Thứ Bảy, 18 tháng 12, 2010

Chuyện mùa Giáng Sinh - Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

http://www.dohongngoc.com/web/goc-nhin-nhan-dinh/chuyen-mua-giang-sinh/


Đỗ Hồng Ngọc


  Bạn thân,

Bạn kêu kể chuyện gì về Giáng Sinh nhân những ngày này phải không? Thì đây vậy:


  Chuyện thứ nhất:

Cô  Dina dạy lớp Hai tại một trường ở Ontario, Canada. Năm ấy cô được nhà trường giao cho một hoạt cảnh trong đêm văn nghệ mừng Chúa giáng sinh. 

Sau khi đắn đo suy nghĩ rất lâu, cô bắt đầu phân vai cho các học sinh trong lớp. Rắc rối là cháu Ralph, chín tuổi. Lẽ ra cháu phải học lớp Bốn, nhưng cháu vụng về, chậm chạp, và chậm hiểu nên vẫn phải học lớp hai. Đám bạn lại rất thích cháu, vì cháu lớn xác hơn cả, dễ dàng đứng ra bảo vệ chúng nếu bị trẻ lớp khác bắt nạt.

Ralph nằng nặc đòi làm người chăn cừu, thổi sáo trong vở kịch. Cô giải thích Ralph có một vai khác quan trọng hơn, là làm chủ quán trọ. Thật ra, cô chủ ý dành cho cháu vai này vì cháu chỉ cần nói vài câu ngắn, dễ học thuộc, phù hợp với khả năng cháu. Hơn nữa với vóc dạng to hơn các bạn, Ralph dễ làm ra vẻ hùng hổ, hung hăng của ông chủ quá trọ khi xua đuổi ông bà Giu-se.

Đêm văn nghệ của trường chật ních khán giả. Ai cũng háo hức muốn xem con cháu nhà mình trổ tài trên sân khấu cuối năm.

Hoạt cảnh lớp cô diễn ra suôn sẻ từ đầu vì  bọn trẻ được tập luyện rất nhuần nhuyễn. Thế  rồi đến cảnh ông Giu-se chậm chạp, mệt mỏi dìu bà Ma-ri-a đến cánh cửa quán trọ đóng im ỉm. Ông gõ cửa.

Ralph chỉ chờ có thế. Cháu mở tung cánh cửa ra, hùng hùng hổ hổ quát: “Mấy người muốn gì?”

  • “Chúng tôi tìm chỗ trọ qua đêm.”

  • “Chật hết rồi. Đi chỗ khác đi!”

  • “Xin ông làm ơn. Chúng tôi đã hỏi hết các nơi khác nhưng đều bị từ chối. Chúng tôi đi đường xa, mệt mỏi.”

  • “Không còn phòng nào hết!”

  • “Xin ông mở lòng lành. Đây là vợ tôi, sắp đến ngày sanh nở. Vợ tôi rất cần được nghỉ ngơi đêm nay. Xin ông cho một xó xỉnh nhỏ hẹp nào cũng được.”


Ralph nhìn bà Ma-ri-a, rồi đứng ì ra khá lâu. Cả hội trường im phăng phắc, bối rối trước thái độ của Ralph. Nấp sau cánh gà, cô giáo nhắc tuồng: “Không, xéo đi!”

Ralph vẫn đứng như phỗng đá.

Cô  nhắc đến lần thứ ba. Mỗi lúc một lớn  giọng hơn. Các cháu đóng vai thiên thần ở hậu trường cũng sốt ruột, lo ngại không kém mọi người.

Cuối cùng Ralph cũng mở miệng như cái máy:

  • “Không, xéo đi!”


Ông Giu-se buồn bã, thất thểu dìu bà Ma-ri-a bước đi. Tay chủ quán không quay vào đóng sập cánh cửa lại như đã tập dượt thuần thục hàng chục lần.

Y đứng sững đó, dõi mắt nhìn theo ông bà Giu-se. Y chau mày, vẻ mặt khổ sở, bờ môi run run nén cơn cảm xúc, và kìa, hai tròng mắt y đã ướt sũng tự lúc nào!

  Ralph gào lên: “Đừng đi, Giu-se! Đưa Ma-ri-a quay lại đây!”

Tay chủ quán dang rộng hai cánh tay, miệng cười rạng rỡ:  “Mời ông bà ngủ lại trong phòng của tôi.”

  Cô  giáo bật khóc. Các cháu nhỏ thủ vai thiên thần  ùa cả ra sân khấu trong lúc khúc nhạc mừng giáng sinh trổi lên rộn rã... (Chuyện kể theo Lê Anh Dũng).



  Chuyện thứ hai:


Chị là Oshin – người giúp việc nhà cho một ông chủ ngoại ngũ tuần, rất giàu có. Đêm xuống, xong việc, vội vàng về với đứa con trai nhỏ 5 tuổi suốt ngày ngóng đợi trong căn nhà tồi tàn..


Hôm ấy, chủ nhà có lễ lớn, mời rất nhiều bạn bè quan khách đến dự tiệc đêm.

Ông chủ bảo : Hôm nay việc nhiều, chị có thể về muộn hơn không?

Thưa được ạ, có điều đứa con trai nhỏ quá, ở nhà tối một mình lâu sẽ sợ hãi.

Ông chủ ân cần: Vậy chị hãy mang cháu đến cùng nhé.

Chị mang theo con trai đến. Đi đường nói với nó rằng : Mẹ sẽ cho con đi dự tiệc đêm.

Thằng bé rất háo hức. Nó đâu biết là mẹ làm Oshin là như thế nào kia chứ! Vả lại, chị cũng không muốn cho trí tuệ non nớt của nó phải sớm hiểu sự khác biệt giữa người giàu kẻ nghèo. Chị âm thầm mua 2 chiếc xúc xích.

Khách khứa đến mỗi lúc mỗi đông. Ai cũng lịch sự. Ngôi nhà rộng và tráng lệ… Nhiều người tham quan, đi lại, trò chuyện.

Chị rất bận không thường xuyên để mắt được đến đứa con nhếch nhác của mình. Chị sợ hình ảnh nó làm hỏng buổi lễ của mọi người.

Cuối cùng chị cũng tìm ra được cách : đưa nó vào ngồi trong phòng vệ sinh của chủ… đó có vẻ như là nơi yên tĩnh và không ai dùng tới trong buổi tiệc đêm nay.


Đặt 2 miếng xúc xích vừa mua để vào chiếc đĩa sứ, chị cố lấy giọng vui vẻ nói với Con : Đây là phòng dành riêng cho con đấy, nào tiệc đêm bắt đầu!

  Chị dặn con cứ ngồi yên trong đó đợi chị đón về. Thằng bé nhìn “căn phòng dành cho nó” thật sạch sẽ thơm tho, đẹp đẽ quá mức mà chưa từng được biết. Nó thích thú vô cùng, ngồi xuống sàn, bắt đầu ăn xúc xích được đặt trên bàn đá có gương, và âm ư hát… tự mừng cho mình.

  Tiệc đêm bắt đầu. Người chủ nhà nhớ đến con trai chị, gặp chị đang trong bếp hỏi.

Chị trả lời ấp úng: Không biết nó đã chạy đi đằng nào…

Ông chủ nhìn chị làm thuê như có vẻ có điều gì giấu giếm khó nói. Ông lặng lẽ đi tìm… Qua phòng vệ sinh thấy tiếng trẻ con hát vọng ra, ông mở cửa, ngây người:

  • Cháu nấp ở đây làm gì ? Cháu biết đây là chỗ nào không ?
  • Thằng bé hồ hởi : Đây là phòng ông chủ nhà dành riêng cho cháu dự tiệc đêm, mẹ cháu bảo thế, nhưng cháu muốn có ai cùng với cháu ngồi đây cùng ăn cơ!


Ông chủ nhà thấy sống mũi mình cay xè, cố kìm nước mắt chảy ra, ông đã rõ tất cả, nhẹ nhàng ngồi xuống nói ấm áp:

  • Con hãy đợi ta nhé. Rồi ông quay lại bàn tiệc nói với mọi người hãy tự nhiên vui vẻ, còn ông sẽ bận tiếp một người khác đặc biệt của buổi tối hôm nay.


Ông để một chút thức ăn trên cái đĩa to, và mang xuống phòng vệ sinh. Ông gõ cửa phòng lịch sự… Thằng bé mở cửa…

  • Ông bước vào: Nào chúng ta cùng ăn tiệc trong căn phòng tuyệt vời này nhé.


Thằng bé vui sướng lắm. Hai người ngồi xuống sàn vừa ăn ngon lành vừa chuyện trò rả rích, lại còn cùng nhau nghêu ngao hát nữa chứ…

Mọi người cũng đã biết. Liên tục có khách đến ân cần gõ cửa phòng vệ sinh, chào hỏi hai người rất lịch sự và chúc họ ngon miệng, thậm chí nhiều người cùng ngồi xuống sàn hát những bài hát vui của trẻ nhỏ…

  Tất cả đều thật chân thành, ấm áp!

  Nhiều năm tháng qua đi… Cậu bé đã rất thành đạt, trở nên giàu có, vươn lên tầng lớp thượng lưu trong xã hội. Nhưng không bao giờ quên giúp đỡ những người nghèo khó chăm chỉ.


  Một điều quan trọng đã hình thành trong nhân cách của anh: Ông chủ nhà năm xưa đã vô cùng nhân ái và cẩn trọng bảo vệ tình cảm và sự tự tôn của một đứa bé 5 tuổi như thế nào…

(Chuyện kể theo Chu Hải Lượng).

  Ôi, còn biết bao điều phải kể trong đêm Giáng Sinh cho tất cả chúng ta phải không?







6 nhận xét:

  1. Em đọc và thấy mắt cay xè nè chị.
    Những con người tuyệt vời này biết ngày nay có còn ở quanh ta không?

    Trả lờiXóa
  2. Chắc quanh đâu đó, trong đó có tụi mình nữa đó em!

    Trả lờiXóa
  3. Vâng ! đã đọc đi đọc lại rất nhiều lần, nhưng lần nào cũng rất cảm động!

    Có điều, nếu nói sâu vào hiện thực tí, thì ở câu chuyện thứ 2, đứa bé đã có một bà mẹ tuy nghèo, nhưng đã biết nuôi dạy con, đứa bé có một tư cách, một tư thái tốt, những ấn tượng đó đã truyền qua cho ông Chủ, dĩ nhiên là ông chủ đó cũng là người có tấm lòng..

    Nếu không, thì có khi kết thúc của câu chuyện đã ngược lại…
    Và chúng ta thì luôn luôn mong muốn cuộc đời sẽ và tốt đẹp như câu chuyện được viết ra.

    Chúc mừng Giáng Sinh – chúc mừng Năm Mới!

    Trả lờiXóa
  4. hic... những câu chuyện hay và ý nghĩa quá chị à. Chút gì đó thương thương, bùn bùn và tủi tủi.

    Trả lờiXóa
  5. Hai câu chuyện đều có ý nghĩa nhân sinh em nhỉ!

    Trả lờiXóa
  6. đọc xong thấy xúc động chị à ...hai khóe mắt thấy cay cay ...May nhờ nhạc nền GS của chị kéo về thực tại ...

    Trả lờiXóa

Bạn từ đâu đến..



Bạn từ đâu đến bạn ơi!
Đến thì nhớ nhé đôi lời thăm nhau..

free counters


Pageviews: 374,323 - 23/09/2016

Sắc tím Đài Đông

Sắc tím Đài Đông

Sương khói




Suy tư vầng trán thêm gầy
Em ơi! khói thuốc vàng tay vẫn buồn..





Và mây vẫn trôi giữa dòng đời.......
................ bụi bặm...
..... Người đi qua đời.. chợt.. ...
............cũ đến chẳng còn quen.......
................. TTM