều hơn nhưng phần lớn cũ, mờ, chưa cập nhật. Trong khi học sinh tiếp xúc với tivi, báo chí, Internet nhiều, các em khi nhìn tranh ảnh minh họa trên các phương tiện đó nhiều khi không tương đồng với SGK. Đơn cử như SGK lịch sử 6, ở hình 2: Bia tiến sĩ. Ảnh bia tiến sĩ dùng là ảnh đầu thế kỷ 20. Nhưng hiện nay ở Văn miếu - Quốc tử giám Hà Nội, bia tiến sĩ đã có nhà che rồi. Các em sẽ khó liên tưởng đó là bia tiến sĩ ở đâu.
Ông Ba góp ý: “Lịch sử thời nào cũng có vai trò như nhau. Nhưng thực tế các em HS sau khi được học lịch sử thì lúc thi tốt nghiệp, các em chỉ phải xoay quanh lịch sử 9 (THCS) và lịch sử 12 (THPT), còn các lớp 6, 7, 8 và 10, 11 thì ít hoặc không đụng tới nữa. Như vậy vô tình chúng ta tạo tâm lý học tủ cho học sinh, các em chỉ chăm chăm học đối phó. Với tư tưởng đó, các em sẽ bị mất căn bản, mất gốc ngay khi mới học vì chủ quan, xem nhẹ”.
LƯU TRANG (còn nữa)
http://tuoitre.vn/Giao-duc/468067/Sach-chuan-khong-chuan--%C2%A0Ky-2-Trung-lap-va-thoat-ly-thuc-te.html
Khâm phục học sinh
Ở môn vật lý, giáo viên B.N.L. ở quận 10, TP.HCM cũng nêu ý kiến: “Hiện nay việc ứng dụng kiến thức từ SGK vào cuộc sống chỉ trông nhờ vào giáo viên. Tuy nhiên, giáo viên lại ít thời gian làm việc này vì phải mất quá nhiều thì giờ vào việc rèn cho HS kỹ năng làm bài tập để... thi. Đối với môn vật lý, phần hiện tượng, bản chất, ứng dụng được dạy rất ít. HS chỉ chăm chăm giải bài tập mà phần bài tập thì gần với môn toán hơn là môn lý. So với SGK nước ngoài thì phải nói khâm phục HS nước ta vì các em học rất nhiều, học quá sức, kiến thức trong sách vừa nặng nề, vừa ôm đồm nhưng không hiệu quả vì HS học xong quên ngay. Nhiều vấn đề chuyên sâu lẽ ra lên đại học mới phải học thì các em đã được “luyện” từ những năm học THPT”.
hehehee... bà già chịu khó đọc quá hén.
Trả lờiXóaEm nhớ lúc ông Thiện Nhân lên Bộ trưởng Bộ GD cũng tâm huyết cải cách, nhưng thực ra còn nhiều thứ kg thể quản lý-cải cách tốt nổi là con người đó bà già.
Không cải cách từ gốc thì cái ngọn nó đâm chồi lệch hướng.!
Trả lờiXóaGV ai cũng chán chương trình hiên tại, lăpj và chong chéo lên nhau.
Trả lờiXóaVà cuối cùng chúng ta không có ai sao! không có người có thể thoát ra được khỏi cái vòng ràng buộc rối rắm đó sao!
Trả lờiXóaCho nên Sở mời em lên 1,5 tiếng đồng hồchất vấn không có miếng nước, ngồi ở cái chỗ nắng rọi vào giữa mặt... mà hết cuộc gặp trong em có ngay câu trả lời cho câu hỏi Vì sao nước ta, giáo dục không khá nổi? chỉ có các quan giáo dục là khá...
Trả lờiXóaHôm nay báo dám nói ra thì đã có tiếng chuông báo cảnh tỉnh rồi đó em.
Trả lờiXóaĐọc những dẫn chứng mà thấy sợ quá cho cái nền GD của nước mình..!
Báo nói hoài hoài chứ chị. Nhưng có xi - nhê gì đâu. Mèo lại hoàn mèo.
Trả lờiXóaVà các quan nhà ta thì cứ xáo đi xáo lại, cải cải cách cách hoài.
May mà con cháu mình có nhiều nguồn để học tập nhỉ? Nhưng như vậy thì cũng khổ cả vài thế hệ!
Trả lờiXóaHồi đó con trai M và các bạn nó nói chúng nó là thế hệ chuột bạch , hết thực nghiệm đến cải cách đến cải ... lùi ....
Trả lờiXóaChán nhỉ!
Trả lờiXóaem cũng nghĩ như thế, cứ vá víu thì lại càng rách to thêm
Trả lờiXóaBỏ ra hàng ngàn tỷ để làm SGK thế này thì dân trí nước nhà chỉ có giật lùi thôi.
Trả lờiXóaTất cả học sinh chúng ta dưới mái trường XHCN luôn luôn là một dàn chuột bạch. Khổ !
Anh Bu ơi! bao giờ mới hết tình trạng này.
Trả lờiXóaÔi! cả một hệ lụy của một xã hội không có tính kế thừa..