Thứ Hai, 19 tháng 9, 2011

Bà Tôn Nữ Thị Ninh : “Tôi không bi quan, tôi tự tin!”

    Bà Tôn Nữ Thị Ninh : “Tôi không bi quan, tôi tự tin!”

    Đó là lời chia sẻ của bà Tôn Nữ Thị Ninh với Doanh Nhân về một chặng đường mới đầy thử thách mà bà chọn lựa. Trên cương vị Chủ tịch Hội đồng sáng lập Dự án Đại học quốc tế Trí Việt, bà Ninh cùng nhóm trí thức người Việt có tâm huyết đang nỗ lực tạo dựng ngôi trường đại học tư thục “xanh” đầu tiên của Việt Nam.
     

    “Tôi không bi quan, tôi tự tin!”



Bài toán khó hình tam giác

    - Đã gần 4 năm trôi qua, đến giờ dự án vẫn đang là dự án, theo bà, thời gian để dự án thành hiện thực có là quá dài không?

    Không. Tôi cho đó là chuyện bình thường. Cách nhìn còn tùy từng góc độ, tôi cho rằng, dự án giáo dục là phức tạp, dày công, cần tập hợp công sức và trí tuệ của nhiều người. Tôi thừa nhận rằng, do đặc thù của dự án, nhóm sáng lập chúng tôi là một nhóm bạn bè trí thức, trong đó có những người là quan chức, công chức về hưu, nên mặt hạn chế của nhóm là vốn. Thế nên tôi phải không ngừng đi vận động, huy động nhiều nơi khá dày công và không hề đơn giản. Điều này khó khăn hơn so với các trường tư thục được mở ra từ một tập đoàn kinh tế.

    - Việc huy động vốn cho đầu tư trong giáo dục của tư nhân có gì khác biệt với các lĩnh vực khác, thưa bà?

    Theo tôi, đối với việc huy động vốn cho giáo dục hiện giờ trong xã hội đang có một chút ngộ nhận. Đầu tư cho giáo dục không phải là loại đầu tư thông thường. Có thể gọi đây là một lĩnh vực công ích. Sự khác nhau giữa trường công và trường tư được phân biệt ở chỗ, một bên có ngân sách và được sự hậu thuẫn của nhà nước, một bên thì không; một bên có sẵn cơ sở vật chất, sẵn đất đai để xây dựng trường, một bên không! Việc đầu tư vốn cho một trường đại học cần được coi như đầu tư cho một doanh nghiệp xã hội chứ không phải cho một doanh nghiệp cung ứng dịch vụ thông thường. Hầu như những người có vốn, mấy ai muốn đầu tư vào những dự án dài hơi, khó trông thấy lợi nhuận thế này. Tuy nhiên, nếu mục đích cuối cùng sâu xa chỉ là lợi nhuận để chia nhau thì thật đáng buồn cho nền giáo dục nước nhà. Một trường đại học mà lấy mục đích tối thượng là lợi nhuận, thì tôi không thể tin được đó là một trường đại học tốt, có chất lượng, có tầm nhìn. Chính vì sự “khó gặp nhau” này, mà việc tìm được vốn để đầu tư cho giáo dục thực sự rất khó.

    - Cụ thể trong dự án Trí Việt bà đã vấp phải khó khăn gì?

    Tôi có một câu nửa đùa nửa thật, đối với một dự án đại học tư thục, thì có một cửa ải, hay một bài toán hình tam giác cần phải giải. Một là vốn (tiền), hai là đất, ba là thủ tục (giấy phép). Ba mũi nhọn này, nhất là vốn, là thách thức rất lớn đối với loại dự án của người không có vốn, chứ thủ tục thì ai cũng phải kinh qua. Ví dụ Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (PVN) đang mở trường Đại học Dầu khí Việt Nam. Tôi nghĩ rằng thủ tục lập trường của PVN sẽ thuận lợi hơn bởi về nguyên tắc, đây là sản phẩm của một tập đoàn kinh tế lớn của nhà nước, nên đương nhiên được chú ý hơn là tiếng nói của một nhóm sáng lập viên đã về hưu chỉ có tâm huyết và hiểu biết như Trí Việt. Tuy nhiên, Trí Việt cũng có lợi thế khác, không vì “cửa ải tam giác” đó mà nhụt chí nghĩ rằng mình không có thế mạnh. Lợi thế chính là ở đội ngũ sáng lập tâm huyết, đoàn kết, thống nhất, có trình độ, năng lực, uy tín, có mạng lưới quan hệ rộng, đa dạng. Chính vì vậy, tôi không bi quan, tôi rất tự tin!

    Đừng để lỡ cơ hội đầu tư

    - Trong bối cảnh của nền kinh tế như ngày nay, bà mong muốn vai trò gì ở nhà nước và tư nhân trong việc đầu tư cho giáo dục, thưa bà?

    Chúng tôi ý thức và mong muốn có sự cạnh tranh lành mạnh. Nhà nước phải giữ đúng vai trò trung lập, công bằng của mình, thổi còi đúng lúc, tạo khuôn khổ pháp lý để các đơn vị phải tuân thủ. Không nên can thiệp quá sâu, cũng như không trực tiếp chỉ đạo vi mô ở các trường Đại học. Theo tôi quan sát, thực tế có một sự chênh lệch, đó là tôi chưa thấy Bộ Kế hoạch Đầu tư, Bộ Công Thương, hay Sở Kế hoạch can thiệp sâu vào sự điều hành của các công ty tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty cổ phần…, nhưng ở các trường tư thục, muốn mở một bộ môn mới, chương trình mới, phải xin phép rất dài dòng, khó tưởng tượng được. Trên thế giới, có lẽ chỉ Việt Nam mới như vậy. Nhà nước chỉ nên kiểm tra chặt chẽ về mặt pháp lý và tổ chức hậu kiểm thật tốt.

    Ở nước ta, đã có chương trình bình chọn “Hàng Việt Nam chất lượng cao” thì tại sao lại không có sự bình chọn các trường tư thục chất lượng cao? Mỗi đơn vị tư thục cũng nên mạnh dạn, sẵn sàng chịu sự giám sát của các bên, trong đó có cả Bộ Giáo dục, nhưng không nên đặt vấn đề kiểm soát từng môn, từng ngành học. Bởi làm như vậy, sẽ khiến tốc độ phát triển của các trường chậm hơn so với thế giới, và quan trọng hơn, đó là mất cơ hội hợp tác. Đây cũng là một trong những nhận xét của nhóm làm việc trên lĩnh vực giáo dục do Công ty Tài chính Quốc tế IFC (thuộc Ngân hàng Thế giới) khởi xướng để góp ý cho Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam (VBF) được tổ chức 6 tháng một lần.

    - Vậy sự mất cơ hội đầu tư này có ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế nước nhà, thưa bà?

    Ai cũng nói sau khi Việt Nam gia nhập WTO, sẽ có một lượng FDI đầu tư vào Việt Nam rất lớn. Việt Nam đã thoát khỏi nhóm nước có thu nhập thấp, bước vào nhóm nước đang phát triển có thu nhập trung bình, tuy nhiên, theo giáo sư Kenichi Ohno – Đại học Nghiên cứu Chính sách (Nhật Bản) cho rằng đây cũng là thách thức “bẫy thu nhập trung bình” đối với Việt Nam. Một trong những nguyên nhân đó là chính sách cải thiện vốn con người vẫn chưa được xây dựng. Nhân lực Việt Nam thừa về số lượng mà chưa đạt đến yêu cầu về chất lượng, về chuẩn lao động. Tỷ lệ nhân lực đạt khả năng có thể làm việc ngay sau khi ra trường, đáp ứng yêu cầu của người sử dụng lao động là khá thấp, lợi thế cạnh tranh vì thế mà hao mòn đi. Hiện nay giá cả lao động của Trung Quốc và một số nước khác trong khu vực đang ngày càng cao, trong khi ta được lợi về mặt địa bàn sản xuất nhưng lại không tranh thủ cung ứng được nhân lực phù hợp, do vậy các tổ chức sử dụng lao động sẽ phải đi tìm nguồn nơi khác.


    Các ứng cử viên quản lý bậc trung và bậc cao ở Việt Nam rất khó tìm, thường người ta lại phải tuyển người từ Malaysia, Indonesia, hoặc Thái Lan cho các vị trí này. Thật tiếc cho thanh niên Việt Nam bị mất các vị trí tốt. Vậy thì vấn đề ở đây là gì? Đó là sự đào tạo của ta chưa chuẩn về mặt tư duy, về cách tiếp cận vấn đề, về kỹ năng mềm và về ngoại ngữ nữa.


    Nên trợ cấp giáo dục cho tư thục


    Còn vấn đề vì lợi nhuận hay không vì lợi nhuận trong giáo dục thì sao thưa bà? Quan hệ của nhà nước với khu vực tư thục nên như thế nào?

    Khách quan mà nói, tư thục chưa thể mong đợi thế cân bằng với công lập. Cái mà tôi thấy nhà nước nên có sự linh hoạt, đó là về thuế. Tuy so với thuế doanh nghiệp thông thường là 25%, thuế giáo dục thấp hơn chỉ còn 10% nhưng nên phân biệt giữa các trường tư thục với nhau, không nên đánh đồng tất cả các trường tư thục. Hiện nay, nếu điều tra sẽ thấy sự khác nhau khá rõ nét, một số trường tư thục rõ ràng là vì lợi nhuận, nhưng một số trường về thực chất không hẳn vì lợi nhuận, thế thì có nên được giảm thuế không?

    Thứ hai, tôi mong muốn nhà nước nên kiểm soát các trường tư thục về mặt pháp lý, không nên đi quá sâu vào điều hành và chuyên môn. Nhà nước hãy trở thành một trọng tài trung lập.

    Thứ ba, mong một ngày nào đó, trường tư thục sẽ được quyền ứng cử để được hưởng trợ cấp của nhà nước. Nếu trường nào tái đầu tư phần lớn lợi nhuận cho hoạt động và phát triển của trường, sẽ được nhà nước khuyến khích, trợ cấp sao cho trường tư thục đó tiếp tục làm tốt việc cung ứng dịch vụ công ích. Nhiều người sẽ ngạc nhiên cho rằng sao lại lấy tiền ngân sách nhà nước đem hỗ trợ cho tư thục được? Nhưng tại sao không? Bởi trong lĩnh vực xuất khẩu, công ty tư nhân cũng được trợ cấp xuất khẩu. Đây là vấn đề nên xem xét ở diễn đàn Quốc hội khi thảo luận về giáo dục.

    - Hiện nay đã có khá nhiều trường đại học tư thục ra đời, bà có được kinh nghiệm gì từ những trường đi trước như vậy?

    Tôi đã có một số cuộc trao đổi với Hiệu trưởng Trường Đại học FPT, TS. Lê Trường Tùng, và cũng hiểu được rằng ở đây, họ đặt vấn đề hiệu quả của đồng vốn lên hàng đầu, coi giáo dục là một ngành dịch vụ. Ưu điểm của họ là sự năng động, sẵn sàng thử nghiệm và bỏ tiền ra khi cần, mạnh dạn mời giáo sư ở các nơi, hoặc mua giáo trình tốt, tuy nhiên tôi cũng có cảm giác môi trường và cách quản lý của họ có vẻ căng thẳng theo kiểu công ty. Đối với Trí Việt, chúng tôi muốn bên cạnh chủ trương quản trị theo kiểu doanh nghiệp xã hội về mặt vốn và hiệu quả sử dụng vốn, sẽ đồng thời thử nghiệm mô hình dung hòa giữa tính hiệu quả trong môi trường làm việc của công ty hiện đại với không khí “thư thái học giả” của môi trường đại học truyền thống. Theo tôi, nên có sự dung hòa giữa tính hiệu quả của doanh nghiệp và sự uyển chuyển tìm tòi sáng tạo của học thuật. Một đất nước không thể có các trường đại học toàn là đại học công ty. Tôi vừa có dịp đi thăm một trường đại học tư thục hàng đầu của Hàn Quốc, thấy công ty LG và Samsung tặng cho trường một tòa nhà rất lớn, thế thôi, chứ họ không điều hành và cũng không sở hữu cái trường đó. Theo người bạn Hàn Quốc cho biết, ở Hàn Quốc chỉ có tập đoàn Posco là có trường Đại học Posco.


    - Bà dự định về đối tượng tuyển sinh của trường sẽ thế nào, học phí của trường sẽ ở mức nào so với các trường khác? Học sinh nghèo liệu có thể nghĩ tới Trí Việt được không?

    Dĩ nhiên là học phí sẽ không thấp so với trường công, và một số trường tư thục khác, nhưng cũng không cao bằng trường RMIT (trường có 100% vốn của nước ngoài). Hiện nay có một số trường tư thục có học phí khá thấp, tôi tự lý giải bằng cách vì họ tuyển sinh nhiều vượt mức cơ sở hạ tầng và số giảng viên có trong tay. Nói cách khác, vì không cân đối được, họ sẽ phải hy sinh chất lượng giáo dục. Trong bài toán không có sự hỗ trợ của nhà nước từ đất đai, cơ sở vật chất, thuế, tôi không nghĩ là sẽ có thể vừa đảm bảo học phí thấp, lại vừa có chất lượng và đạt chuẩn quốc tế. Tuy nhiên, Trí Việt sẽ không đơn thuần là trường dành cho con em nhà giàu. Trong kế hoạch, sẽ có quỹ học bổng dành cho các em hiếu học, chúng tôi sẽ có chiến lược chủ động (proactive) tự đi tìm những em hiếu học, có bản lĩnh, hoài bão để “mời chào”, tạo điều kiện cho con em nhà nghèo vào được Trí Việt. Với trường hợp các em học giỏi nhưng yếu tiếng Anh, chúng tôi sẽ phát hiện, đầu tư từ lớp 11 đối với những cá nhân xuất sắc.


    Người lãnh đạo phải tập hợp được người giỏi


    - Theo bà, một người lãnh đạo ngày nay cần có những tính cách gì?

    Theo kinh nghiệm bản thân, tôi nghĩ, người lãnh đạo phải là một người có lý tưởng, hoài bão, và bản lĩnh. Bản lĩnh, phải có thăng trầm, thử thách, vững tâm và tự tin. Ngoài ra, phải có hiểu biết, có bằng cấp thì tốt, nhưng cũng phải có trải nghiệm hiểu biết ở trường đời. Cố Thủ tướng Võ Văn Kiệt có bằng cấp đâu nhưng là người hiểu biết vô cùng. Tiếp theo, là lãnh đạo phải dám mạo hiểm, có kỹ năng truyền thông, biết tiếp cận công chúng, biết thể hiện truyền đạt ý tưởng của mình để có thể thu hút và huy động nhân tài, cũng như những nguồn lực khác. Người lãnh đạo tự mình làm tốt thì chưa hẳn đã là giỏi, mà phải tập hợp được, khuyến khích người khác cùng đồng hành thực hiện thành công những dự định, kế hoạch của mình.


    - Cuối cùng, bà nghĩ sao khi không ít người coi bà là một thần tượng bởi sự lịch lãm, thông minh, có tâm với đất nước, đồng thời cũng bởi bà có một gia đình êm ấm nữa?

    Xin cảm ơn mọi người, nhưng tôi nghĩ, tôi không nên là thần tượng của ai cả. Ngược lại, nếu được coi là người tạo động lực, khơi dậy những cảm kích, hoặc hạn hữu là người đỡ đầu, thì tôi xin nhận. Nói cho vui, tôi cũng được may mắn phải đi đây đó, tiếp xúc nhiều, nên cũng có để ý đến hình thức bên ngoài đôi chút chứ không quá cầu kỳ, đây chỉ là hương hoa thêm vào, chứ cũng không thể thay thế cái lõi bên trong được. Thế nên, nếu bạn có sự đồng cảm với tôi, hoặc vô hình, tôi có là động lực để thúc đẩy bạn thực hiện một điều gì đó có ích, tôi sẽ rất vui!

    - Xin chân thành cảm ơn bà!

    Codet (thực hiện)

7 nhận xét:

  1. Bà Tôn Nữ Thị Ninh “Tôi không bi quan, tôi tự tin!”


    Vâng! Bà có thể thành lập trường, bà có cơ sở vật chất, nhưng quan trọng nhất Bà phải có đội ngũ giáo viên, có trình độ + với tâm huyết của Bà! Điều đó không phải là Ngày Một, Ngày hai. Khi đội ngũ giáo viên của Bà vẫn sinh hoạt trong môi trường, trong xã hội và trong gia đình hiện tại Việt Nam...Khó, nhưng Bi tin Xã Hội mình phải tiến lên, sao nóng vội được....
    Mong điều tâm huyết và nguyện vọng của Bà sẽ là của xã hội ta...với hơn 87Triệu người....

    Trả lờiXóa
  2. Hồi em đi qua Bỉ tháng 3/2000 gặp đúng lúc bà Tôn Nữ Thị Ninh mới sang nhậm chức. Mấy anh ở Thông tấn xã VN chịu trách nhiêm chụp ảnh Bà tại lễ trình quốc thư. Anh ấy rủ đi cùng nhưng bọn em không có thẻ nên ko được vào trong phải đứng chờ ngoài phố. Đến chủ nhật đi chợ thì bọn em gặp được hai vợ chồng Bà cũng ra chợ ngó đồ. Trông bà đúng là phụ nữ Huế, đẹp mà sang.

    Trả lờiXóa
  3. Môi trường GD đại học hiện tại đầy tính 'xôi thịt', kinh doanh là chính ! VN chả bao giờ cất cánh với chính sách GD hiện tại.

    Trả lờiXóa
  4. Lâu lắm rồi anh đi công tác, trên tầu hỏa đã gặp Bà ta một lần, nghe lỏm Bà ta nói chuyện...đấy

    Trả lờiXóa
  5. Mong rằng nguyện vọng của Bà và của bao nhiêu người VN sẽ thành hiện thực Bicon nhỉ

    Trả lờiXóa
  6. Mình cứ lạc quan mà tin rằng rồi sẽ có, kg ở thế hệ mình thì tới thế hệ kế tiếp.
    VN có nhiều người tài mà, rồi sẽ có em ạ! Cứ tin thế đi cho đời vui.

    Trả lờiXóa

Bạn từ đâu đến..



Bạn từ đâu đến bạn ơi!
Đến thì nhớ nhé đôi lời thăm nhau..

free counters


Pageviews: 374,323 - 23/09/2016

Sắc tím Đài Đông

Sắc tím Đài Đông

Sương khói




Suy tư vầng trán thêm gầy
Em ơi! khói thuốc vàng tay vẫn buồn..





Và mây vẫn trôi giữa dòng đời.......
................ bụi bặm...
..... Người đi qua đời.. chợt.. ...
............cũ đến chẳng còn quen.......
................. TTM