Chủ Nhật, 24 tháng 10, 2010

Không lo ngại về tiếng Việt, nếu... - Tuổi Trẻ Online

http://tuoitre.vn/Ban-doc/Trong-mat-nguoi-nuoc-ngoai/407339/Khong-lo-ngai-ve-tieng-Viet-neu.html


TRONG MẮT NGƯỜI NƯỚC NGOÀI
Chủ Nhật, 24/10/2010, 05:05 (GMT+7)

Không lo ngại về tiếng Việt, nếu...

TT - Tiến sĩ Ivo Vasiljev - 75 tuổi (ảnh), người Cộng hòa Czech, với hơn 50 năm học, nghiên cứu, sử dụng tiếng Việt; đã dịch và xuất bản nhiều tác phẩm nghiên cứu về Việt Nam - khiến nhiều người rất ngạc nhiên về khả năng nói tiếng Việt như người Hà Nội của mình.

Ông chia sẻ với Tuổi Trẻ góc nhìn về sự chuyển biến và thay đổi ngôn ngữ trên thế giới hiện nay, trong đó có Việt Nam.

Ảnh: Thanh Đạm

Có thể nói tôi là người đầu tiên nghiên cứu chính thức về ngôn ngữ và văn hóa Việt Nam tại Czech, sau khi tốt nghiệp đại học môn Triều Tiên học. Tôi cũng là người sáng lập môn Việt Nam học ở Tiệp Khắc. Tôi đã học một năm liên tục từ tháng 9-1960 với thầy Trần Xuân Đài, giáo viên được Việt Nam cử sang Praha. Năm 1964 tôi hoàn thành luận án về các từ Hán Việt trong tiếng Việt hiện đại. Hiện Czech có cộng đồng người Việt khá mạnh, khoảng 65.000 người.

Tiến sĩ Ivo Vasiljev là thành viên nhóm nghiên cứu ngôn ngữ Praha rất nổi tiếng trong lịch sử châu Âu từ năm 1928 và vẫn hoạt động đến nay; thành viên Hội Ngôn ngữ châu Âu, Hội Hữu nghị Czech - Việt Nam và Hội Văn nghệ Việt Nam tại CH Czech. Ông từng dịch tác phẩm Nhật ký trong tù của Chủ tịch Hồ Chí Minh từ nguyên bản tiếng Hán sang tiếng Czech.

Tôi cho rằng từ vựng Hán Việt là bộ phận khăng khít trong tiếng Việt. Dạy từ vựng tiếng Việt và cả từ Hán Việt là cách dạy tiếng Việt có chiều sâu, và rất khó tách rời những từ thuần túy Việt ra khỏi từ gốc Hán. Tôi đã học tiếng Triều Tiên, Nhật Bản và thuộc khá nhiều tiếng Hán trước khi học tiếng Việt. Khi mới tiếp xúc với tiếng Việt tôi phát hiện có rất nhiều từ tôi hiểu, chỉ có điều nó được phát âm bằng cách khác.

Tập trung nghiên cứu về loại hình ngôn ngữ, tôi thấy tiếng Việt đối lập với ngôn ngữ châu Âu, nhất là trong hệ Slave; mọi quy tắc trong ngôn ngữ, cách vận dụng, xây dựng cấu tạo ngôn ngữ đối lập nhau. Vấn đề dịch đúng từ tiếng Việt ra tiếng Czech và ngược lại rất khó.

Ví dụ: động từ về phải mất nửa trang từ điển để giới thiệu cách dùng. Ở một cửa hàng trên đường Lê Thánh Tôn, Q.1 (TP.HCM) có hàng chữ giới thiệu “Hàng mới về”. Trước đó, “hàng” không có ở đây, mà bây giờ lại “về”?

Người Czech từng rất lo lắng về việc ngôn ngữ của mình đang biến đổi. Chúng tôi từng rất muốn giành lại vị trí quan trọng ở châu Âu và luôn so sánh với các nước láng giềng như Đức, Pháp, Anh. Chúng tôi từng luôn chú ý đến việc duy trì sự trong sáng của tiếng Czech và bài trừ tất cả tiếng ngoại lai có khi một cách rất vô lý.

Có thời người Czech tạo ra nhiều từ mới một cách áp đặt, bỏ những từ quen thuộc và có nguồn gốc xa xôi từ tiếng Đức mà thay bằng những từ không ai muốn dùng. Giai đoạn đó được khắc phục bằng công tác nghiên cứu khoa học và trau dồi ngôn ngữ dân tộc của những người sáng lập nhóm nghiên cứu ngôn ngữ Praha.

Ở Việt Nam, việc dùng teen thay cho thiếu niên hay catwalk thay cho sàn diễn thời trang cũng giống như trong tiếng Czech. Xu hướng quốc tế hóa ngôn ngữ đang diễn ra và thực tế xã hội phân hóa rất phong phú, nên có nhiều trường hợp cần dùng từ chính xác hoặc gần gũi với cách sống.

Chắc chắn ở đại hội Đảng thì không ai dùng teen mà dùng thiếu niên, nhưng trong cuộc sống hằng ngày người ta lại thích dùng teen hơn. Những từ mới, lai căng chỉ có thể phổ biến trong xã hội với phạm vi hạn chế của một tầng lớp xã hội mà thôi. Chúng ta cũng không biết những từ đó có tồn tại lâu dài không. Chúng ta không cần quá lo lắng vì những thay đổi ngôn ngữ đó. Quan trọng là biết mình ở vị trí nào để sử dụng ngôn ngữ thế nào cho phù hợp.

Ngôn ngữ chứa đựng văn hóa. Nhưng cũng có những lúc ngôn ngữ trung lập với văn hóa. Ví dụ, gạch, cây tre có liên quan tới văn hóa vì không phải nước nào cũng dùng, cũng có. Hồn, phách liên quan tới tín ngưỡng, không thể nào dịch bằng một từ mà phải dùng tới mấy câu. Ngôn ngữ phản ánh tất cả khía cạnh của đời sống, trong đó có văn hóa.

Nhưng đôi khi văn hóa không trực tiếp liên quan tới ngôn ngữ, ví dụ, tục thờ cúng ông bà của người Việt rất phong phú, tôi không cần biết tiếng vẫn có thể hiểu được nội dung. Có những lĩnh vực văn hóa trực tiếp được biểu hiện và tạo ra bằng ngôn ngữ, như ca dao và tục ngữ vừa là văn hóa vừa là ngôn ngữ.

Ngôn ngữ là mối lo lắng của nhiều đời ở nhiều nước. Nhưng giới ngôn ngữ học nghĩ rằng ngôn ngữ dân tộc bất diệt, nếu có 86 triệu người Việt Nam và thêm mấy triệu người Việt Nam ở nước ngoài, lịch sử chứng minh dân tộc Việt Nam vẫn còn đây sau cả ngàn năm Bắc thuộc thì không có gì phải quá lo lắng. Có thể có tình trạng những cộng đồng ít người, sống trong sự bao vây của các cộng đồng mạnh thì cộng đồng ít người có thể mất ngôn ngữ của mình.

Trong quá trình mất mát họ có thể dùng xen kẽ hai, ba ngôn ngữ khác nhau. Người Việt ở nước ngoài có thể mất ngôn ngữ nếu bố mẹ họ và Nhà nước Việt Nam không tạo điều kiện để họ giữ được tiếng mẹ đẻ. Việt Nam cũng như nhiều quốc gia đang bị ảnh hưởng bởi những tác nhân bên ngoài, nhưng quá trình toàn cầu hóa là sự giao lưu kinh tế, văn hóa, còn ngôn ngữ sẽ lâu bị ảnh hưởng hơn.

Tôi nói tiếng Nga như tiếng mẹ đẻ. Tôi cũng nói tiếng Đức, tiếng Triều Tiên, tiếng Pháp, tiếng Việt, tiếng Anh nhưng dùng nhiều nhất là tiếng Czech, tiếng Anh và tiếng Việt. Tôi “mới” chỉ học tiếng Việt khoảng 50 năm, giờ mở cuốn sách ra hai, ba câu vẫn gặp ít nhất một từ chưa biết. Ngôn ngữ tiếng Việt rộng lắm. Nếu một quốc gia mà vẫn có những người dân ý thức gìn giữ văn hóa và ngôn ngữ thì không có gì đáng ngại trước những ảnh hưởng của toàn cầu hóa.

HẠNH NGUYÊN ghi

Tiến sĩ LVO VASILJEV


9 nhận xét:

  1. Đó là cách nghĩ của một người nước ngoài thôi ..chị ạ
    Thật ra ta vẫn cứ phải lo bởi số người dân có ý thức gìn giữ và văn hóa Việt ..hình như ko nhiều

    Trả lờiXóa
  2. Bài của Tiến sĩ Ivo Vasiljev viết cũng rất sâu về nguồn gốc tiếng Việt.
    Làm cho chúng ta cũng phải suy nghĩ đó.

    Trả lờiXóa
  3. "Tôi cho rằng từ vựng Hán Việt là bộ phận khăng khít trong tiếng Việt. Dạy từ vựng tiếng Việt và cả từ Hán Việt là cách dạy tiếng Việt có chiều sâu, và rất khó tách rời những từ thuần túy Việt ra khỏi từ gốc Hán"

    Trong giảng dạy em cũng thấy ta khó mà có thể tách từ Hán Việt khi giải nghĩa một số từ thuần Việt ...Thậm chí từ HV nó làm ý nghĩa từ thuần Việt sâu xa hơn .

    Trả lờiXóa
  4. Hehe. That ra tieng Viet vo cung phong phu va phuc tap. Giao su nay cung phái nghien cuu day chi hen...nhung tat ca deu kg de dau.

    Trả lờiXóa
  5. Gió à! thật ra, từ ngữ của VN và Hán Việt không thể tách rời ra được đâu, ví như từ Định Nghĩa, bản thân nó là HV đó...
    Có lần đi với người bạn Taiwan thăm các nơi di tích ngàn xưa của VN như chùa chiền, lăng tẩm... toàn là chữ Hán hoặc chữ Nôm, có từ thì chị không đọc được nhờ họ đọc, họ đọc thì chị hiểu ngay, nhưng nhìn chữ thì chịu, họ ngạc nhiên hỏi rằng, đây là những nền văn hóa phi vật thể ở đất bạn, mà sao lớp trẻ và các bạn lại không hiểu về nó....?
    Làm mình cũng suy nghĩ tính kế thừa của VN mình Gió ạ!

    Trả lờiXóa
  6. Tiếng Việt mình giàu ngữ điệu và tuyệt đẹp nhưng ta không thể chối bỏ rằng trong quá trình hình thành chính từ HV phần nào đó làm cho TV giàu có thêm ...

    Em nói lo là ở khía cạnh khác , bây giờ đang hình thành một thứ ngôn ngữ mới kiểu teen trong cả viết và nói ...nếu nói một cách nghiêm túc nó phản cảm và làm mất cái đẹp của TV ... phải ko chị ?

    Trả lờiXóa
  7. Thì mình chỉ là suy nghĩ cho thế hệ sau mình, lứa tuổi trẻ tuổi đôi mươi (teen) nếu chưa nắm vững từ ngữ VN mà đã xa rời tiếng Việt, thì cũng đáng để suy nghĩ !

    Trả lờiXóa
  8. Có một thời gian chúng ta muốn bỏ qua những từ Hán Việt. Còn bây giờ nhập khẩu nhiều từ của Hàn quốc, Anh Mỹ....

    Trả lờiXóa
  9. Cũng sẽ ổn thôi Linalol à..
    Cũng như ngày xưa cha ông ta, nhìn thế hệ trước học Tây về đó...
    Và thế hệ chúng ta thì nhìn còn cháu.. tiếp nối như thế..
    Cái tốt sẽ ở lại và cái xấuthì không đuổi nó cũng sẽ tự ra đi..

    Trả lờiXóa

Bạn từ đâu đến..



Bạn từ đâu đến bạn ơi!
Đến thì nhớ nhé đôi lời thăm nhau..

free counters


Pageviews: 374,323 - 23/09/2016

Sắc tím Đài Đông

Sắc tím Đài Đông

Sương khói




Suy tư vầng trán thêm gầy
Em ơi! khói thuốc vàng tay vẫn buồn..





Và mây vẫn trôi giữa dòng đời.......
................ bụi bặm...
..... Người đi qua đời.. chợt.. ...
............cũ đến chẳng còn quen.......
................. TTM