Thứ Hai, 6 tháng 9, 2010

Bớt kỹ thuật thêm nhân văn… Bác sĩ Đỗ Hồng Ngọc

http://www.dohongngoc.com/web/nghien-cuu-khoa-hoc-giang-day/bot-ky-thuat-them-nhan-van/comment-page-1/#comment-3362
Bớt kỹ thuật thêm nhân văn…
Author: support3
• Thứ Ba, Tháng Tám 31st, 2010

DHN
Khi người thầy thuốc dùng thuốc kích thích làm sớm rụng một cái trứng, chọc hút nó ra rồi nuôi dưỡng trong một môi trường cho nó chín muồi; sau đó lọc trong hàng tỷ tinh trùng ướp sẵn trong tủ lạnh, chọn lấy một con cứng cáp, rã đông, đợi nó đủ sức ngọ ngoạy rồi bơm thẳng vào cai trứng kia, thế là đã có thể tạo ra một… con người mới – thì y học tưởng như đã có thể thay thế được… Tạo hóa! Khi vẽ xong được bản đồ gène, người ta cũng hy vọng rồi đây sẽ có một công nghệ can thiệp trực tiếp vào gène người, chọn được màu mắt, màu tóc, lông mi, tình cảm, trí tuệ, ưng ý để phối hợp với nhau làm nên một mẫu người lý tưởng. Bộ phận nào trong cơ thể coi bộ hơi cũ, hơi quá đát một chút, thì có thể ra siêu thị sinh học mua ngay một cái mới để thay. Người ta cũng chế được các loại áo khi mặc vào sẽ cho biết ngay tình trạng tim mạch, nhiệt độ cơ thể mỗi lúc mỗi nơi; chế ra loại toilet khi ngồi vào lập tức hiện lên các thông số phân tích tình trạng phân, nước tiểu các thứ… Và như vậy là rồi đây con người sẽ suốt ngày mặc sức mà loay hoay với vô số nhưng thông tin chằng chịt đó, và sẽ dựa vào đó mà ứng xử từng ngôn ngữ, hành vi… Khuynh hướng biến y khoa thành một ngành công nghiệp, một ngành kinh doanh dịch vụ kiếm lợi nhuận nhanh chóng và dễ dàng, xa lạ với truyền thống nhân bản của ngành y, hiện đang có vẻ như thắng thế.

Thế nhưng con người có lẽ rồi vẫn mãi mãi là con người với tất cả những niềm đau nỗi khổ của nó. Y khoa là ngành học thiết thân với con người, một con người trần trụi – cả nghĩa đen lẫn nghĩa bóng – nên người thầy thuốc không thể không có một chương trình đào tạo phù hợp ở mỗi giai đoạn phát triển kinh tế xã hội.

Một giáo sư Mỹ có lần đến làm việc tại một trường Y thành phố đã nói với chúng tôi: Chương trình đào tạo y khoa nên bớt kỹ thuật mà thêm nhân văn! Một chương trình đào tạo y khoa tốt nhất sẽ phải theo một nguyên tắc chung là không ngừng đổi mới để phù hợp với sự phát triển.

Ở Mỹ hiện có 126 trường Đại học y khoa công và tư với chương trình đào tạo bác sĩ y khoa (MD) tổng quát 8 năm sau trung học phổ thông và 4 năm sau cử nhân, nhưng sau đó để có thể hành nghề, còn phải học thêm chuyên khoa tối thiểu 3 năm nữa. Họ tổ chức các kỳ thi tuyển vào y khoa gồm cả các môn khoa học lẫn văn chương và kiến thức tổng quát cho chương trình đào tạo 8 năm. Riêng các trường có đào tạo 4 năm sau cử nhân, trong đó có đại học y khoa Harvard, tuyển chọn sinh viên qua một kỳ thi tuyển gọi là MCAT (medical college admission test) và qua một cuộc phỏng vấn.

Từ năm 1985, Đại học y khoa Harvard đã đưa chương trình New Pathway vào dạy thử nghiệm lớp đầu tiên, sau những đợt lượng giá thấy có hiệu quả tốt đã được mở rộng ra toàn trường. Mục tiêu của chương trình này là cung cấp cho sinh viên nhưng kiến thúc tổng hợp, lồng ghép và uyển chuyển, những kỹ năng tự học và nhạy cảm với thế giới người bệnh, quan tâm tới con người về mặt sinh học cũng như quan tâm các mặt kinh tế y tế, đạo đức y học – trọng tâm là phục hồi mối quan hệ giữa người với người qua cải thiện tiếp xúc giữa thầy thuốc với bệnh nhân và đẩy mạnh việc phòng bệnh cũng như nâng cao sức khỏe của cộng đồng. Phương pháp dạy có nhiều đổi mới: giáo dục chủ động, nhóm nhỏ với sự kèm cặp (tutorial) rất sát, lấy sinh viên làm trọng tâm. Mỗi nhóm sinh viên từ 5 đến 7 người được giao cho 3 vị thầy (một về y học xã hội hoặc tâm lý, một về nội khoa và một về các chuyên khoa khác). Sinh viên được kèm cặp suốt bốn năm học và thi không chỉ lấy điểm làm bài mà còn thông qua sinh hoạt nhóm nhỏ này. Kiểu học kèm cặp dựa trên vấn đề (problem-oriented) và dựa trên các trường hợp cụ thể (case-based tutorial) giúp sinh viên không bỡ ngỡ khi tiếp cận thực tế, cách nhìn người bệnh toàn diện, không chỉ chú trọng về mặt sinh lý, bệnh tật mà cả về mặt tâm lý, xã hội của cá nhân cũng như của cộng đồng, đan xen lâm sàng và cận lâm sàng để không tách con người thành nhiều “mảnh vụn”. Với phương pháp này, người sinh viên phải tự học rất nhiều chứ không chỉ học những điều thầy dạy. Sinh viên được khuyến khích tranh luận, đưa ra những nhận xét cá nhân; phải đọc nhiều tài liệu bên ngoài những tài liệu hướng dẫn của thầy và nhà trường. Sinh viên còn buộc phải đọc thêm cả những tác phẩm văn học có liên quan đến “kiếp người” như của Joyce, Conrad, Tolstoy, Camus, Kafka, Williams…

Nhưng môn quan trọng mà trường rất tự hào đã đưa vào chương trình mới chính là: quan hệ thầy thuốc – bệnh nhân (patient –doctor course), dạy suốt bốn năm ở trường, mỗi tuần vào một buổi chiều. Môn học này gồm những buổi tiếp xúc bệnh nhân ở lâm sàng (bệnh viện, phòng khám tư của các giảng viên), còn kèm cặp trên các ca bệnh điển hình và tiếp xúc người bệnh, học cách phỏng vấn, hỏi bệnh sử, làm bệnh án, tìm hiểu các vấn đề tâm lý, hoàn cảnh xã hội của bệnh nhân và gia đình, cách giải thích nguyên nhân gây bệnh của bệnh nhân, mối giao tình giữa thầy thuốc với bệnh nhân và giữa gia đình với người bệnh…

Các nhà thiết kế Chương Trình Mới rõ ràng muốn đào tạo những người thầy thuốc vừa kỹ thuật vừa nhân văn. Chính vì thế, chương trình không chỉ lấy cử nhân khoa học (BS) mà lấy cả cử nhân văn chương (BA) vào học, miễn là có đủ số chứng chỉ bắt buộc về sinh học, hóa học, vật lý học. Có những sinh viên vốn là họa sĩ, nhà báo, nhà tâm lý, nhân viên xã hội, nhà nhân chủng học… đã trở thành các thầy thuốc qua chương trình New Pathway này.

Hơn 40 năm trước, khi chúng tôi thi vào trường Y, ngoài các môn toán, hóa, sinh, ngoại ngữ, còn phải trả lời 20 câu hỏi về kiến thức tổng quát như ai là thầy thuốc giỏi thời Đông Châu liệt quốc, thời Tam Quốc, cuộc đời Hải Thượng Lãn Ông, Hippocrate, và đặc biệt về giá gạo và giá than trên thị trường lúc bấy giờ… Ngày nay thí sinh chỉ phải thi 3 môn: Toán, Hóa, Sinh. Và dĩ nhiên, toán sẽ là môn quyết định!

BS Đỗ Hồng Ngọc
Category: Nghiên cứu khoa học, giảng dạy | Tags: Bớt kỹ thuật thêm nhân văn…, Bot ky thuat them nhan van..., BS Đỗ Hồng Ngọc, BS Do Hong Ngoc, Thay thuoc, Thầy thuốc
You can follow any responses to this entry through the RSS 2.0 feed. You can leave a response, or trackback from your own site.
6 Responses

1.
hahahana nói:
31/08/2010 lúc 5:41 chiều

có lần vào Thư viện, trong lúc tìm tài liệu con vô tình thấy 1 cuốn sách về danh nhân y khoa của Thế giới, cuốn sách xuất bản khá lâu và tất nhiên nó còn… mới tinh. Đọc được vài “ông” trong số mấy ngàn vị, con nghỉ vì không biết đọc để làm gì bởi chắc chắn cả thi lý thuyết và lâm sàng không ai hỏi tên thật cuả Hải Thượng Lãn Ông… điều đó đồng nghiã với việc nếu ngày xưa thi Y thì con đã rớt từ vòng… gửi xe rồi, hú hồn :P
2.
Ái việt nói:
01/09/2010 lúc 11:09 sáng

Thầy thuốc bây giờ – bao giờ cũng “đòi” bệnh nhân phải làm đủ các CLS (dù rằng có khi rất thừa) mà ít hỏi bệnh để có được một chẩn đoán cụ thể trên bệnh của bệnh nhân.
Bác sĩ thường tìm và đòi hỏi những triệu chứng “hoàn hảo” như trong sách vở hơn là một bệnh thực tế, một biểu hiện ban đầu … Vì thế, dù có đủ các dữ kiện nhưng vẫn phải điều trị bao vây; và bó tay với cái “tâm bệnh” kèm theo của bệnh nhân.
Làm sao đây anh?
3.
HC ninh hoa nói:
01/09/2010 lúc 1:49 chiều

Newton làm việc suốt ngày trong phòng thí nghiệm. Ông không muốn tiếp bất cứ ai trong giờ làm việc ngoại trừ mẹ con cô mèo. Ông dặn người giúp việc đục hai lỗ tròn trên vách ván. Cái lớn dành cho mèo mẹ. Cái nhỏ dành cho mèo con . Tất nhiên cái “cửa nhỏ” bị thừa vì cả hai mẹ con luôn cùng nhau chui qua cái “cửa lớn”.
Mọi người thường lấy câu chuyện này để chế nhạo tính đãng trí của các nhà khoa học. Họ có thể tính toán nhưng việc cao siêu nhưng không giỏi tính những việc thực tế bé nhỏ hàng ngay?
Tôi không nghĩ vậy.
Tôi cho rằng Newton khi nghĩ về chú mèo con ông nghĩ bằng trái tim chứ không nghĩ bằng khối óc vĩ đại của ông . Ông đã lo lắng cho chú mèo con bằng tâm hồn thơ trẻ của đứa bé lên năm .
HC ninh hòa
4.
TTM nói:
03/09/2010 lúc 8:28 sáng

Nghe hahahana viết: “điều đó đồng nghiã với việc nếu ngày xưa thi Y thì con đã rớt từ vòng… gửi xe rồi, hú hồn.”

Cũng thấy tí “buồn, lo” đó …. nhưng không sao, vì đều là thế hệ ưu việt mà, nên ngay từ bây giờ cố gắng lên vẫn còn kịp đó bạn nhỏ ơi!!!
5.
Bac Si Do Hong Ngoc nói:
05/09/2010 lúc 8:19 sáng

Mới gặp lại Thầy Huệ Tánh ở PT. Nhắc TTM thầy nhớ ngay, còn “tả” dáng người và nói nó học giỏi lắm, nhứt nhì gì đó. Thầy nhắc một loạt 4.5 người học trò cùng lớp. Thầy rất dễ thương, 83 tuổi, mà rất “tếu”. Thầy nhắn TTM, sổ sinh hoạt hiệu đoàn thầy còn giữ!
6.
TTM nói:
06/09/2010 lúc 4:47 chiều

Trời! đọc tin của BS mà M cảm động quá BS ạ! Cám ơn BS đã đưa tin nhé.

Năm đó, gần ba mươi năm sau giải phóng M mới đi tìm thầy, tiếc là thầy đi vắng, từ hôm note vào trang của BS đến nay M vẫn chưa có dịp trở lại PT để tìm thăm thầy nữa.
Sẽ cố gắng sắp xếp để trở về thăm thầy…

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn từ đâu đến..



Bạn từ đâu đến bạn ơi!
Đến thì nhớ nhé đôi lời thăm nhau..

free counters


Pageviews: 374,323 - 23/09/2016

Sắc tím Đài Đông

Sắc tím Đài Đông

Sương khói




Suy tư vầng trán thêm gầy
Em ơi! khói thuốc vàng tay vẫn buồn..





Và mây vẫn trôi giữa dòng đời.......
................ bụi bặm...
..... Người đi qua đời.. chợt.. ...
............cũ đến chẳng còn quen.......
................. TTM