Thứ Ba, 24 tháng 4, 2012

THANH THẢN, TỰ TẠI, LÀ HẠNH PHÚC”

http://www.dohongngoc.com/web/goc-nhin-nhan-dinh/thanh-th%E1%BA%A3n-t%E1%BB%B1-t%E1%BA%A1i-la-h%E1%BA%A1nh-phuc/comment-page-1/#comment-5352



    “THANH THẢN, TỰ TẠI, LÀ HẠNH PHÚC”

    Tú Lan trò chuyện với BS Đỗ Hồng Ngọc
    (Báo DƯỢC & Mỹ Phẩm, BYT, Số tháng 4/2012)


    Thật là thú vị khi được trò chuyện với một người tinh tế, dí dỏm và yêu trẻ thơ… càng thú vị hơn khi người ấy lại là một nhà khoa học. Không những giúp cho người bệnh bớt bệnh mà còn giúp họ bớt khổ là cái tâm của vị “từ mẫu”, thầy thuốc ưu tú Đỗ Hồng Ngọc. Có lẽ không nhiều người Việt Nam có nhiều danh xưng như ông: một Đỗ Hồng Ngọc bác sĩ, nhà thơ; một Đỗ Hồng Ngọc viết văn, làm báo và một Đỗ Hồng Ngọc viết về Phật học… Thông thường mỗi nhà văn, nhà thơ có một đối tượng “fan” hâm mộ nhất định nhưng bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc lại chinh phục được mọi giới, mọi lứa tuổi từ các em tuổi mực tím mộng mơ, đến các bà bầu ục ịch và cũng chẳng tha các vị sồn sồn hay qúi vị lão niên bởi ông chính là tác giả của những tác phẩm đem lại cho mọi người tiếng cười, cảm giác dễ chịu cùng những lời khuyên đời thường, dung dị và khoa học.



    • Là bác sĩ nhi khoa và nhà tư vấn của tuổi mực tím, tuổi trưởng thành và cả tuổi trăng xế…. rất được yêu mến và tin tưởng, bác sĩ vui lòng chia sẻ bí quyết “lấy lòng” mỗi thế hệ khác nhau của mình được không ạ?

    “Lấy lòng” ư? Sao phải “lấy lòng”? “Lấy lòng” để làm gì? Một người viết mà nhằm “lấy lòng” một ai đó thì tôi tin khó mà “lấy” được, trái lại có khi còn bị side- effect, bị sốc phản vệ nữa ấy chứ! Thực ra, nếu có “lấy lòng”, ấy là lấy lòng mình, từ lòng mình mà viết ra. Viết chân thành, từ những trải nghiệm riêng tư thì lạ thay lại gặp gỡ những tấm lòng. Khi tôi viết cho tuổi mới lớn, tôi sống ở tuổi “mới lớn”, khi tôi viết cho tuổi gió heo may, tôi đang sống với gió heo may và khi tôi viết già ơi… chào bạn, ấy là lúc tôi đang gậm nhấm, “thưởng thức” cái già của chính mình. Tôi không có khả năng hư cấu nên không viết được tiểu thuyết!



    • Trong xã hội ngày nay, bác sĩ có nhận xét gì về phương châm sống của mỗi thế hệ trẻ, già và chớm già?

    Xã hội nào mà chẳng có sự cách biệt của các lứa tuổi? Sự cách biệt này đến từ sinh lý, tâm lý và nhất là từ xã hội. Ngày xưa, sự cách biệt ít… cách biệt như bây giờ vì người ta sống lặng lẽ trong lũy tre làng. Ngày nay thế giới phẳng, toàn cầu hóa, trái đất nhỏ lại trong lòng bàn tay thì lạ thay sự cách biệt giữa các thế hệ càng giãn xa ra. Phương châm sống của các thế hệ ngày càng khác nhau đến nỗi gần như không hiểu nhau. Mỗi thế hệ có một thế giới riêng. Nhưng, ngộ thay, thời gian sẽ khỏa lấp sự cách biệt này. Dù kỹ thuật học có phát triển đến thế nào, đời sống vật chất, tiện nghi, tốc độ có thế nào đi nữa, thì hai ngàn năm trước và mãi mãi về sau này, con người vẫn cứ thất tình lục dục, vẫn cứ khổ đau vì… sinh lão bệnh tử phải không? Một người hai mươi tuổi hôm nay một hôm bỗng thấy mình bốn mươi rồi sáu mươi… mau lắm! Vấn đề là sống sao cho mình và mọi người được an lạc, hạnh phúc, phù hợp với tâm sinh lý của từng lứa tuổi.



    • Bác sĩ thuần túy chỉ có thể chữa bệnh cho vài trăm người, nhưng làm bác sĩ viết báo thì có thể phòng bệnh và chữa bệnh cho hàng ngàn, hàng triệu người. Có phải vì “sứ mệnh” này mà bác sĩ đã viết không mệt mỏi?

    Không. Chẳng có “sứ mệnh” gì cả! Tôi làm trưởng phòng Cấp cứu tại bệnh viện Nhi đồng Saigon (nay là Bệnh viện Nhi đồng 1 TP.HCM) một thời gian khá lâu. Hàng ngày trông thấy bao nhiêu là trường hợp trẻ con bị bệnh hoạn tử vong oan ức có thể phòng tránh được, vì thế mà tôi thấy phải làm gì đó để giúp các bà mẹ. Vậy là tôi viết. Khi nhớ lại những sai lầm của mình ở tuổi mới lớn, tôi lại viết để chia sẻ cùng các em. Rồi khi tuổi già bóng xế, tôi lại viết cho bạn bè cùng lứa. Thực ra, viết, trước hết là cho mình, tự “chữa bệnh” cho mình cái đã, rồi mới dám chia sẻ với người khác. Giống như người xưa tự nếm thuốc rồi mới dám… kê đơn. Không có cái “sứ mệnh” gì ở đây cả, không có sự rao giảng gì ở đây cả, mà chỉ là sự thầm thì nho nhỏ. Có lần một bé 15 tuổi ở Bến Tre viết cho tôi nói cha mẹ em thường cãi cọ, gây gổ cả ngày, em tặng họ cuốn “Gió heo may đã về” , từ đó gia đình êm ấm lại, có nhiều tiếng cười hơn… Vậy là vui rồi phải không? Nhưng như Hải Thương Lãn Ông đã từng nói: “Cho thuốc chữa bệnh thì cứu được một người còn viết sách truyền phương thì giúp đời vô tận, tác động càng lớn thì trách nhiệm càng to, nhỡ có sai sót chút gì thì tội không phải nhỏ”. Người viết sách, làm báo về y học phải luôn nhớ lời căn dặn này vậy!




    • Viết về Thiền học, Phật học có phải là một sứ mệnh khác của bác sĩ không ạ?

    Cũng vậy. Khi tôi bị một vố bệnh nặng – tai biến mạch máu não, phải mổ cấp cứu- sau đó tôi đã tìm cách tự chữa trị cho mình. Tôi biết trường hợp này thuốc men chỉ là phụ, cái chính là thay đổi nếp sống, thay đổi nếp nghĩ, nếp nhìn. Tôi tìm đến Thiền học, Phật học là vì thế. Mình là bác sĩ, bất quá chữa được một phần cái “đau” còn cái “khổ” mình không chữa được. Có một bậc thầy, một y vương là Phật, sao không học nhỉ? Lại có một vị Bồ Tát rất dễ thương tên là Dược Vương- vị thuốc vua- sao không học nhỉ? Vậy là tôi học. Rồi chia sẻ, bàn bạc, trao đổi lẫn nhau giữa bạn bè anh em, những người đồng bệnh tương lân.


    Yoga

    • Bác sĩ định nghĩa thiền và yoga khác nhau thế nào?

    Krishnamurti bảo cái gì có định nghĩa thì cái đó thiếu sót một cách đáng tiếc. Tại sao phải định nghĩa? Khi định nghĩa thì ta đã khái niệm hóa nó, đã cắt xén nó, khu trú nó rồi. Mà cây đời thì mãi mãi xanh tươi! Với tôi, do tuổi tác và tính cách, thấy mình hợp với Thiền hơn vì nó tĩnh lặng, giản đơn mà sâu sắc. Người nào phù hợp với phương pháp nào thì phương pháp đó là tốt nhất. Không nên so sánh. Hãy “nhúng chìm” vào nó, trải nghiệm và cảm nghiệm nó cho riêng mình.



    • Người ta vẫn quảng bá các bài tập yoga tốt cho sức khỏe và sắc đẹp, sao không thấy bác sĩ giới thiệu với bạn đọc về yoga?

    Tôi cũng tin yoga là tốt cho sức khỏe và sắc đẹp. Tôi nghĩ cái đẹp bên trong quý hơn cái đẹp do cắt mắt sửa mũi độn ngực… Yoga có thể làm tăng cái đẹp bên trong lên. Nhưng, trước hết phải phù hợp với tình trạng sinh lý, thể chất, tuổi tác, bệnh lý của mỗi người. Khiên cưỡng có thể nguy hiểm. Ngay cả chạy bộ, một môn thể dục đơn giản nhất mà cũng tốt cho người này không tốt cho người kia. Thấy người ta uốn dẻo thì mình uốn dẻo, không khéo lại vẹo cột sống, vẹo cổ. Mỗi người có nhịp tim, nhịp thở khác nhau, có hệ thần kinh, hệ nội tiết khác nhau. Sợ nhất là các thầy bắt mình phải làm y theo thầy! Nhớ nhắc các bạn đang học thiền, yoga, khí công… điều đó nhé!



    • Bác sĩ đánh giá những vấn đề xã hội nào ảnh hưởng mạnh nhất đến sự đau ốm của con người? Theo bác sĩ, chúng ta có thể làm gì?

    Môt từ bên trong, một từ bên ngoài. Bên ngoài đó là một môi trường sống ngày càng tệ hại do con người tự tạo ra để… hủy diệt chính mình. Họ sẵn sàng phá hủy môi trường sinh thái để phục vụ túi tham. Sự ô nhiễm chúng ta đã biết. Biến đổi khí hậu chúng ta đã biết. Bão lũ triền miên, động đất sóng thần chúng ta đã biết. Tất cả đều do con người làm ra. Chẳng phải tại Trời tại Đất gì cả. Còn cái từ bên trong chính là lòng tham không đáy của chúng ta. Lòng tham này tạo nên một đời sống đầy cạnh tranh, căng thẳng và gây ra vô số bệnh tật, các thứ dịch bệnh không lây như chúng ta đã biết. Nghiên cứu của Harvard cho thấy có đến 60-90% bệnh nhân đến bác sĩ là có nguồn gốc từ stress dù biểu hiện bệnh lý khác nhau. “Đau đâu chữa đó” thì không thể chữa được hết gốc bệnh là vậy. Nhưng làm sao để con người tự nguyện sống tri túc, thiểu dục? Còn lâu!




    • Là một bác sĩ nhi khoa, bác sĩ nhận xét thế nào về thế hệ trẻ em ngày nay?

    Trẻ em ngày nay sướng như tiên! Vì là tiên nên tốn rất nhiều tiền. Đẻ ra chưa kịp bú mẹ đã thấy sữa nhân tạo được tặng đầy phòng. Toàn các loại sữa “thông minh”! Thế mới biết các thế hệ trước đây “ngu dốt” biết chừng nào! Sữa thông minh cứ ngày một lên giá cũng phải! Trẻ em được cưng chiều hết cỡ, đồ chơi đầy nhóc, toàn đồ chơi sau một thời gian thì phát hiện có hoá chất độc hại… Bệnh nhi trở thành khách hàng, mà khách hàng là Thượng đế, muốn gì được nấy. Cha mẹ “khoán” con cho người giúp việc. Mỗi chút lên mạng tham khảo, ý kiến tùm lum, tẩu hỏa nhập ma. Trẻ được cưng chiều dễ hư. Không biêt sao bây giờ vô sinh hơi nhiều, single mom ngày càng đông. Tuy nhiên phải công nhận trẻ em bây giờ có điều kiện phát triển rất tốt, tiếp cận sớm với kỹ thuật hiện đại nên rất giỏi. Tôi chủ trương cần cho trẻ gần gũi với thiên nhiên càng nhiều càng tốt chứ không thì trẻ chỉ tiếp xúc với thiên nhiên ảo, qua vi tính.




    • Một ngày bình thường của bác sĩ là những công việc gì?

    Là ăn, ngủ,… À không, tôi vẫn còn dạy học, hiện là Trưởng bộ môn Khoa học hành vi- Giáo dục sức khỏe của trường Đại học y khoa Phạm Ngọc Thạch Tp.HCM. Sáng tập thể dục, hít thở một chút, tự pha cho mình một ly cà phê, đọc vài trang báo, lên mạng lai rai, cao hứng thì viết lách lăng nhăng cái gì đó… Hưu lâu rồi mà! Đôi khi bạn bè kêu đi cà-phê đầu đường góc phố thì đi. Bàn đủ thứ chuyện trên trời dưới đất, toàn chuyên lớn… như chuyện vá tầng ozone, cử tổng thống nước này nước khác, “thường, lạc, ngã, tịnh” v.v…!




    • Khi nói về lương của thầy thuốc nhiều người nói: “Muốn làm giàu thì không nên làm ngành y”. Riêng bác sĩ có ý kiến gì?

    Tôi nghĩ không ai học y với ý định “làm giàu”. Thời tôi học cách đây nửa thế kỷ, y khoa phải học 7 năm, ra trường với văn bằng Tiến sĩ y khoa quốc gia, chỉ số lương là 720 (Sư phạm học 4 năm, chỉ số 480). Với đồng lương thời đó, người bác sĩ có thể yên tâm chăm sóc bệnh nhân, không cần… phong bì! Y đức ngoài việc học trong trường khi hành nghề còn có Y sĩ đoàn giám sát và bảo vệ. Nghĩa vụ luận y khoa được dạy rất kỹ từ năm thứ 5 trước khi ra trường để biết cách ứng xử với bệnh nhân, với đồng nghiệp và với cộng đồng. Hiện nay, y khoa học 6 năm, ra trường được coi tương đương với cử nhân (4 năm). Còn để được mở phòng mạch, người bác sĩ ngày nay không chỉ cần có Chứng chỉ hành nghề mà còn phải có Giấy phép đăng ký Kinh doanh! Không hiểu tại sao nghề y được coi là “kinh doanh”? Có cách nào tốt hơn chăng, thí dụ “Giấy phép đăng ký Dịch vụ…” ?




    • “Người bệnh đến với thầy thuốc không chỉ tìm kiếm những thông tin liên quan đến bệnh tật, đến thuốc men, mà còn mang theo cả những nỗi băn khoăn, lo lắng và sợ hãi…” bác sĩ đã viết như vậy, nhưng bệnh nhân lại cho rằng bác sĩ Việt Nam rất không kiên nhẫn lắng nghe họ nói và thường hay mắng họ. Theo bác sĩ nhận định này có đúng hay không?

    Phải coi cái mắng đó là “mắng” yêu hay “mắng” ghét. Tôi thấy có nhiều bệnh nhân bị “mắng” mà rất vui vì biết bác sĩ “mắng” vì mình, thí dụ như khi không tuân y lệnh, sử dụng thuốc men bừa bãi v.v… Mối giao tình thầy thuốc-bệnh nhân mà tốt thì những lời “mắng” này nghe dễ thương, như người thân với người thân. Một bác sĩ làm ở phòng khám nhi một bệnh viện cho biết mỗi sáng anh phải khám cho trên dưới 100 em. Mỗi bệnh nhi chỉ vài phút thôi thì anh đã phải quần quật toát mồ hôi hột, thì giờ đâu mà cười nói hỏi han? Mệt quá hóa quạu, căng thẳng. Dĩ nhiên “mắng” là không nên. Lỗi về phía bác sĩ, về phía ngành y. Cũng có vài bác sĩ thích “ra oai” với bệnh nhân, chẳng qua cũng chỉ vì chưa đủ tự tin. Điều này cũng không nên.




    • Bác sĩ có phiền không nếu bạn đọc muốn biết năm nay bác sĩ đã trải qua bao nhiêu cái xuân xanh ạ? Bác sĩ đã phác họa sơ đồ cuộc sống như thế nào để có cuộc sống đẹp nhất ở độ tuổi của mình?

    Trong cuốn “Gió heo may đã về” của tôi, Trịnh Công Sơn viết: “Nói với một người trẻ “Tôi già rồi em ạ!” là một điều vô lễ”! Thế nhưng nhà báo trẻ đã hỏi, tôi đành phải “vô lễ” vậy: Tôi đã 73 “xuân xanh” (tuổi ta) bạn ạ. Nhớ Nguyễn Công Trứ ngày xưa ở tuổi này đã… cưới một cô tì thiếp trẻ và: “Tân nhân lục vấn lang niên kỷ/ Ngũ thập niên tiền nhị thập tam”. Cô dâu muốn biết tuổi chàng rễ, Nguyễn tướng công trả lời: “Năm mươi năm trước ta được hai mươi ba tuổi!”. Dĩ nhiên, tôi không có ý định bắt chước Nguyễn tướng công! “Phác họa sơ đồ cuộc sống” ư? Sống thanh thản, tự tại là hạnh phúc rồi, phác họa mà chi?


    Cám ơn bác sĩ và chúc bác sĩ nhiều sức khỏe.
    Tú Lan

14 nhận xét:

  1. Biết vậy mà sao khó thực hiện quá chị ơi, đôi lúc muốn trút bỏ hết cho nhẹ lòng mà vẫn chưa làm được :)

    Trả lờiXóa
  2. Đọc bài viết thấy lòng thanh thản hơn ...!

    Trả lờiXóa
  3. Có khi nó lại là một cách để bào chữa cho sự hời hợt ,sự bàng quang chị ạ ...Em thì cho rằng ta cứ tìm sự thanh thản tự tại cho riêng mình thì thật đáng buồn ..:) Dĩ nhiên đó là ý của riêng em

    Trả lờiXóa
  4. T.Mai nghĩ sống thanh thản,tự tại theo cách nói của BS. Đổ Hồng Ngọc là sống thnh thản tự tại trong một giới hạn nào đó,để bớt stress,chứ không phải rút mình vào vỏ ốc để chĩ tìm sự an lạc,hạnh phúc cho riêng mình mà không quan tâm đến gia đình,người thân,bạn bè và mọi người.Nếu chĩ mình mình thấy hạnh phúc trong khi mọi người đều đau khổ thì mình cũng đâu có vui,có an lạc được.Đây cũng là liều thuốc tinh thần mà BS hướng dẩn để mọi người tìm được giây phút thanh thản cho mình,cũng là tốt cho sức khỏe.Chẳng hạn chĩ cần ngồi ngắm một bông hoa đẹp vừa mới nở,một con chim đang bay ngang qua mà thấy vui thì cũng là hạnh phúc rồi.Đây cũng chĩ là ý nghĩ của riêng T.Mai thôi.

    Trả lờiXóa
  5. Nếu trút bỏ được thì mình đã giác ngộ rồi MH nhỉ!

    Trả lờiXóa
  6. Vậy cũng tốt TM nhỉ! chỉ sợ đọc lại không hiệu quả gì mà thôi.

    Trả lờiXóa
  7. Mình cũng thích cái ý nghĩa 'thanh thản" như thế này của TM _ Thanh thản có nghĩa là ta biết bỏ đi những điều đáng bỏ, biết thứ tha những điều đáng thứ tha,biết mở để không thắt chặt lòng mình và để lòng an lành trong trẻo hơn . Mình nói trong cái com trên bởi vì thật ra hiện nay có những điều lòng ta khó mà thanh thản cho dù đó không phải là trách nhiệm trực tiếp của ta, cho dù ta có băn khoăn thì cũng không thể làm gì .... Có khi ta băn khoăn để cố gắng sống cho ra sống, có khi ta băn khoăn vì không thể hững hờ. Ta băn khoăn vì không thể xem cái có thành hư không ...
    Cám ơn cái ý nghĩa thanh thản nhân bản của tuyetmai

    Trả lờiXóa
  8. M cũng nghĩ như TuyetMai đó. Ngoài việc của cá nhân ra, ở đời có những giới hạn mà ta phải chấp nhận, chứ nếu thấy xung quanh mình đầy rẫy những tai ương, những bấc trắc, mà mình cũng sôi sục lên thì cũng không giải quyết được gì, cái cơ bản là mình biết tĩnh tâm, tự tại để nghiên cứu và giải quyết từng vấn đề một, dĩ nhiên là những vấn đề mà trong khả năng mình có thể giải quyết được. Chứ Bs cũng không hướng dẫn mình bàng quang với sự việc của gia đình và xã hội.

    Những chí sĩ yêu nước cũng thế, họ sẽ tĩnh tâm tự tại để tìm ra biện pháp mà giải quyết vấn đề của đất nước, dĩ nhiên chí sĩ yêu nước vào thời buổi này hơi hiếm, nhiều sự kiện hào nhoáng ru ngủ người ta quá, đa số có hô hào gì đi nữa thì cũng vì cái tôi, vì cái danh vọng của họ là nhiều. Còn nếu ta chỉ nói mà không làm thì cũng chỉ làm lòng ta rối bung lên mà thôi.

    Trả lờiXóa
  9. Trong chừng mực của phạm vi sống của con người, thì chị nghĩ mình biết tự tại thanh thản thì sẽ nhẹ nhàng mà bước qua đi những khúc mắc của cuộc đời đó Gió ơi! Còn đối với đất nước với xã hội, thì theo chị, cách ta sống đúng trách nhiệm của công dân với đất nước với xã hội đã là tốt, đã làm cho lòng ta thanh thản rồi.

    Trả lờiXóa
  10. Thanh thản tự tai đúng là hạnh phúc nhưng mấy ai thấy vậy

    Trả lờiXóa
  11. "THANH THẢN, TỰ TẠI, LÀ HẠNH PHÚC”

    ....... Nhưng, trước hết phải phù hợp với tình trạng sinh lý, thể chất, tuổi tác, bệnh lý của mỗi người. Khiên cưỡng có thể nguy hiểm.

    Trả lờiXóa
  12. Bài viết cũng đã giúp mình ít nhiều để thanh thản...Từ sự thanh thản sẽ tìm đuợc niềm tự tại....Hạnh phúc sẽ đến với điều kiện mình phải tự chủ trước nhưng thực tế của cuộc sống !

    Trả lờiXóa
  13. Cám ơn Gió đã khen,mình chĩ góp ý để mọi người xem các comment rồi tự tìm cho mình cách sống thanh thản phù hợp với mỗi người trong chừng mực nào đó có thể Gió nhỉ?.HT cũng cùng một suy nghĩ như T.Mai đó.

    Trả lờiXóa
  14. Em nói rất đúng đó CT ơi! nếu ta không tự chủ không nhìn thấu suốt sự phiền não thì sẽ chẳng bao giờ thanh thản cả.

    Trả lờiXóa

Bạn từ đâu đến..



Bạn từ đâu đến bạn ơi!
Đến thì nhớ nhé đôi lời thăm nhau..

free counters


Pageviews: 374,323 - 23/09/2016

Sắc tím Đài Đông

Sắc tím Đài Đông

Sương khói




Suy tư vầng trán thêm gầy
Em ơi! khói thuốc vàng tay vẫn buồn..





Và mây vẫn trôi giữa dòng đời.......
................ bụi bặm...
..... Người đi qua đời.. chợt.. ...
............cũ đến chẳng còn quen.......
................. TTM