Thứ Sáu, 9 tháng 12, 2011

Đi vào "Đường hầm Vượt Sông Sài Gòn" mà tưởng là đường hầm Thủ Thiêm!

Anh bạn Kiến Trúc sư của tôi ơi!

Cả nhà anh: ba anh em và cháu là 4 Kiến trúc sư, và riêng Anh, anh có tham gia vào việc biểu quyết "đặt tên" này không hở? Sáng nay đọc báo là cảm thấy buồn đó !! Hôm vừa rồi về nhà, chúng tôi đã đi vào con đường hầm đó bằng xe gắn máy, rồi cả nhà tôi đã đưa bà Nội (má chồng tôi) 80 tuổi - người ở Thuộc Nhiêu - Tiền Giang (gần Cai Lậy) - bà đã vui mừng biết bao khi được ngồi trong xe cùng gia đình đi qua con đường hầm đó. Trong vui và ngạc nhiên bà nói "Chỉ nghe thôi, bây giờ được thấy, hầm Thủ Thiêm là như vậy hả bây! má đi như vậy là đủ rồi đó bây!!"...,"Thì con cố ý đưa bà về bằng con đường này mà..".. "Bà nội ơi ! mình đang ở dưới lòng sông Sài Gòn đó.."


Tôi còn nói với Út Lâm là lúc nào rãnh thì đưa mẹ đến chụp hình cho đàng hoàng tí, chứ chụp có vài tấm lướt qua hầm thế này không đã.. Nhưng rồi bận quá lại chỉ đi ngang qua chưa chụp được. Chảng lẽ mai mốt bà già phe hình với một entry:
"Bà già và đường hầm Vượt Sông Sài Gòn" sao???  hụ hụ..!

TTM

PP. 09/12/2011

Đi từ phía Quận 2

Đã ở bên Quận 1.

Hầm Thủ Thiêm!
TTM ghi hình.


TPHCM:

“Bỏ tên hầm Thủ Thiêm là “có tội” với bà con”

(Dân trí) - Ngay khi hoàn thành sứ mệnh thông tuyến, nối liền đôi bờ quận 1 và quận 2 - TPHCM, hầm Thủ Thiêm, tên gọi quen thuộc và giản dị ngày nào, đã được khoác lên mình “chiếc áo mới” với tên gọi “Đường hầm sông Sài Gòn”.


 >>  Trăm năm bến cũ con đò Thủ Thiêm
 >>  Chính thức thông hầm Thủ Thiêm - hầm vượt sông lớn nhất ĐNÁ

Không còn bến phà Thủ Thiêm, và cái tên quen thuộc, xuất phát từ ý niệm, tiềm thức của người dân trong quá trình thi công: “hầm Thủ Thiêm” - được chấp nhận như một sự mặc định - nay cũng không còn. Nhiều người muốn níu giữ cái tên thân thương để con cháu đời sau còn biết về gốc tích của một bến phà, hầm vượt sông… nhưng không thể. Hầm Thủ Thiêm đã được nhất trí đổi sang tên mới “đường hầm vượt sông Sài Gòn” trong sự miễn cưỡng của không ít cử tri.

 
Hầm Thủ Thiêm, niềm tự hào nghiêng về quá khứ
của nhiều người dân TPHCM
 

Theo tờ trình của UBND thành phố, đại lộ Đông Tây đã hoàn thành và đưa vào sử dụng, trong đó đoạn từ nút giao Tân Kiên (huyện Bình Chánh) đến điểm giao Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng (quận 1) dài hơn 13 km đã được đặt tên là Võ Văn Kiệt. Đoạn từ bờ sông Sài Gòn đến nút giao Cát Lái (quận 2) dài 7,4 km, UBND thành phố sẽ đề xuất mang tên người lãnh đạo có nhiều đóng góp cho đất nước.
 

Riêng đường hầm vượt sông Sài Gòn, đoạn từ nút giao Hàm Nghi - Tôn Đức Thắng (quận 1) đến Trạm thu phí quận 2 dài gần 1.5 km từ trước đến nay người dân vẫn thường gọi là hầm Thủ Thiêm; thành phố đã có tờ trình đề nghị HĐND chấp thuận đặt tên công trình này là đường hầm sông Sài Gòn.

 
Cái tên quen thuộc "Hầm Thủ Thiêm" nay không còn nữa....


Giải thích về việc vì sao đặt tên mới này, ông Trần Quang Phượng, Giám đốc Sở GTVT TPHCM cho rằng, khi triển khai dự án Đại lộ Đông Tây, hạng mục hầm tạm gọi là hầm Thủ Thiêm vì gắn với địa danh Thủ Thiêm để gọi tên cho dễ. Vì vậy, hầm Thủ Thiêm cần phải được đặt tên gọi một cách chính thức ngay khi hoàn thành.

Ông Phượng cho rằng: “Có một công trình gắn liền với sông Sài Gòn thì cũng phải có một cái tên như thế nào để người dân nhớ lại sự phát triển của thành phố. Cái tên Đường hầm sông Sài Gòn là phù hợp nhất. Nó thể hiện quá khứ và tương lai phát triển của thành phố". Ông Phượng nói thêm, TP đã có quy hoạch rõ ràng nên từ đây về sau sẽ không có thêm hầm nào khác trên sông Sài Gòn, vì vậy không sợ trùng lặp tên.

Hầm nối liền đôi bờ vui giữa quận 1, quận 2


Giải thích của người đứng đầu ngành giao thông vận tải của thành phố vấp phải sự “phản pháo” của nhiều đại biểu.

Đại biểu Ngô Minh Châu - Phó Giám đốc Công an thành phố - cho rằng, việc đặt tên đường Thủ Thiêm cần nghiên cứu kỹ. Cần có cái tên đúng, khoa học và đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân thành phố. “Chúng ta cũng vừa khai tử bến phà Thủ Thiêm. Lấy tên hầm Thủ Thiêm thay cho bến phà tôi thấy rất phù hợp. Cũng không có gì trở ngại khi chúng ta vừa có hầm Thủ Thiêm, vừa có cầu Thủ Thiêm. Trước khi có đề xuất này, người dân vẫn gọi là hầm Thủ Thiêm, tên gọi này đã đi vào trong lòng người dân”, Đại tá Châu nói.

Cho rằng, công trình hầm Thủ Thiêm có công lao rất lớn từ đối tác Nhật Bản, đại biểu Nguyễn Đình Hưng đề xuất: “Theo tôi, nên chọn một cái tên khác vừa xứng tầm là một công trình hiện đại mang tầm vóc khu vực, vừa thể hiện được tình hữu nghị giữa Việt Nam và Nhật Bản. Việc này còn có ý nghĩa mở rộng quan hệ quốc tế”.


Không đồng tình trước quan điểm của Giám đốc Sở giao thông Vận tải, đại biểu Nguyễn Thị Việt Tú “vặn”: “Giám đốc Sở giao thông nói từ nay về sau sẽ không có đường hầm bộ nào xuyên sông Sài Gòn nữa, tức là công nhận đến thời điểm này trình độ khoa học đã đến đỉnh điểm, không thể phát triển nữa sao? Bản thân tôi mong muốn giữ tên hầm Thủ Thiêm vì về mặt địa danh tên này rất có ý nghĩa với người dân TP. Mặt khác với sự  tiến bộ của khoa học kỹ thuật, sau này TP rất có khả năng làm thêm công trình đường hầm khác thì lúc đó sẽ khó chọn đặt tên một đường hầm mới”.


Đại biểu Trần Minh Thiện chất vấn: “Xin hỏi, cơ sở nào để giám đốc Phượng nói chỉ có một đường hầm duy nhất vượt sông Sài Gòn? Bây giờ thì không sao nhưng 50 năm, 70 sẽ có thêm một đường hầm vượt sông Sài Gòn nữa thì sao? Chả lẽ lúc đó lại đặt là đường hầm sông Sài Gòn A, B, C...”.


Đại biểu Nguyễn Văn Sơn, đại diện bà con cử tri quận 2 (nơi đường hầm đi qua) bày tỏ tiếc nuối nếu bỏ tên hầm Thủ Thiêm. Đại biểu Sơn nhấn mạnh: “Hầm Thủ Thiêm là một trong những công trình quan trọng nhất kết nối nội thành hiện hữu với Khu đô thị mới Thủ Thiêm. Để có được mặt bằng cho một khu đô thị mới trong tương lai, khoảng 15.000 hộ dân thuộc phường Thủ Thiêm, quận 2 đã phải di dời. Nếu bỏ tên hầm Thủ Thiêm thì “có tội” với bà con Thủ Thiêm quá”.

 
Công trình hầm vượt sông lớn nhất Đông Nam Á này
có đóng góp to lớn của những người bạn đến từ xứ sở mặt trời mọc


Bà Nguyễn Thị Quyết Tâm, Chủ tịch HĐND TPHCM, chủ tọa kỳ họp cho rằng, dù là tên gì đi nữa thì các cấp chính quyền và nhân dân thành phố cũng trân trọng những đóng góp của tất cả các bên liên quan, từ người dân đến những người trực tiếp xây dựng công trình này. “Mỗi người có một quan điểm đặt tên công trình khác nhau nhưng theo tôi đặt tên hầm mang tên con sông Sài gòn sẽ có tác động mạnh mẽ hơn. Tên đường hầm sông Sài Gòn là hợp lý vì vậy chúng ta cần chọn phương án hợp lý nhất, tối ưu nhất để tạo sự đồng thuận cao”.

Sau các phiên thảo luận căng thẳng, cả thảo luận tại tổ và thảo luận trực tiếp tại hội trường, với nhiều ý kiến ủng hộ và cũng không kém ý kiến bác bỏ, chiều 7/12, Nghị quyết đổi tên hầm Thủ Thiêm thành Đường hầm sông Sài Gòn đã chính thức được HĐND TPHCM thông qua. 

Như vậy, tiếp nối bến phà Thủ Thiêm, nay cái tên hầm Thủ Thiêm cũng trôi vào tiềm thức.

 

 

Thông qua 9 tờ trình của UBND TPHCM

Chiều 7/12, các đại biểu HĐND TPHCM đã biểu quyết thông qua 13 nghị quyết, trong đó có 9 tờ trình của UBND TP gồm: tờ trình về việc đặt tên hầm Thủ Thiêm mang tên đường hầm sông Sài Gòn, tờ trình về thu phí khai thác và sử dụng tài liệu đất trên địa bàn TP; ban hành chính sách và kế hoạch hóa gia đình (giai đoạn 2011-2015); kế hoạch biên chế, hành chính sự nghiệp năm 2012; chế độ hỗ trợ cho giám định viên tư pháp và người làm công tác giám định; kế hoạch đầu tư xây dựng năm 2012 bằng nguồn vốn ngân sách TP; thu lệ phí trước bạ đối với ô tô chở người dưới 10 chỗ ngồi (kể cả lái xe); nâng mức phụ cấp hằng tháng đối với lực lượng bảo vệ dân phố và công an viên; điều chỉnh bảng giá các loại đất trên địa bàn TP.
 
Đại biểu Võ Văn Sen không đồng tình
với tên mới của cầu vượt sông lớn nhất Đông Nam Á


Đối với tờ trình về việc đặt tên hầm Thủ Thiêm mang tên đường hầm sông Sài Gòn, nhiều đại biểu chấp nhận giơ tay biểu quyết trong tình trạng miễn cưỡng, bởi có nhiều ý kiến không hài lòng với cách đặt tên mới này.


Tờ trình về điều chỉnh bảng giá đất trên địa bàn thành phố cũng đã được thông qua. Theo đó, từ ngày 1/1/2012, bảng giá đất về cơ bản vẫn giữ nguyên như bảng giá các loại đất năm nay, chỉ bổ sung hoặc điều chỉnh cục bộ một số tuyến đường, đoạn đường được nâng cấp, hoàn chỉnh cơ sở hạ tầng và các tuyến đường mới hoàn thành hoặc mới được đặt tên trong năm nay.


Để vừa hạn chế xe cá nhân, giảm tình trạng kẹt xe lại vừa tăng nguồn thu cho ngân sách, UBND đã có tờ trình đề nghị tăng thuế trước bạ của ôtô chở người dưới 10 chỗ ngồi trên địa bàn lên 15%. Tờ trình này cũng được HĐND thành phố chấp nhận. Cụ thể, từ ngày 1/1/2012, những ôtô đăng ký biển số lần đầu ở thành phố (gồm cả xe mua mới và xe từ địa phương khác chuyển về) đều phải chịu thuế trước bạ 15%. Còn những xe đăng ký lần 2 sẽ phải chịu mức 10%.

 
Các đại biểu biểu quyết thông qua các tờ trình của UBND TP
 

Ngày 8/12, kỳ họp HĐND thành phố sẽ tiếp tục với phiên chất vấn và trả lời chất vấn. Mọi năm phiên chất vấn sẽ chọn các sở ngành đăng đàn nhưng năm nay HĐND sẽ chọn vấn đề để chất vấn. Trong một vấn đề, nhiều đơn vị cùng UBND các quận, huyện liên quan sẽ bị "truy" trên nghị trường.

Có 4 nhóm vấn đề cử tri quan tâm sẽ được 3 sở, ngành trả lời chất vấn là Sở Tài nguyên - Môi trường (vấn đề ô nhiễm xung quanh các KCX-KCN và các cơ sở xen cài trong khu dân cư), Sở Kế hoạch - Đầu tư (tình hình thực hiện các dự án chuyển tiếp trong lĩnh vực y tế và giáo dục bằng nguồn vốn ngân sách) và Công an TP (trật tự an toàn xã hội và tai nạn giao thông, đua xe trái phép, xử lý đinh tặc, giải pháp kéo giảm ùn tắc, giải pháp kéo giảm 10% tai nạn giao thông so với năm 2011).

Công Quang




Hầm Thủ Thiêm nên giữ nguyên tên
vì nhiều lý do...



(Dân trí) - Dù tên Hầm Thủ Thiêm đã được chính thức đặt thành Đường hầm sông Sài Gòn, nhưng có rất nhiều ý kiến bày tỏ sự tiếc nuối. Nhiều lý do được đưa ra với hi vọng sẽ giữ lại được cái tên đã trở nên quá thân quen với người dân.

 >>  “Bỏ tên hầm Thủ Thiêm là “có tội” với bà con”


Hầm Thủ Thiêm, niềm tự hào nghiêng về quá khứ
của nhiều người dân TPHCM

 


Theo tôi “Đường hầm vượt sông Sài Gòn” là một cái tên dài gồm 6 âm tiết, khó nhớ và có thể tương lai sẽ có thêm hầm vượt sông nữa. “Hầm Thủ Thiêm”: tên gắn với lịch sử, ngắn gọn, súc tích, dễ nhớ, dễ hỏi đường... Hãy đặt những cái tên đơn giản như gồm 1 đến 2 âm tiết mà dễ nhớ, ý nghĩa để cả thế giới có thể dễ biết đến” - Binh: boyxedap@gmail.com  

 


“Cũng giống như sông Seine của đất nước Pháp, sông Sài Gòn của chúng ta dài và sau này có thể sẽ có thêm nhiều công trình khác trên dòng sông này của chúng ta. Nhưng Thủ Thiêm chỉ có một vùng, một đoạn nào đó chảy trên con sông này, nên chúng ta không nên bỏ đi cái tên Thủ Thiêm khiến con cháu chúng ta không còn cơ hội để biết về cái tên Thủ Thiêm này nữa” - Minh: ngoc_yen_dang@yahoo.com 

 


“Tôi rất ủng hộ ý kiến của bài báo. Hầm Thủ Thiêm nên mang tên là “Hầm Thủ Thiêm” vì những lý do sau:

 


- Về tác dụng thẩm mỹ: đổi cái tên cũng không làm cho công trình to hơn hay hoành tráng hơn, mà để tên cũ cũng không làm cho nó nhỏ bé hay xấu xí hơn. Tốt hay xấu, to hay nhỏ là tự bản thân công trình thể hiện.

 

- Tên “Hầm vượt sông Sài Gòn” là một tên dài, lấy danh từ chung để đặt thành danh từ riêng là có vẻ như sai về ngôn ngữ.

 



- Tên “Hầm vượt sông Sài Gòn” không chỉ rõ về địa lý vì nó không chỉ ra được đúng vị trí của công trình. Có ai chắc rằng sau này sẽ không còn đường hầm thứ hai nào vượt sông Sài Gòn, lúc đó lại phải gọi là “Hầm vượt sông Sài Gòn số 2” sao? Lúc đó lại phải hỏi: Hầm số 1 ở đâu, Hầm số 2 ở đâu,v.v...!

 



- Về mặt tình cảm của con người nói chung: tên nào lưu giữ được quá khứ của nó càng lâu thì càng có giá trị về mặt lịch sử, càng được dân yêu mến, gắn bó hơn...” - Đào Văn Nam:  daovannam@gmail.com phân tích rõ lý do.

 



“Tôi có ý kiến là tên Hầm Thủ Thiêm là phù hợp nhất vì những lý do sau đây:

- Tên công trình gắn liền với tên địa danh, lịch sử lâu đời; tên gọi dân gian và rất dễ gọi dễ nhớ, ngắn gọn cho người dân dễ thuộc, dễ gọi và dễ ghi chép trong các văn bản giấy tờ.

- Nếu công trình Hầm Thủ Thiêm có bị đổi tên trên giấy tờ thì tôi tin rằng trong ngôn ngữ truyền miệng của bà con nhân dân, cái tên Hầm Thủ Thiêm vẫn còn được sử dụng để chỉ dẫn trong ngôn từ hàng ngày...” - Trúc mai: trangddt@yahoo.com khẳng định. 

 


Dù không phải người sinh ra và lớn lên tại Sài Gòn, nhưng Huy huy.pham@gmail.com cũng cảm nhận được sự thân quen mà cái tên Thủ Thiêm in dấu trong lòng: “Tôi không phải là người sinh ra, lớn lên và sinh sống tại Sài Gòn nhưng suốt mấy năm qua lại công tác tại đây, tôi cũng đã từng đi qua phà Thủ Thiêm nhiều lần, rồi chứng kiến viêc thi công hầm Thủ Thiêm đến lúc hoàn thành như bây giờ. Cái tên hầm Thủ Thiêm đã quá quen thuộc với một người không phải là dân Sài Gòn như tôi. Bởi vậy tôi có thể khẳng định cái tên Hầm Thủ Thiêm đã quá quen thuộc với người dân thành phố và những ai đã từng đặt chân đến Sài Gòn trong giai đoạn thi công hầm. Một cái tên gắn liền với lịch sử phát triển của hai bờ sông Sài Gòn...”.   

 



“Tôi là một người Hà Nội nhưng cũng xin góp ý: Nên giữ tên là Hầm Thủ Thiêm vì:
1. Tên gọi được gắn theo địa danh - dễ nhớ, dễ gọi.
2. Nếu gọi “Hầm vượt sông Sài gòn” thì cũng hay nhưng: dài và nếu tương lai trên sông làm thêm đường hầm ở khu vực khác thì lại phải đánh số -> mất hay. Đôi lời đóng góp” - Nick Nên giữ tên hầm Thủ Thiêm: shop.halinh@gmail.com cùng quan điểm.

 


“Tôi là người xứ Bắc nên có lẽ không có nhiều kỷ niệm với bến phà Thủ Thiêm, nhưng tôi nhận thấy tình cảm của người dân Nam Bộ đối với bến phà Hầm Thủ Thiêm khá sâu sắc. Ngày Hầm Thủ Thiêm thông xe, bạn bè tôi ở khu vực Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ rất hãnh diện gọi điện khoe về Hầm Thủ Thiêm này. Trong giọng nói của họ có sự tự hào, hãnh diện. Có lẽ, họ muốn khoe với tôi là bến phà Thủ Thiêm ngày xưa giờ đã thay đổi, giờ đã có 1 đường hầm xuyên sông Sài Gòn thế chỗ. Việc biến đổi từ 1 bến phà thành 1 đường hầm hiện đại với cùng tên gọi Thủ Thiêm sẽ được các nhà sử học ghi vào sách lịch sử. Đáng để tự hào. Hãy để con cháu chúng ta hãnh diện rằng, ông cha chúng tôi đã xây dựng hầm Thủ Thiêm này tại nơi có bến phà Thủ Thiêm - 1 bến phà tồn tại bao năm, đưa bao lượt người qua sông và 2 tiếng Thủ Thiêm luôn sống mãi trong lòng người dân thành phố...” -  Tom tit: tomtithy@yahoo.com nhấn mạnh.

.....


 

Trần Bách 

31 nhận xét:

  1. thích quá chị hen, khi nào có dịp em cũng đi qua một lần

    Trả lờiXóa
  2. Thích lắm em, cũng hãnh diện là đất nước mình cũng có được con đường hầm vượt sông này!

    Trả lờiXóa
  3. có chứ chị,, em chưa bào giờ được đi qua mà

    Trả lờiXóa
  4. Cái tên Hầm Thủ Thiêm theo em là hợp lý hợp tình nhất. Nhưng chỉ có cái việc đặt tên một căn hầm mà phải cãi nhau, thì cái HĐND đó phải xem lại tư duy của mình. Đã vậy bà QT chủ trì còn nói cái kiểu "phương án tốt nhất" nghe thiệt chịu không nổi...

    Trả lờiXóa
  5. Chị cũng thấy thế, hầm Thủ Thiêm là gọn nhất, mang tính lịch sử nhất, đã vậy còn là đường hầm Vượt Sông Sài Gòn.. chị phải viết hoa chữ "Vượt Sông SG" vì từ nay nó là tên riêng mà phải không cô giáo Mập ơi!..

    Trả lờiXóa
  6. VN mình bây giờ như Mỹ (tho) vậy, lấy ngay "cụm động danh từ làm danh từ... hehe, hồi em học tiếng Anh thì cô giáo em gọi là dùng gerund để làm noun... hehe...
    Chị đừng nói em cô giáo là cái gì cũng biết nghen, ngay chính tả cũng ...phải xem lại...

    Trả lờiXóa
  7. Ai vô trường em cũng thấy một tấm bảng chà bá treo ở tầng 2 dãy chính diện " Năm học 2011-2012 là tiếp tục đổi mới quản lý và nâng cao chất lượng đào tạo" :)). Nội dung này treo từ năm ngoái á chị! Em nói với người có chức trách "câu gì kỳ!" nhưng họ vẫn để y, chắc họ k biết kỳ chỗ nào!

    Trả lờiXóa
  8. Họ lại muốn đổi mới đấu mà . Nhưng là đổi mới vô lối . Con trai giống mẹ ghê ,

    Trả lờiXóa
  9. Vậy thì heeee với Cô Giáo về cụm từ này..hehe! Mà nếu dịch ra tiếng Anh thì sao nhỉ?
    Đường (hầm) Vượt Sông Sài Gòn = Crossing hay Passing Saigon River Road (Street) mà đường hầm dịch là road hay street có ổn không nhỉ? Tiếng Hoa có chữ riêng, nhưng tiếng Anh là gì nhỉ?
    Xin mời bạn bè và Quí Cô, Thầy dịch hộ nha.!

    Trả lờiXóa
  10. Chán quá Bống nhỉ! Cái tên hầm Thủ Thiêm đi vào lòng người dân từ khi dọn dẹp phá bỏ nhà cửa hai bên đường, ai cũng mong mỏi về nó, dù sao rất đẹp Bống ạ, hôm nào vượt sông một bữa nha.

    Mà Bống nói về con trai của bà nội hay con trai của bà già xx này heee

    Trả lờiXóa
  11. Ảnh trên là nội cu Lâm hả M.. trông bà đẹp lão hen.. sau này chắc M cũng thế.. hehehehe... Tên "Hầm Thủ Thiêm" gọn, ý nghĩa rồi.. nhưng tên mới đã có rồi thì dần dà rồi cũng sẽ quen.

    Trả lờiXóa
  12. Đành phải thế.. Sài Gòn hay TP. HCM cũng thế! Chị nhỉ!

    Trả lờiXóa
  13. ...Nên đổi tên cầu Sài-gòn thành cầu vượt sông Sài -gòn luôn để thành Cặp đôi hoàn haỏ ...! khà khà khà

    Trả lờiXóa
  14. Ủa! hồi nào giờ Cô vẫn vậy mà Bicon ơi! Vậy Cô là Lý Sự Gia viết hoa hả.....hè hè

    Trả lờiXóa
  15. Các vị quan chức rảnh rổi, chả có việc gì làm ... nên mới ngồi cải nhau về chuyện đổi tên. Chả nhẻ cái gì băng ngang sông SG đều được tên "Vượt sông SG..." cho nó oách . "Cầu Vượt sông SG năm bờ qoanh " ... "Cầu Vượt sông SG số 2 "

    Em vắng nhà cả tuần nay . Hôm nay rảnh, mới vừa chui ngang đường Hầm Thủ thiêm để sang ghé thăm chị nè :)

    Trả lờiXóa
  16. Kệ họ đi em nhỉ, mình cứ thuận theo ý dân gọi là Sài Gòn, gọi là hầm Thủ Thiêm cho nó gọn em nhỉ!
    Nhớ ghé nhé, nhà chị ở cuối Q2.

    Trả lờiXóa
  17. Em cũng nghĩ gọi là Đường Hầm Thủ Thiêm là hay và có ý nghĩa với người dân hơn, đúng là các vị quan chức rảnh rỗi quá, không có việc gì để làm, :)

    Trả lờiXóa
  18. nói giởn chơi chứ hiện giờ đang ở xa wa' :).
    Em cũng có chút ít kỷ niệm ở Thủ Thiêm, mổi lần về thăm ông bà ngoại vài ngày. Trong cái ký ức mong manh của cái thuở 10 tuổi, con đường nhỏ dẩn ra khu bến phà Thủ thiêm có cái chợ "chồm hổm" nhỏ . Buổi tối, lủ nhỏ rủ nhau ra đó chơi năm mười, bịt mắt bắt dê, rượt nhau chạy vòng vòng. Cái toilette duy nhất của bà con chòm xóm cả vùng là cái cầu ... ngoài sông SG ...cuộc sống Thủ Thiêm ngày ấy đơn giản giống như ở làng quê vậy .

    Trả lờiXóa
  19. Biết ở xa, nhưng chị cũng chẳng mời lơi đâu đó! Có dịp thì ghé về thăm lại quê xưa!

    Trả lờiXóa
  20. Đường Hầm Thủ Thiêm là đúng nhất, vì nó từ xưa nay là bến phà Thủ Thiêm, bây giờ làm đường Hầm thay cho bến phà thì la "Đường Hầm Thủ Thiêm" là đúng rồi, đặt tên đường hầm vượt sông Sàigon nghe khôg giống ai cả, và không biết nó nằm ở đâu???? mấy cái ông đó ỷ làm lớn rồi muốn áp đặc mọi chuyện. Sao không hỏi ý kiến dân qua báo chí, and vote qua email, đài...fải co hay hơn không.

    Trả lờiXóa
  21. Bởi vậy nên chịu hổng nổi khi nghe cái tên này đó chị ơi! Tên gì mà dài lòng thòng chẳng có ý nghĩa gì cả.

    Trả lờiXóa
  22. Công nhận chị huynhtran 'update' nhanh ghê ! Hầm mới xong là test liền . Bữa nay về lại SG rồi sao ?

    Trả lờiXóa
  23. Chị về từ hôm 1/12 ngày 5 lại đi làm rồi Andro ơi!

    Trả lờiXóa
  24. 1- Sài Gòn bấy giờ là thành phố HỒ CHÍ MINH, vậy theo các vị lãnh đạo thành phố thì tên hầm đúng ra phải là "HẦM QUA SÔNG THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH" Nghe có kì quái không? Chỉ có điên mới gọi thế.
    2- Có phường Thủ Thêm, có phà Thủ Thiêm tại sao lại không thể có hầm Thủ Thiêm ?
    3- Cái tên Thủ Thiêm như rễ một cây đại thụ mọc sâu vào lòng dân cớ sao các vị lãnh đạo Đảng và Chính quyền Thành phố lại dùng quyền lực mà nhổ đi. Tại sao họ không trưng cầu dân ý rộng rãi???
    4- Các Ông lãnh đạo thành phố không đọc sách để biết rằng nhà thơ A. bu ta líp của xứ Đa ghet stan nói một câu để đời: "Nếu anh bắn vào quá khứ bằng súng lục thì tương lai sẽ bắn vào anh bằng đai bác". Các vị ơi, các vị đã bắn vào quá khứ cả giàn tên lửa , rồi các vị sẽ nhận được gì ???
    5- Các vị cứ quyết định đi, dân Sài Gòn, dân Việt Nam cứ gọi nó là HẦM THỦ THIÊM ai dám bỏ tù họ nào??
    (Đến như Thành phố Hồ Chí Minh mà dân tình trong đó có bu tui vẫn gọi là Sài Gòn cho nó tiện hehehe)

    Trả lờiXóa
  25. Hôm nào anh Bu về Sài Gòn nhớ ghé Q2 thăm người quen nha!
    Rồi cùng qua cầu Thủ Thiêm ra Q1 và từ Q1 qua hầm Thủ Thiêm về lại P. Thủ Thiêm nha!
    Cỏ hoa Sậy vẫn còn nở vàng rực ở những nhánh đường đất dang dở đang chờ xây dựng đó anh Bu ơi!

    Trả lờiXóa

Bạn từ đâu đến..



Bạn từ đâu đến bạn ơi!
Đến thì nhớ nhé đôi lời thăm nhau..

free counters


Pageviews: 374,323 - 23/09/2016

Sắc tím Đài Đông

Sắc tím Đài Đông

Sương khói




Suy tư vầng trán thêm gầy
Em ơi! khói thuốc vàng tay vẫn buồn..





Và mây vẫn trôi giữa dòng đời.......
................ bụi bặm...
..... Người đi qua đời.. chợt.. ...
............cũ đến chẳng còn quen.......
................. TTM