Bạn thân,
Cảm ơn bạn đã gởi tôi bài “Dâu Tây dạy con, mẹ chồng đại khai nhãn giới” gần đây thấy tranh luận nhiều trên mạng và hỏi tôi nghĩ sao về chuyện này, khi tôi vừa mới có bài viết “Thương cho roi cho vọt”…
Chuyện “Dâu Tây dạy con…” có thể tóm tắt như sau:
Peter 3 tuổi, mỗi sáng, phải tự mình leo lên ghế, uống sữa, ăn bánh sandwich, tự về phòng tìm quần áo trên tủ, tự mình mang giày, bất kể chưa phân biệt trái hay phải. Có lần, Peter mặc ngược chiếc quần, bà nội (Ta) vội vàng chạy đến , nhưng Susan (dâu Tây) cản lại, nói: Nếu nó cảm thấy không thoải mái tự nó cởi ra, mặc lại, nếu nó thấy thoải mái, tùy”. Cả ngày đó, Peter cứ mặc quần ngược chạy tới chạy lui, Susan như không thấy gì hết. Khi Peter chơi với Lucy 5 tuổi, bé hàng xóm một lúc về nói: “Mẹ ơi, Lucy bảo con mặc quần ngược, đúng không?” Susan mỉm cười nói: “Đúng vậy, con có muốn mặc lại không?” Peter gật đầu, tự mình cởi quần ra, xem tỉ mỉ rồi mặc lại. Từ lần đó về sau, Peter không bao giờ mặc ngược quần nữa.
Một buổi trưa, Peter giận dỗi, không chịu ăn cơm. Susan la rầy mấy câu, Peter giận đẩy khay cơm xuống đất. Susan nhìn Peter, giọng nghiêm khắc: “Xem ra con đúng là không muốn ăn thật! Nhớ lấy, từ giờ đến sáng mai, con không được ăn gì hết.” Peter gật gật đầu, kiên quyết trả lời: “Yes!”. Buổi chiều, Susan nhờ tôi nấu món ăn Việt Nam thật ngon cho bữa tối . Bắt đầu bữa cơm tối, Peter vui mừng nhảy lên ghế ngồi. Susan đến lấy đi dĩa và nĩa của con, nói: “Chúng ta giao ước rồi phải không, hôm nay con không được ăn gì hết, chính con cũng đồng ý rồi đó.” Peter nhìn nét mặt nghiêm khắc của mẹ, “òa” lên khóc: “Mẹ ơi, con đói, con muốn ăn cơm.” “Không được, nói rồi là phải giữ lời.” Susan không một chút động lòng.
Tôi thấy đau lòng muốn thay cháu cầu xin, nói đỡ lời, nhưng thấy ánh mắt ra hiệu của con trai tôi và lời dặn khi tôi mới sang thăm: “Ớ nước Mỹ, lúc cha mẹ giáo dục con cái, người ngoài không nên nhúng tay, bất kể là trưởng bối cũng không ngoại lệ.” Không còn cách nào, tôi chỉ còn giữ im lặng mà thôi. Bữa cơm đó, từ đầu đến cuối, Peter tội nghiệp mắt trưng trừng nhìn ba người lớn chúng tôi ăn. Buổi tối, Susan chúc Peter ngủ ngon. Peter dè dặt hỏi: “Mẹ ơi, con đói lắm, giờ con có thể ăn món Việt không?” Susan mỉm cười lắc đầu, kiên quyết nói: “Không!” Peter nuốt nước miếng, lại hỏi: “Vậy để con ngủ dậy con được ăn chứ?” “Đương nhiên được rồi”, Susan thật dịu dàng khẽ đáp. Sau bài học này, Peter rất tích cực ăn cơm.
Chưa hết, chuyện còn kể có lần Peter chơi với bạn, “ bất ngờ, Peter tinh nghịch cầm cái nồi bằng nhựa lên, đập rất mạnh lên đầu một cô bé. Cô bé bần thần một lúc trước khi oà khóc thật lớn. Sau khi hiểu được đầu đuôi sự việc, Susan không quát nạt một tiếng, cầm lấy cái nồi ấy, gõ mạnh một cái lên đầu Peter. Peter không phòng bị, té ngã xuống bãi cỏ, khóc nức nở. Susan hỏi Peter: “Đau không? Lần sau có còn làm thế nữa không?”.
Lần khác, Peter làm đổ nước trên sàn nhà, Susan bắt con phải tự lau sàn nhà, thay quần áo ướt và tự giặt lấy. “Peter không chịu vừa khóc vừa la. Susan không nói thêm lời nào, lập tức kéo con đến phòng trữ đồ, đóng chặt cửa lại. Nghe từ bên trong tiếng khóc hoảng sợ của nó, tim tôi đau thắt lại, rất muốn chạy đến ẵm cháu ra. Bà ngoại (Tây) của Peter lại cản tôi, nói: “Đó là chuyện của Susan”.
* * * * *
Rõ ràng chuyện không thể tin được. Như ta biết, ở Mỹ, ông bà cha mẹ chỉ cần “bạo hành” với con cháu (dù chỉ bằng lời nói) cũng đủ cho nó nhắc điện thoại gọi cảnh sát tới bắt bỏ bót, huống chi là bỏ đói, đánh đập, hành hạ… như cô “Dâu Tây” này! Trừ phi cô dâu bị tâm thần! Nếu không thì bà mẹ chồng có “vấn đề”.
Dù sao thì bạn đã hỏi, nên cứ “bình luận” chút cho vui nhé. Tục ngữ ta có câu: “Thương cho roi cho vot, ghét cho ngọt cho ngào”, Ở đây ta không thấy có “thương” hay có “ghét”, chẳng roi vọt mà cũng chẳng ngọt ngào gì cả, nói khác đi không thấy có cái tình, chỉ thấy có cái lý.
Cái lý thể hiện ở đây là sự lạnh lùng, khắc nghiệt đến nhẫn tâm của người mẹ (giả sử vậy)- trong khi ở đứa bé thì hoàn toàn trái ngược, gần gũi với nhân tình(cận nhân tình): biết đói, biết khóc, biết hờn dỗi, biết sợ hãi, biết van xin, biết quậy phá, biết hối lỗi…
Nói khác đi, nhờ còn bé, nó “người” hơn. Khi lớn thêm chút nữa, nếu bị uốn nắn trong cái khuôn “ở bầu thì tròn ở ống thì dài”, nó chẳng sẽ nghiễm nhiên trở thành một người… lạnh lùng, sòng phẳng, khắc nghiệt hay sao?
Tiếng ta có từ “dạy dỗ”. Dạy phải dỗ, dỗ phải dạy. “Con hư tại mẹ cháu hư tại bà”. Người ta không nhắc đến ông. Khi nói con hư tại mẹ thì cũng có nghĩa là “con nên tại mẹ”. Nếu không có Mạnh mẫu ba lần dời nhà thì không có Mạnh Tử. Ở cô “dâu Tây” này ta thấy hình như có “dạy” mà không có “dỗ”. Cái “kỹ năng sống” mà cô dạy đó (nếu đúng vậy) chưa chắc đã mang lại điều tốt lành cho đứa bé về sau. Nó sẽ luôn sống trong sợ hãi, căm thù, đề phòng, thủ thế, cảm xúc bị dồn nén đợi ngày bùng nổ! Cũng có thể có một thời nào đó, có đôi gia đình nào đó cá biệt nó vậy! Cho nên ngành “Phân tâm học” (Psychiatry) phát triển mạnh ở Tây phương, nhằm gỉai tỏa ẩn ức của con người từ thuờ còn thơ.
Trẻ 3 tuổi mặc quần trái mà cứ để vậy, “miễn nó cảm thấy thoải mái” thì nó sẽ ở truồng cho thoải mái mãi tới lớn được không? Bé 3 tuổi chưa ý thức được thời gian bữa ăn trườu tượng đâu! Thời gian của nó là thời gian cụ thể, tùy theo nồng độ acid trong dạ dày làm nó cồn cào đói bụng, và nhu cầu năng lượng của nó thì rất cao, nên dễ dẫn đến loét bao tử! Cách dạy “ăn miếng trả miếng” sẽ gây “oán oán chồng chất” thôi. Nhưng vui ở đây là ông “bố Ta” hoàn toàn lạnh lùng, bỏ mặc, “không can thiệp”…
Nếu quả thật cô dâu Tây nào cũng “tâm thần” dạy con “kỹ năng sống” kiểu này, sẽ không lạ khi cha mẹ già, con “sòng phẳng” đưa cha mẹ vào viện dưỡng lão, và lâu lâu lại có những vụ nổ súng vào đám đông không vì một lý do nào cả…
Em đặt cục gạch đây chị nhé!
Trả lờiXóaPhong tục mỗi nơi một khác . Nhưng ở Tây trẻ con tự lập sớm hơn ở ta .Thích nghi vơi cuộc sống dễ hơn ta. Ở Vn mà con nhà giàu cáng khó thích nghi vì luôn có oshin hầu tận rằng. Hiiii
Trả lờiXóaCũng nên xem lại cách giáo dục của ta và của người nhỉ!
Trả lờiXóaKhông nên quá lạnh lùng khắc nghiệt, mà cũng kg nên quá chiều chuộng..
Mỗi nhà mỗi cảnh chị ạ. Nhiều bậc cha mẹ tuy cưng con nhưng cũng bấm bụng không chìu chuộng con để rèn cho trẻ tính tự lập. Nhưng cũng nhiều vị nuông chìu con trẻ thái quá, làm sinh tính ỷ lại.
Trả lờiXóaNghĩ lại, dạy trẻ đâu phải là dễ.