Mông Cổ ngồi trên đống vàng mà lo
Giữa các khu nhà đổ nát và các cao ốc mới toanh, người Mông Cổ đang tranh luận dữ dội, liệu khối của cải vừa tìm thấy sẽ mang lại xế hộp và hàng hiệu cho người giàu, hay chỉ khiến nhiều người rơi vào cảnh ở gầm cầu trong mùa đông giá.
Thủ đô Ulan Bator, Mông Cổ, nhìn từ một nhà hàng hạng sang. Ảnh: Theo The New York Times |
Howard Hodgson, một người Australia với làn da sạm nắng, tự hào nói ông sẵn sàng ở lại đất nước từng rất nghèo khó này là vì tiền.
Hơn một thập kỷ trước, Hodgson đã tìm tới đất nước xơ xác và bị ảnh hưởng nặng nề bởi sự sụp đổ của Liên Xô. Phần lớn người dân nước này, ngoài những lúc chăn nuôi gia súc và ủ men cho sữa chua, không biết làm gì khác ngoài việc ngồi chờ những mùa đông buốt giá qua đi.
Tuy nhiên, với Hogdson, một cựu chiến binh từng phải trải chiến đấu của những cánh rừng Papua New Guinea và Myanmar, quốc gia này đã mang lại cho ông cảm giác hoàn toàn mới. "Tôi đã chạy trốn trong rừng đủ rồi", ông nói.
Điều khiến Hogdson quyết tâm ở lại Mông Cổ, ngoài tiềm năng của những mỏ khoáng sản rộng lớn, là điều kiện sống tuyệt vời đối với một người đàn ông từng dành phần lớn tuổi trẻ của mình để chạy trốn khỏi những kẻ ăn thịt người, phiến quân và khủng bố. "Bạn chắc chắn sẽ không bị bắn chết ở đây", ông nói.
Người Mông Cổ từ trước tới nay vốn sống trên một kho than đá, đồng và vàng khổng lồ. Những tài nguyên quý giá ấy đang thay đổi số phận và hình ảnh của đất nước vốn gần như chẳng có gì. Để có được điều này, một phần nhờ vào nhu cầu khoáng sản không ngừng tăng của láng giềng Trung Quốc. Việc xuất khẩu khoáng sản đã giúp Mông Cổ trở thành một trong những nền kinh tế phát triển nhanh nhất thế giới.
"Đó chính là một phần của cơn sốt vàng ở Mông Cổ", Hogdson nói khi tham gia một hội chợ công nghiệp.
Với người dân địa phương, thủ đô Ulan Bator của họ, nhà của một nửa trong số 2,7 triệu dân Mông Cổ, đã trở thành nơi kết hợp giữa niềm hy vọng và nỗi lo sợ. Giữa các khu nhà chung cư đổ nát và những tòa cao ốc đang mọc lên, đang nổi lên một cuộc tranh luận dữ dội về tác động của việc khai thác khoáng giữa những người mong muốn giữ gìn tài nguyên thiên nhiên và những người muốn đưa đất nước phát triển nhanh chóng.
Dù có hứng thú hay không, phải thừa nhận rằng, ngành công nghiệp khai khoáng đang thay đổi Ulan Bator. Vài năm trở lại đây, người dân đã khó có thể thấy được đường chân trời ở thành phố, do ảnh hưởng của những tòa cao ốc. Ulan Bator cũng vừa hoàn thành việc xây dựng công trình cao nhất thành phố, tích hợp hệ thống khách sạn với mức giá 300 USD cho một đêm.
Tòa tháp này hướng ra Quảng trường Sukhbaatar, trung tâm kinh tế và chính trị của đất nước, nơi được bao quanh bởi rất nhiều công trình quan trọng: tòa nhà Quốc hội, trung tâm chứng khoán và trụ sở Tập đoàn Khai khoáng. Bên kia đường, một trung tâm mua sắm mới được mở cửa với tên những thương hiệu nổi tiếng như Burberry và Armani.
"Nếu không nhờ khai khoáng, nơi này vẫn sẽ không thay đổi so với 50 năm trước đây", Haydn Lynch, người chuyển từ Sydney tới Mông Cổ hồi tháng 4 để điều hành một công ty khai mỏ, cho biết.
Tuy nhiên, sự giàu lên nhanh chóng của một bộ phần người dân cũng song song với các vấn đề của những người không theo kịp. Tốc độ phát triển của ngành công nghiệp khai khoáng thu hút hàng nghìn nông dân từ các thảo nguyên chạy trốn mùa đông giá rét ở nông thôn. Họ đến và sống ở ngoại ô thành phố trong các khu ổ chuột đông đúc. Tỷ lệ thất nghiệp ngày càng gia tăng, điện nước thiếu thốn. Thậm chí những người thiếu may mắn phải chấp nhận qua đêm ở gầm cầu và cống thoát nước.
"Tại thời điểm này, họ muốn nhanh chóng kiếm lời từ khai khoáng", Sumati Luvsandendev, giám đốc của Quỹ Sant Maral, một tổ chức phi lợi nhuận, nói. Theo một thống kê mới đây của tổ chức này, 96% người Mông Cổ nghĩ rằng nạn tham nhũng đang tràn lan, trong khi 80% nói họ tin rằng những đầu sỏ chính trị trong nước đang có quá nhiều quyền lực.
Bất mãn về tham nhũng và sự nhượng bộ của chính phủ với những thỏa thuận khai khoáng của nước ngoài là những vấn đề quan trọng được nhắc tới trong cuộc bầu cử quốc hội hồi cuối tháng trước. Giới chức phải cố gắng đáp ứng mong muốn dành một phần lợi nhuận từ khai khoáng cho việc chăm sóc sức khỏe, phát triển kinh tế và cơ sợ hạ tầng.
Tuy nhiên, một số thắc mắc về việc liệu người Mông Cổ có thể tránh khỏi những cám dỗ thường thấy của quyền lực, tham nhũng và sự bất ổn ở một quốc gia đang giàu lên nhanh chóng. Các quan chức chính phủ nói họ đang làm việc rất tích cực để chống tham nhũng. Họ cũng lo ngại rằng tăng lượng xuất khẩu tài nguyên thiên nhiên sẽ khiến những ngành công nghiệp khác mất đi sức cạnh tranh.
"Mông Cổ đang ở ngã ba đường", Saurabh Sinha, một nhà kinh tế học tại Chương trình Phát triển Liên Hiệp Quốc tại Ulan Bator, nói. "Liệu chính phủ sẽ sử dụng khai thác tài nguyên một cách vững mạnh và lâu dài để cải thiện cuộc sống của người dân trên khắp đất nước, hay sẽ trở thành một Nigeria thứ hai?"
Một số người Mông Cổ đang bắt đầu cảm nhận thấy quyền lợi của họ từ ngành công nghiệp khai khoáng. Năm nay, công nhân viên chức nước này được tăng lương tới 50%.
Sự bùng nổ kinh tế của Mông Cổ cũng giống như một nam châm hút những người từng rời bỏ đất nước đi kiếm tiền. Zolboo Bataa, 34 tuổi, từng dành 9 năm ở Ireland, nơi ông có một sự nghiệp đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, khi Ireland rơi vào thời kỳ suy thoái, ông quyết định trở về quê hương và nhanh chóng có được công việc mới tại một công ty sản xuất thiết bị khai khoáng.
"Nếu không thấy tiềm năng ở Mông Cổ, bạn rõ ràng là một tên ngốc", ông nói.
Gantuya Badamgarav, 44 tuổi, một trong những người được trả lương cao nhất Mông Cổ, cũng đồng ý với nhận định này. Hồi tháng 4, bà đã mở một triển lãm nghệ thuật trong một trung tâm thương mại mới. Badamgarav cho biết bà hy vọng việc thu nhập gia tăng sẽ khiến người dân quan tâm hơn tới nghệ thuật, và bà dự định sẽ dẫn đầu trào lưu ấy.
"Những người giàu có bây giờ phải đi một chiếc xế hộp hạng sang, dùng túi Louis Vuitton và sở hữu các món đồ nghệ thuật", bà nói.
Với đất nước vừa mới bước vào giai đoạnt tăng trưởng, Badamgarav đang gắn tương lai của bà với khát vọng đi lên của đất nước. "Người Mông Cổ giống như những chú chó đang cố thoát ra khỏi sợi dây xích đã kìm hãm họ suốt nhiều năm", bà nói. "Chúng tôi đang cố gắng tìm kiếm một tương lai tốt đẹp hơn."
Quỳnh Hoa (Theo The New York Times)
http://vnexpress.net/gl/the-gioi/cuoc-song-do-day/2012/07/mong-co-ngoi-tren-dong-vang-ma-lo/
Quốc Huy Mongolia
Thảo nguyên..
Khi những vấn nạn của nghèo đói ra đi thì bắt đầu những vấn nạn khác .... Con người luôn tự làm khổ mình vì lòng tham hén chị ?
Trả lờiXóaĐó là những vấn nạn do phát triển không đồng bộ của người đang nghèo trở nên giàu đột biến.!
Trả lờiXóaGiống như người nghèo tự nhiên trúng vé số vậy.
Nếu không biết sử dụng đồng tiền thì cái bức tranh toàn cảnh vẫn cứ bập bênh!
Ui, lo quá đi chu ba gia ui. Van de la o day, cuoc song kho khăn, anh nao giàu qua la bi ngta dòm ngó a nha :(
Trả lờiXóaTừ trước đến giờ, đất nước Mông Cổ là ít được truyền thông thế giới nói đến nhất, chỉ ngoài việc biết rằng Thành Cát Tư Hãn đi chinh phạt các nơi chị nhỉ.
Trả lờiXóaĐất nước này đẹp thật, toàn cao nguyên điệp trùng.
Sợ là tài nguyên mất mà dân vẫn nghèo, môi trường bị hủy hoại.. tiếc thế thôi.
Trả lờiXóaChứ biết khai thác và giữ gìn làm giàu cho nước cho dân thì quá tốt chứ!
nhìn hình thấy Mông Cổ cũng sầm uất chị nhỉ. Chẳng hiểu xuất khẩu khoáng sản hoài rồi sẽ ra sao....haiza
Trả lờiXóaMông Cổ đang rút ruột đất nước để làm giàu...sự giàu có không bền vững
Trả lờiXóa