Chủ Nhật, 11 tháng 3, 2012

Nghĩ từ thơ Thái Kim Lan - Nguyễn Thị Hoàng -

http://www.talawas.org/talaDB/showFile.php?res=12138&rb=0101


Trong bài "Đọc "Lời Rêu" của Nguyễn Thị Hoàng", Anh Bulukhin có giới thiệu bài viết cuối của nữ văn sĩ Nguyễn Thị Hoàng: "Nghĩ từ thơ Thái Kim Lan". Thế là Cẩm Tuyến - chi2congdong và các bạn lại muốn xem bài này. Mình định chỉ xem để biết thôi, nhưng bạn bè muốn xem thì thôi đem về đây cùng xem và lưu ở nơi này.

Dưới đây là tập thơ của TS Thái Kim Lan Tôi để trong khung trượt cho ngắn, các bạn chịu khó xem nhé và đoãn văn của Nguyễn Thị Hoàng viết về "Nghĩ về thơ Thái Kim Lan".

Chúng ta cùng xem nhé!

TTM (Sưu tầm)
PP. Chủ nhật 11/03/2012





Thơ :: 15.07.2007

Thái Kim Lan
Lạnh hơn xứ mình





Thơ :: 15.07.2007

Thái Kim Lan
Lạnh hơn xứ mình


„… Thái Kim Lan không giản đơn chỉ là người chuyển tải tư tưởng Á đông đến với nước Ðức, Thái Kim Lan cũng không đơn thuần chỉ là người phiên dịch giữa các nền ngôn ngữ và văn hóa, mà thật ra Thái Kim Lan đang thực hiện một động tác quân bằng (Balanceakt), biểu hiện một tổng hợp riêng tư, rất cá biệt nhưng đầy sáng tạo hướng đạo. Tổng hợp này không phải là động tác giản đơn choàng lên những ý niệm Á đông bằng tấm áo Ðức quốc, cũng như không phải là cuộc phiên dịch những bài thơ tiếng Việt sang tiếng Ðức mà chính là cuộc thử nghiệm khởi từ nỗi căng thẳng thường trực mà tác giả đã trần thân giữa giòng sống hiện tại. Chính trong sự căng thẳng này tác giả tìm cách phác hoạ (entwerfen) nên một điều gì đó và điều ấy không đơn giản chỉ là sự khơi dậy cái „bên kia“ (Heraufbeschwören des „Dortigen“) cũng không là sự ngụp lặn vào trong cái „bên này“ (Eintauchen in das „Hiesige“), mà là một căng thẳng giữa hai đầu thế giới, chính từ đó nảy sinh đặc điểm riêng tư và nét tân kỳ của tác phẩm.“

Irmgard Ackermann


Thái Kim Lan
Lạnh hơn xứ mình


(tập thơ song ngữ Đức - Việt)

Dành cho con gái Mai Lan Minh Hạnh Tường Nhi


Lời cám ơn dành cho:

Người bạn gái quá cố E. Weinberg, mà sự lắng nghe chăm chú của chị đã cho tôi niềm vui, tiếp tục viết,
Nữ giáo sư I. Ackermann đã viết lời nói đầu đầy hiểu biết và thông cảm,

Tiến sĩ W. Böhme, người đã khuyến khích cho tôi tự tin và mạnh dạn đưa những bài thơ này xuất hiện với bạn đọc.


Lời dẫn của Irmgard Ackermann [1]

Thái Kim Lan làm thơ bằng tiếng Ðức, điều đó không có nghĩa đơn giản rằng, tác giả đã diễn dịch từ tiếng Việt sang tiếng Ðức, cũng không có nghĩa tác giả đang thuần tuý chuyển mình đi đứng trong những hình thức diễn tả Ðức ngữ. Ở đây quả thực ta nghe được một âm điệu mới mẻ và cá biệt mà mãi đến bây giờ ta chưa từng được nghe.

Ðiều gì làm nên thể cách riêng tư của những bài thơ này? Và làm thế nào giải thích được sự thu hút đến từ những ý thơ ấy?

Trước tiên, ở đó là ngôn ngữ, một thứ ngôn từ để cho ta lắng nghe. Ngôn ngữ ấy không rắc rối nhưng lại thật cô đọng, hoàn toàn khác lạ với lối diễn tả khiên cưỡng hay thử nghiệm âm lời cũng như xa hẳn tính thường nhật khuôn sáo. Có lẽ chính do sự kiện „viết trong một ngôn ngữ xa lạ“ làm cho sự cân nhắc dò dẫm những phương tiện sử dụng tiếng nói được ý thức rõ hơn, đồng thời những khả năng bất ngờ, bất thường tự bộc phát, trong lúc người nói tiếng mẹ đẻ thường thường lại không bắt gặp được một cách tự nhiên như thế. Khi „cô đơn trở nên dược đơn“ (die Ein-samkeit zur Heil-samkeit), khi „cây già trong sân u tối bừng nở hoa tuyết“ (der alte Baum im dunklen Hof schneeblumig aufblüht), khi „tất cả - chỉ một-mình-thôi“ (all-ein-sein) - „cô đơn“ - đang được khao khát hay khi „chú chim giật mình bắt đầu kể chuyện theo nhịp nhỏ giọt“ (der verschreckte Vogel fängt an, tropfenrythmisch zu erzählen), thì chính tính bất thường của những thuật ngữ diễn tả làm cho người đọc dừng lại, đọc thêm một lần nữa, và có lẽ đọc thêm hơn một lần, cho đến khi ý nghĩa đàng sau bừng sáng, ý nghĩa thường dễ bị đọc lướt qua trong cấu trúc chữ nghĩa quen thuộc. Không chỉ những kết cấu từ ngữ khác lạ mà ngay cả lối sắp đặt các chữ trong câu („xin đừng dùng quá nhiều khái niệm tuyệt đối từ kho tàng tiếng Ðức“) hay những tương quan cú pháp (syntaktisch) còn để ngỏ („đi nát chân một nửa vòng trái đất chừ ở nhà“) có thể gây nên những tác động ấy, nếu người đọc chịu đi vào cuộc thử nghiệm đặt mình nằm trong trạng thái lơ lửng và từ khước những đóng khung chặt chẽ minh xác.

Cũng thế bên cạnh nhiều dấu hiệu của thế giới quen thuộc và thường nhật, ngôn ngữ tượng hình trong thơ đã đem đến sự nới rộng các hình ảnh hơn chính hình ảnh. Những hình ảnh này thật sự không phải là hiển nhiên đối với người đọc Tây phương, ví dụ những cây long nhãn, những tàu lá chuối hay con chuồn chuồn đỏ, những hình ảnh nêu bật tính „exotique“ và vẻ tráng lệ, cũng như những đóa hoa sen cho ta thấy thế giới quan của đạo Phật. Nhưng không chỉ những ảnh tượng thay thế „exotique“ ấy biểu thị cho ta biết bối cảnh tối hậu „xa lạ“, mà chính ngay cả những hình ảnh có vẻ quen thuộc và thường ngày đối với chúng ta, như cơn mưa hay những đoá trà mi cũng đều gây ấn tượng như thế. Chỉ khi lắng nghe một cách kỹ càng hơn, ta mới ý thức được rằng những hình ảnh này hoàn toàn không báo hiệu các sự vật quen thuộc nào, mà lại nhận ra rằng trong các hình ảnh ấy, thật sự những ý tưởng phương Đông đã tìm được một lối diễn tả đậm đặc, cô đọng: cơn mưa, được tác giả nêu ra trong nhiều bài thơ, có một thế đứng giá trị khác hẳn với khung trời trong vĩ độ của chúng ta: cơn mưa được cảm nhận như sứ giả của quê hương, làm cho người đi xa có thể chịu đựng được sự xa nhà. Nước mưa đem đến an lành và tươi mát và có thể trở thành một sự truy nhận mà ta có thể hiểu được trong nhiều ý nghĩa như là „về-nhà“ (zuhausesein). Cũng thế, đóa trà mi không chỉ là một đóa hoa nào đó mê hoặc ta bằng vẻ đẹp và hương thơm, mà là ảnh tượng (Bild), trong đó „hương thơm quen thuộc của đóa trà mi nhỏ bé kín đáo“ trở thành kẻ dẫn đường trở về thời trẻ dại, một xác nhận của hạnh phúc „ở-nhà“ („vườn bà nội“).

Và cuối cùng là thế giới ý tưởng trong các bài thơ; cũng như ngôn ngữ và thế giới ảnh tượng, thế giới ý tưởng thoạt tiên khởi đầu bằng những ý niệm quen thuộc đối với người Tây phương: những khái niệm có tính triết học và khoái cảm thích lý luận, một mặt đã tạo nên một mũi tên hướng dẫn cho nhịp cầu thông cảm, nhưng mũi tên kia lại chỉ về một hướng khác, hướng của thế giới quan Phật giáo, dẫn đến cuộc sống theo ý niệm „nghiệp“ trong „trở lại với Thiền“. Thật dễ dàng để cho rằng những động lực thúc đẩy thật sự nơi các lời bày tỏ trong thơ đều đến từ thế giới quan đạo Phật, nhưng cũng tương tự như trong cuộc cộng sinh ngôn từ (in der sprachlichen Symbiose) và trong sự quyện lẫn vào nhau của những thế giới ảnh tượng Ðông - Tây nói trên, sẽ rất ngắn ngủi nông cạn khi nói về ý tưởng của các bài thơ nếu chỉ muốn hiểu những bài thơ này đến từ bối cảnh tối hậu Á Đông của chúng:

Thái Kim Lan không giản đơn chỉ là người chuyển tải tư tưởng Á đông đến với nước Ðức, Thái Kim Lan cũng không đơn thuần chỉ là người phiên dịch giữa các nền ngôn ngữ và văn hóa, mà thật ra Thái Kim Lan đang thực hiện một động tác quân bằng (Balanceakt), biểu hiện một tổng hợp riêng tư, rất cá biệt nhưng đầy sáng tạo hướng đạo. Tổng hợp này không phải là động tác giản đơn choàng lên những ý niệm Á đông bằng tấm áo Ðức quốc, cũng như không phải là cuộc phiên dịch những bài thơ tiếng Việt sang tiếng Ðức mà chính là cuộc thử nghiệm khởi từ nỗi căng thẳng thường trực mà tác giả đã trần thân giữa giòng sống hiện tại. Chính trong sự căng thẳng này tác giả tìm cách phác hoạ (entwerfen) nên một điều gì đó và điều ấy không đơn giản chỉ là sự khơi dậy cái „bên kia“ (Heraufbeschwören des „Dortigen“) cũng không là sự ngụp lặn vào trong cái „bên này“ (Eintauchen in das „Hiesige“), mà là một căng thẳng giữa hai đầu thế giới, chính từ đó nảy sinh đặc điểm riêng tư và nét tân kỳ của tác phẩm.

*

Thay lời nói đầu

Hôm nay mưa thu trở lại sau những ngày nắng chói, như một niềm an ủi bời bời cảm xúc buồn vui. Trái tim phập phồng nhói đau theo từng nhịp mưa hối hả đập vào cửa kính.

Mưa! Làm mưa, ước là mưa đã theo tôi từ thuở gặp mưa, quên mình đi trong dòng vô thức, ru mình trong chuỗi rơi, rơi xuống mãi hoài, mà chẳng có một tiếng „để làm gì?“ xa lạ với từng giọt mưa vọng lên trong triền miên ấy.

Mưa, hè nghiêng cơn sốt man man, tôi thấy mình mơ, mơ đạp cương trên cuộc đời dong duổi từ muôn kiếp đến đây. Trong cơn mưa này cũng như trong mỗi cơn mưa kia giữa cõi đời, tôi ngồi nhìn mình đội mưa, đi vào cõi lênh đênh, vẽ tròn một vòng trái đất, tròn và trong như mỗi giọt mưa đang rơi vào biển rộng, không lời… như mỗi giọt mưa từ trời chạm đất, ngân vọng tiếng vang vũ trụ đời đời…

Mưa từng giọt, thời gian chảy vào không gian, mưa từng giọt… gần xa quấn quýt, mưa từng giọt… dìu nhau già-trẻ, mưa từng giọt… chan chứa buồn-vui.

Cùng với tiếng mưa rào rạt, tôi chập chờn trong cảm giác hạnh phúc gặp lại cố tri, ngỡ như mưa từ hàng triệu năm hối hả đến bên, ngỡ như mưa chạy cùng trái đất rơi về, cũ như hơi đất mùa mưa, mới như thoáng gió mưa xuân. Trong mưa tôi không chỉ gặp riêng thời non dại, mà còn thấy được nguồn cơn mọi nẻo địa cầu. Trong mưa ôm hoài nhớ nhung, trong mưa đắng cay xởi lởi ngọt bùi, trong mưa luyến lưu hồn đợi, muội mê long lanh chợt tỉnh, trong mưa bỗng thấy ngày xưa, bồi hồi chưa xong đã tràn mộng mị…

Chìm lỉm trong tiếng lao xao, tôi ngỡ mình đang ôm trái đất vào lòng, quay theo trái đất, rảo bước trên đất, theo mưa mà bay, theo mưa mà rơi, theo mưa mà vô cùng trời đất… Để rồi, một mai, chẳng có nơi đâu là chốn xa nhà…


    Gặp gỡ số 1

    đêm đầu tiên
    ở xứ lạ
    trước bức tường lạ
    trong chăn chiếu lạ
    thao thức
    bôi
    trắng
    đêm
    dài

    sớm mai
    cơn mưa
    chợt đến
    có phải tiếng chân ai
    rảo bước
    từ
    chốn quê xa?


    Nói với người bạn Đức

    từ từ, từ từ
    anh yêu
    xin đừng
    lớn tiếng
    trong ngôn ngữ yêu thương
    xin đừng
    dùng quá nhiều
    khái niệm tuyệt đối
    từ kho tàng tiếng Đức
    bởi vì
    em vẫn còn là
    đứa trẻ
    trong tiếng của anh
    và rất thích
    bắt nọn anh
    từng lời.



    Mưa sáng ở xứ người

    Con chim nào bơ vơ
    hát không nhà
    đón buổi sáng nhạt nhòa
    ướt giọng
    thở than
    làm tôi giật mình
    tỉnh giấc mơ
    đoàn viên
    để khổ thân
    tôi
    lại
    chèo queo
    nằm đếm
    thêm
    một
    ngày
    mưa
    nữa

    xứ
    người.




    Xuân sớm

    Mặt trời
    đã xuống
    bên kia núi
    Đêm lưa thưa
    Bay lên
    tận trời vàng.
    Còn lại
    chú chim nhỏ trong sân
    mải mê hát
    ấm-thời-gian
    vào
    mùa xuân
    bất tận



    Mùa xuân

    Mùa xuân
    đã nảy mầm từ đất
    Cỏ non xanh
    sờ nhẹ
    chân trời xanh
    Khu rừng thưa
    run mình
    trong ánh hồng
    trăng non
    bừng chuyển nghiệp.



    Buổi sáng bên hồ

    Sao hôm
    Ngái ngủ
    Lơ lửng
    Trong hồ
    Mờ sương
    Chuồn chuồn
    Đỏ cánh
    Nhẹ lay
    Hoa súng
    Giật mình
    Tỉnh giấc
    Mơ đêm.



    Chiều bên hồ

    Gương mặt hồ
    lành
    như mặt Phật
    Hoa súng
    còn ngậm trên môi ướt mọng
    nụ cười Mona Lisa.
    Con chim én
    trễ đàn
    chao vội đầu vào nước trong
    múc theo ánh sáng
    chòng chành cánh
    lướt nhanh
    về nhà.



    Hạ mưa

    Mưa chiều
    xanh mướt
    trong vườn Ăng-lê
    cỏ nhạt nhoà
    rưng rưng giọt nắng cuối
    trên đầu ngọn gió
    bên bờ suối
    cặp tình nhân
    ru nhau
    êm ái
    trong
    vòng tay
    mải mê



    Mùa hè I

    Một nửa đời
    vu vơ đồng nội
    mặt
    ngửng
    đón nắng trong
    bỏ lỏng
    con tim
    chìm mất tăm
    vào màu xanh tháng Sáu

    nghe
    tất cả-một-
    mình ta



    Mùa hè II

    Quả xơ-ri tháng Sáu
    nửa xanh
    nửa đỏ
    ánh sáng lục
    lá say mặt trời
    ngại ngần
    khổ
    vui



    Thu mưa

    Những nụ hồng cuối mùa
    gục đầu
    thương nhớ
    hè qua
    - mưa
    rơi
    trên
    mưa -
    bỗng
    nghe
    mùa trở
    lạnh hồn
    thu không



    Tiết thu

    Ngọn lá đỏ
    bay
    trở lại
    bầu trời xanh
    trong hồ
    hân hoan -
    - an lành
    đưa tôi
    qua bờ
    bên kia



    Lại mưa thu

    Này em
    có nghe
    màu xanh
    xao xuyến
    trên cành
    còn say nắng hạ
    mưa thu về
    rào rạt
    cho trọn tình
    hè đi



    Thời gian

    Thời gian
    lay động
    màu vàng
    lồng lộng
    chảy tràn
    lá xanh
    hoà thành
    khúc ngân
    mùa thu



    Ca vịnh* mùa xuân

    I.

    Của năm
    đêm dịu dàng
    nàng trăng non
    đúng hẹn
    tô nét cong đầu tiên
    cho đôi mày thanh tao
    chào đón
    xuân sang.

    II.

    Của ngày
    vừa thức dậy từ đêm đông dài
    bỗng
    nghe màu đỏ nứt ra
    trên cành
    làm đẹp
    gương mặt
    trẻ măng
    hồng
    xuân sớm

    III.

    Vào giờ trời
    hạnh ngộ
    đất hạ sinh
    bướm bay về
    trên cây
    thêu hoa
    tấm áo
    xuân xanh

    IV.

    Vào trưa
    trong nắng
    tưng bừng lân tinh
    Chú chim hồi hương
    hối hả tìm
    dấu vết tổ ấm xưa
    trên mái rêu phong
    ngoài ngõ
    mùa xuân
    reo chuông
    báo giờ
    đến rồi!

    * Từ tiếng Đức „Frühschoppen“: người Đức có tục lệ rủ bạn bè đi uống bia hay rượu vào buối sáng trong nhà hàng, gọi là „Frühschoppen“. Tác giả dùng chữ này trong liên tưởng đến các buổi thưởng xuân của các nhà nho xưa tại Việt Nam, vừa uống rượu vừa làm thơ, các bài thơ được sáng tác liên hoàn về một đề tài.



    Tuyết đầu tiên

    Trong đêm sâu
    máu trào lồng ngực
    tim bồi hồi
    chẳng hiểu vì sao
    hoá ra
    cây già -
    trong sân u tối -
    bừng nở hoa tuyết
    lặng lẽ sáng ngời
    buổi sớm mai



    Một bức thư không bao giờ gửi

    Anh có biết, khi
    nấu món
    chi ngon,
    là mỗi lần
    em tiếc
    anh không còn thưởng thức,
    tiếc không bao giờ nữa
    nấu cho anh,
    em nhớ
    nỗi thích thú, niềm vui trong mắt anh
    mỗi khi nhìn thấy món ăn ngon bày sẵn.



    Hoài niệm

    Tháng Sáu nghiêng đi
    cơn nóng dậy thì
    hâm hấp nồng dưới mái
    trời đất gần nhau
    ý bỗng quay về
    thời ấy.
    Một buổi trưa
    tháng 11
    tuyết bay
    trên đường Theresien
    bầu trời mất đi
    trong hư vô mù mịt.
    Một người quen còn lạ
    lên đường
    Còn mình
    trở lại nhà,
    đục vào chăn,
    mơ mộng, vấn hỏi, đợi chờ
    bơ vơ và bình an và hạnh phúc
    và khổ sở và cô đơn.
    Ngoài kia
    trời tối mau
    như thường
    vào buổi xế trưa
    tháng Mười Một
    Chuông điện thoại reo
    từ xa
    nghe có tiếng:
    „Em, anh yêu em!“



    Bài thơ tình

    Những ngày
    tình yêu chúng ta
    Em đếm
    nơi những bức điện tín phát nhanh
    „Chào em, em yêu,
    một nghìn cái hôn…
    Anh của em“
    „Em, Anh nhớ em
    một nghìn lần hôn.
    Anh của em“
    „Em, Anh nhất định phải cưới em,
    một nghìn lần hôn.
    Anh của em“
    „Em, lúc nào chúng ta cưới nhau?
    một nghìn cái hôn.
    Anh của em“…
    Thế rồi có lần
    tiếng bấm chuông
    của người phát thư
    im bặt
    và tôi bắt đầu
    ngồi đếm
    những nụ hôn
    không khí
    chưa đếm kịp
    cho đến khi
    hình ảnh Anh
    nhạt mờ…



    Viết cho những người bà con di tản

    Người láng giềng mới ngồi ngủ gật đối diện
    hôm qua bà ta vừa nhập trại
    rõ ràng bà ấy
    còn nhầm lẫn ngày
    bên Tây
    với đêm bên Đông
    bởi vì tối nay
    trong đêm khuya khoắc
    nghe lục đục mãi sau tường bên kia
    tiếng đóng mở va li liên tục
    người đàn bà trẻ khóc nức nở
    trên từng món mang theo
    đầy kỷ niệm
    Và cùng với bà
    trong giường bên này
    tôi đã lại trải qua
    cái đêm thức trắng đầu tiên
    nơi xứ người.



    Thiên luận về một câu chuyện tình

    Trước đây nhiều năm,
    thuở ấy,
    phòng giảng số 101
    lần đầu tiên
    thấy nhau
    trẻ
    xa lạ
    trong mây mù khói thuốc
    và tiếng rì rầm của những người sinh viên khác
    trước mặt
    ông giáo sư già với mắt kính dày cộm
    vẽ trên tấm bảng xanh
    những vòng tròn kỳ lạ
    giảng giải môn
    tri thức luận…
    Chúng ta gặp nhau
    hướng tri thức ấy
    Và khi tôi, người nữ sinh ngoại quốc duy nhất
    trong phòng giảng,
    ngoái lui nhìn,
    như tình cờ
    tôi bắt gặp
    nụ cười ấm áp
    trên gương mặt hiền có chút khổ đau
    từ đó
    gặp nhau thường hơn
    trong các phòng giảng
    trong Aula, và còn ở đâu nữa trong trường
    thỉnh thoảng
    tình cờ ngồi bên nhau
    đọc chung quyển sách
    trong giờ nghỉ ngắn
    dần dà
    biết thêm
    anh là ai và
    tôi từ đâu đến
    còn rất ít
    nhưng cũng thật nhiều.
    Như những con suối nhỏ gặp nhau, như những mẫu tự làm nên lời nên câu…
    trong quyển sách
    chúng ta cùng đọc
    Đó là
    „Hiện hữu và hư vô“
    đưa chúng ta vào sâu
    câu chuyện
    quán cà phê
    gần Siegestor ấy
    quanh ta thế nào nhỉ?
    Chỉ nhớ
    khí trời hôm ấy là „bayerisch“*
    - Föhn -
    nắng quái lạ lùng
    sáng thủy tinh
    pha nỗi nhớ
    nhói thần kinh
    nắng nhức đầu hoài cảm
    Em hỏi tôi
    Sau này muốn thành gì
    Và Anh?
    Anh cười e ngại
    Tương lai
    Ai biết
    Em sợ
    Tương lai
    Xa quá, khó tiên tri
    Anh không
    Tôi cũng không
    Cả hai còn trẻ quá
    Đang ở trên đường dài học biết…
    miệt mài môn triết…
    Hôm nay
    lại ngồi trong quán cà phê
    - một quán cà phê sinh viên nào đó -
    Chúng giống hệt nhau…
    Nhiều năm đã trôi qua
    Em vừa thi xong môn cuối.
    Tương lai em chừ rõ ràng
    phơi ra ánh sáng
    - quái thật, mùi cà phê này!
    Chén trà, tiếng ồn ào, những người,
    những cử động
    những bóng dáng quanh tôi - hầu như cũng thế
    ngay cả ánh nắng nơi cửa sổ -
    cái thứ nắng trong vắt lạ kỳ kia -
    những ngày Föhn* - vĩnh viễn giống nhau -
    làm cho ta ngỡ
    đang ở quá khứ
    dù ngồi hiện tại
    Bí mật tương lai
    gương mặt ẩn dấu
    đã có lần làm tim tôi
    rung động
    nay lộ hình
    Chừ tôi biết „cái ấy“ là…
    chúng ta ở đoạn cuối bài tri thức
    Tri thức! Đó!
    Trong phòng Aula nhỏ
    tôi ngồi
    ngày phát bằng
    cái phòng này, cửa sổ này -
    những con mắt linh hồn thời sinh viên -
    Em đến trễ
    - như ngày trước, em đóng cửa đàng sau
    quay nhanh đầu
    tìm chỗ
    - chắc chắn không tìm tôi như ngày xưa -
    chúng ta đã xa nhau lâu rồi
    Em tiến đến gần tôi
    - lần này vẻ thờ ơ
    như đến với một người xa lạ
    - lạ không thể tả -
    Nhưng tôi thì tôi
    hôm nay
    tôi muốn
    nhìn tận mắt
    Tương lai của Em và của cả tôi
    đã làm cho chúng ta ham mê một thời
    thời trẻ ấy
    bây giờ già
    tương lai, một hiện tại xanh xao
    trong mắt Em
    tôi thấy
    lơ đãng một tương lai mới
    quá lạ cho tôi có thể nhìn vào.
    Lúc giã từ
    Tôi nói - ngược thói quen -
    „servus“*
    Bỗng một giây
    trong tôi
    trải ra
    nỗi yên lặng
    nghìn đời…

    * bayerisch: thuộc tính cách của vùng Bayern, miền Nam nước Đức
    * servus: tiếng dùng để chào hỏi hay nói tạm biệt thân thiện của người Áo và người xứ Bayern
    * Föhn : tiếng Đức, chỉ cơn gió nóng do thời tiết đặc thù của vùng Bayern



    Tại sao?

    anh muốn buộc em
    tại sao
    chúng ta không thể yêu
    như hai người yêu nhau
    không biên giới, không sở hữu
    như những đứa con của Olymp?
    - hay giận hờn mà cứ mãi bền lâu -
    nhưng
    anh nhất quyết buộc chặt em
    và gửi
    tình chúng ta
    vào địa ngục.



    Mâu thuẫn và đồng nhất

    kỳ lạ
    tôi bỏ đi
    đi xa
    khỏi vòng tay anh
    để nhớ anh
    quay quắt
    tôi sục sạo
    ở đâu đâu
    xa lạ
    để tìm được anh
    trong mình thật rõ
    nhưng khi tìm được
    anh trong tôi
    thì đã
    mất anh
    vĩnh viễn.



    Triết lý ba xu cho tình yêu*

    Tình yêu của người Đức thì…
    Như một cái hồ tuyệt diệu
    Anh (hay Em) nhảy ùm vào
    Và… đụng sỏi nơi… đít…
    Tình yêu của người Việt Nam thì…
    Như một con sông bí ẩn
    Anh (hay Em) lặn vào
    Và… không bao giờ nữa
    Anh (hay Em) cứu mình ra khỏi con sông

    * Hôm nay triết lý này đã bị lỗi thời!



    Người ta tìm thấy em bị giết

    Tôi còn nhớ
    Năm nào
    buổi chiều
    tháng Bảy nóng oi
    chúng tôi tìm thấy em
    trên tầng cấp
    đường München
    như một con chim bé xíu
    rời tổ mẹ lần đầu
    em đáp tới
    nước Đức
    tràn hi vọng
    và niềm tin
    và đam mê.
    Hôm nay tôi như thấy em
    vẫn còn ngồi đó
    một búp hoa non
    nồng nàn, tươi tắn, sáng và trong
    trên vai lấp lánh nắng quê hương
    trong mắt sáng hửng bầu trời vời vợi
    nơi mà em mơ bay đến
    tự do và say sưa
    bởi vì em có giờ
    có sức
    có lòng tin.
    Em đến nước Đức
    em đi đại học.
    nhưng thay vì học
    Em làm quen đời sống „thực“
    đời sống ở nước ngoài
    xa nhà ba má
    xa hẳn quê hương
    Em nhất quyết muốn hưởng tự do
    tự do - và cái tự do gì -
    tự do của con đom đóm
    trong ánh sáng hộp đêm.
    Ôi em, cô gái ngây thơ non nớt
    Em thích cười
    và cười quá đẹp
    tại sao em tìm nụ cười
    trong các hộp đêm?
    nơi những người ham em
    lạm dụng hơn yêu.
    Em bị lừa đi lừa lại
    Em, sinh vật nhiệt tình và nhân ái
    Em tưởng, có thể sống với người lạ
    như ở nhà em
    và ở nhà
    Em thấy mình như trong hoang đảo?
    Em ơi, em không nhớ
    Câu ca dao Việt Nam
    „Thân em như hạt mưa sa
    Hạt rơi xuống giếng, hạt sa ruộng đồng?“

    Tên Sở Khanh nào đã dẫn em đến cuộc sống này?
    cuộc sống nhẹ dạ nơi xứ người?
    Tại sao em thích gánh trên đôi vai nhỏ
    số phận nàng Kiều?
    trong thế kỷ hôm nay?
    Đóng vai Kiều
    nơi đất khách
    nơi không có một ngôi chùa
    đề linh hồn rách nát
    có lần được chở che
    nơi không có con sông Tiền Đường
    chảy qua giữa cuộc đời trôi nổi
    để trái tim trinh nguyên
    khoảnh khắc tìm lại được mình
    nơi không có nụ cười Quan Âm thị hiện
    cứu vớt Em ra khỏi trầm luân?
    Thì Em ơi,
    Em chỉ có thể tìm thấy tên sát nhân
    của chính mình mà khôn phương giải cứu.
    thì Em chỉ còn quị ngã
    trần truồng trên giường
    „đầy thương tích tìm thấy Em bị giết“

    Tin Em mất
    Cái chết tàn nhẫn
    đã xuyên suốt người tôi
    như một tia chớp
    Tim dại tê
    và hồn tôi mê sảng
    Thế là
    Em đến đây,
    nơi miền đất lạ
    để gặp kẻ sát nhân à?
    - thật phi lý ý nghĩ này -
    - mà lại kinh hoàng xiết bao, cái chết này -
    Làm sao tôi có thể
    đoán trước được
    vào buổi chiều hôm ấy
    trên gương mặt sáng rỡ của Em
    dấu hiệu này?
    Em, người con gái nhỏ bé
    tội nghiệp EM! Thương EM!



    Việt tính

    Tôi ước ao
    sẽ có
    một ngày
    mời tất những bạn Đức
    thời thanh xuân
    rồi nấu cho mỗi người một món
    họ đã thích một lần
    - chả giò dòn với rau húng thơm
    - thịt ba chỉ kho với nước màu Karamel
    - gà chiên dòn với mật ong
    thêm vào nước mắm tuyệt ngon
    vài giọt chanh chua
    và ớt thật cay
    rồi
    với giọng trìu mến
    tôi mời:
    „Hãy ăn đi, bé thương
    Hãy làm vui
    bằng ăn ngon miệng
    thiệt tình“



    Ở Bá Linh

    Mưa tháng Tư
    bên bờ Spandau
    làm ướt mi
    kẻ chia tay
    ngày mai
    mưa theo người đi
    qua biển
    để người ở lại
    cùng với giọt mưa rơi
    chết đuối
    trong hồ
    nhớ nhung



    Ở nhà

    Đi nát chân
    nửa vòng
    trái đất
    chừ về nhà
    rửa lành
    với
    nước
    mưa
    trong



    Mưa sáng ở Huế

    Ngoài song
    mưa hát
    sẽ sàng
    trên tàu chuối
    đong đưa
    trong sân
    con chim sâu
    thủ thỉ
    bên người trở về
    chuyện mái nhà
    mười năm
    xa cách.



    Vườn bà nội

    Giây phút
    gặp lại nhau
    Em đứng đó
    trong bóng mây bay trên cao
    lặng yên và bất động
    Em chưa chịu chỉ cho tôi
    những nét dễ thương của thời xưa
    những nhãn, vải, xoài, ổi
    thường xào xạc vẫy chào tôi
    từ vòm ngõ
    chúng đã bị đốn rồi bao năm trước
    cả chanh leo, đu đủ, thơm và chuối
    cũng bị bom tàn phá và chết vì chất độc
    chỉ còn những vết sẹo
    trên thân thể màu nâu
    mà ngày xưa tôi đã thích mặc áo
    bằng lá dừa và tàng đu đủ
    hay với lá trong vườn tuỳ mùa cây
    Hôm nay
    Em đứng đó. Xác xơ…
    câm nín và trống vắng
    như những đám mây bay hững hờ
    chỉ còn con nhện giăng tơ
    che tấm thân trần trụi bằng vỏ ve sầu
    ngay cả chú nhện cũng làm lơ
    không tiết lộ
    cho tôi lối cũ
    đã từ lâu cỏ dại mọc tràn
    mất dấu
    nếu
    không có
    mùi hương quen thuộc
    của đóa trà mi bé nhỏ
    kín đáo
    chỉ cho tôi
    lối đi về thời thơ dại.



    Tóc sâu của mẹ

    Mười ba năm
    nhịn tình mẹ
    ở xa
    về nhà
    nhổ tóc sâu cho mẹ
    trong sân im
    thủ thỉ
    tóc thơm
    mới tiếc
    đã ham đi
    để mất
    bao năm
    trong đời


    Nhớ chị

    Tấm gương cũ
    thời con gái
    còn treo
    nơi đó
    phòng xưa
    mà chừ đây
    nét chị cười
    hiền ơi
    trong ấy
    thôi… mãi
    không còn…


    Thư từ quê nhà gửi bạn Đức

    Trong thư bạn hỏi
    Tôi đã làm gì
    Từ ngày
    Trở lại quê hương?
    Thưa ở đây
    Trời mưa
    Mưa mãi suốt ngày
    Một tháng đã trôi qua…
    Chừ tôi mới quen
    Thức dậy thật sớm
    Dành trước mẹ
    Lò mò ra sân trong
    Tìm cách nhen lửa
    Với củi ướt mèm
    Trong lò đất cũng ướt nhem
    Ở Huế trời mưa đến mọi thứ chảy ra thành nước
    Nhen lửa thật chẳng dễ dàng
    Nhất là cho một kẻ vụng về
    Quen thói Tây phương là tôi
    Sặc sụa khói tro
    Phồng má với ống thổi lửa
    Nhưng rồi thật vui
    Khi lửa bén bừng lên
    Trong bóng mờ buổi sáng mùa đông
    tôi đi lấy nước mưa
    đổ vào ấm
    bắc lên lò
    chờ mẹ dậy
    pha trà cho mẹ
    tôi ngồi yên
    như thế
    chờ
    nước sôi reo
    lò lửa hồng ấm đến thích!
    ngồi bó gối
    thu hai tay lạnh cóng giữa khuỷu chân
    nhìn
    rất lâu
    thật lâu
    mưa rơi hoài
    hiên trống trải
    buổi sáng nhạt nhòa
    ôi chao mưa mãi
    mái ngói rêu phong
    âm thầm
    hứng mưa
    cơn mưa Huế
    nặng nề
    như đến từ nghìn xưa
    chưa có lần ngưng lại
    còn tôi,
    ngồi,
    nhìn mưa rơi
    lòng vui
    được có lại một điều
    bao năm đánh mất:
    Thời gian



    TOẠ THIỀN KHOÁ I

    Về tiếng vỗ của một bàn tay
    (Nguyên bản: Đàm thoại)

    Trên cầu tuyết
    những hoa tuyết
    rơi...
    tới tấp [2]
    thành lời [3]


    Dạo đêm với Hàn Mặc Tử

    (Đêm đông lạnh buốt, trăng sáng ngời đến vỡ thủy tinh!)

    Ngay cả trong
    đêm đông
    lạnh giá
    ả Hằng
    vẫn đi tắm trần
    nơi thác nước


    Suối mùa đông

    Để đừng
    đóng băng
    suối mải miết
    bỏ bờ tuyết giá
    chảy mau


    Công án

    Bờ rong rêu
    nỗi lòng suối chảy
    Tuyết
    trinh bạch
    nằm nghe



    TOẠ THIỀN KHOÁ II

    Giải công án

    Mặt trời thủy tinh của muà đông buốt giá này
    làm chín
    chùm tuyết nở hoa năm ngoái
    thành
    quả kim cương


    Viết về Thiền

    Nơi người [4]
    Cô đơn
    Biến thành
    Dược đơn


    Cái ấy
    Rỗng
    Ý
    Chẳng*
    Thiền

    * Rỗng ý: „non sens“ = vô nghĩa, tiếng âm đọc sai của „Non Zen“ = chẳng thiền, đây là một lối chơi chữ để diễn tả tính vô nghĩa, dụng ý vất bỏ mọi khái niệm trong Thiền học.


    Quán tưởng I

    Sấm! Chớp!
    Rách toạc lá sen
    Choàng tỉnh
    Giọt nước mưa tái sinh
    Long lanh


    Quán tưởng II

    Mềm như hơi thở
    bóng người và núi
    chạm nhau
    trong đáy sâu tĩnh lặng
    của hồ nước ban mai
    đang chú tâm
    ngồi thiền


    Trở về với thiền

    Chết khát vì ước ao
    Hao mòn vì tham ái
    Héo hon vì tình đời
    Tác hại và dại điên
    Ta trở lại
    Với Người
    Hớp ngụm
    Trà xanh


    Trở về Đức

    Ngày đi
    mày ngài
    tê lạnh
    chìm sâu
    mất hút
    sau đồi tuyết

    Ngày về
    hoa trắng
    đã cười
    bên cửa sổ
    đón trời xanh.


    Một bài thơ hài cú cho bé Tường Nhi

    Ô
    Tuyết trắng tinh
    Con đút vào
    Trong túi
    Để dành
    Mẹ hỉ?


    Ngày mưa ở chùa Trúc Lâm

    Ngay cả chú gà
    cũng thấy
    ướt chân
    trong
    ngày mưa ấy.


    Hạnh phúc tuổi thơ

    Trưa chủ nhật
    Yên lặng trị vì
    những toà nhà đại học
    Phân khoa Triết
    và những nhân vật quan trọng của nó
    đang nghỉ trưa
    Từ hành lang
    các tư tưởng hão huyền
    như bóng ma
    rút lui
    vào đám sách mốc meo
    Những tiếng ba xàm lý thuyết
    bỏ đi
    hướng
    Mensa.
    Chỉ còn đứng một mình
    cái cây non vừa trồng
    kẻ lạ duy nhất
    trong cung đình suy tưởng
    hắn uống cơn nắng nhục cảm
    chuếnh choáng gió vuốt ve
    hắn lắc lư cái đầu con nít
    chòng ghẹo bóng lá lao xao
    đùa vui với những giọt nắng lốm đốm
    chơi trò sáng - tối
    không biết ranh giới
    cũng nỏ biết phân chia
    không kiêu ngạo cũng không vâng phục
    không buồn mà cũng không khổ
    Hắn giản đơn là - thế
    như hồn trẻ con
    vào một ngày hè nọ
    hắn vào đời
    chơi…


    Hò hẹn

    Đêm trăng tròn
    Sông Isar*
    hẹn hò
    Sông Hương
    nơi
    vòng eo
    mộng mơ.

      * Isar: tên con sông chảy qua thành phố München


      Nguồn: Tuyển tập thơ song ngữ của Thái Kim Lan, Hội Giao lưu Đức Á, Reichenbachstr. 3, 8000 München 5, München, tháng 6.1989. Bản đăng trên talawas có sự đồng ý của tác giả. Phần tiếng Việt có vài thay đổi nhỏ so với bản in. Tái bản lần thứ hai 2007 do tạp chí Văn hoá Phật Giáo tại TP Hồ Chí Minh (Sài Gòn) tuyển chọn.

      [1]Prof. Dr. Irmgard Ackermann: nữ giáo sư tiến sĩ thực thụ về khoa học ngôn ngữ (Ðức ngữ) của L. M. Universität, München. Nguyên Phó giám đốc viện „Ðức ngữ như là ngoại ngữ“ (Institut für Deutsch als Fremdsprache) của Ðại học München. Trong những năm 1980/90 ngoài những hoạt động hàn lâm đa dạng, bà là đồng chủ biên tuyển tập „Người ngoại quốc sáng tác bằng Ðức ngữ“ (Als Fremder in Deutschland: Làm người lạ trên nước Ðức).
      [2]„Dichten“: nghĩa đen: „làm đậm đặc“, „làm cô đọng lại“, nghiã bóng là „làm thơ“
      [3]Khóa Thiền bắt đầu với chút ít xa lạ giữa các sinh viên, nhưng trên cầu tuyết những hoa tuyết đã bay thành „lời“ trao đổi, đầm ấm dù trời lạnh tê.
      [4]Tiếng Đức „dir“ chỉ ngôi thứ hai đại danh từ có nghĩa: anh, ngài, chị, em, người


    Thái Kim Lan sinh ở Huế. Năm 1965, bà qua Đức với học bổng của Viện trao đổi hàn lâm Đức (DAAD) khóa đào tạo giáo sư Đức ngữ của Viện Goethe, tiếp tục học khoa Triết và bảo vệ luận án tiến sĩ triết học tại Đại học Ludwig-Maximilian, München.

    Từ 30 năm nay, bà là giảng viên về triết học và Phật giáo tại trường Đại học này. Bà là người sáng lập và là Chủ tịch Hội Giao lưu Đức-Việt, có trụ sở tại München.

    Tác phẩm I. Kant, Die restriktive Funktion der Sinnlichkeit in der Kritik der reinen Vernunft (Luận án triết học tại Đại học Ludwig-Maximilian, München); Buddismus und Frieden (trong tuyển tập Die grossen Religionen, Đại học Nürnberg); Tuyển tập văn học Đức-Việt về B. Brecht và Hermann Hesse (tuyển chọn, dịch và giới thiệu); Ngoài ra Thái Kim Lan còn là tác giả của nhiều tiểu luận về triết học, tôn giáo và nhiều bài ký sự, tùy bút…

    Giải thưởng 10 bài thơ trong tuyển tập "Lạnh hơn xứ mình" đã được trao Giải nhất, Người ngoại quốc sáng tác bằng tiếng Đức“ của Viện „Tiếng Đức như là một ngoại ngữ“ (Institut für Deutsch als Fremdsprache), Đại học Ludwig-Maximilian, München, 1980. Hai bài thơ „Begegnung“ và „Zum deutschen Freund“ đã được đăng trong tuyển tập „Als Fremde in Deutschland“ (làm người ngoại quốc ở xứ Đức), chủ biên Irmgard Ackermann, dtv, München 1982.

  • Các bài liên quan


  • Các bài viết và bản dịch của Thái Kim Lan trên talawas
  • Nhiều cây nên không thấy rừng
  • Trịnh Công Sơn, nơi vùng ưu tư thành tiếng du ca
  • TS. Thái Kim Lan và tuyển tập văn học Đức-Việt
  • TS. Thái Kim Lan và một Việt Nam giữa lòng nước Đức
  • Phỏng vấn qua e-mail của báo Vietnam News (Hanoi)




Nguyễn Thị Hoàng
Nghĩ từ thơ Thái Kim Lan



Nhà văn Nguyễn Thị Hoàng
(2007, ảnh: Thái Kim Lan)



Tác giả Nguyễn Thị Hoàng sinh ngày 11.12.1939 tại Huế. Theo học trường Đồng Khánh, 1957 vào Nha Trang, 1960 vào Sài Gòn học Đại học Văn khoa và Luật; bỏ dở, đi làm, dạy học ở Đà Lạt (cuốn tiểu thuyết gây chấn động dư luận miền Nam Vòng tay học trò được sáng tác trong khoảng thời gian này); bỏ Đà Lạt về Sài Gòn, cộng tác với các tạp chí Bách khoa, Văn... và một số báo khác. Sau Vòng tay học trò còn xuất bản trên 30 tiểu thuyết trước 1975. 1990 xuất bản Nhật ký của im lặng. Cùng lúc Là người yêu của Đấng Trời (và nhiều cuốn khác) chưa xuất bản. Từ đó im lặng.

Sau 17 năm, Nguyễn Thị Hoàng xuất hiện trở lại với bài viết "Nghĩ từ thơ Thái Kim Lan", đăng trên tạp chí Văn hoá Phật giáo số Xuân Mậu Tý.



  • 1.

    Như tiếng rơi từng giọt của vô thinh, và tiếng đồng vọng đáp lại trong vũ trụ thu nhỏ từ đời kiếp nào hồn nhiên, phần trích vô tỉ lệ của một huyền không mặc tịnh.

    Như con chim chân tu không bao giờ nếm thịt, như hoa tuyết băng trinh không bao giờ điểm trang, chân thiện và kỳ mỹ thường hằng trong tạng thức, cho đến ngày lộ diện tươi cười, khi tia sáng mặt trời chân thể phản chiếu dịu dàng trong sấm chớp hào quang xúc động từ giao cảm tương ưng.

    Mỗi một nhân vật rực rỡ nồng nàn cá tính trong ngoại giới vô tận ấy, chính là một li ti bụi hồng của hàng-triệu-một-tôi-đánh thức. Nên cũng chẳng cần một đồng cảm giữa vật giới và tâm giới, mà chính là nhau, cuộc giao hưởng hoà âm những tuyệt thể, dưới đũa thần nhạc trưởng tình yêu khoáng đại.

    Xa nhà từ bao lâu? Đã từ lúc sinh ra nơi Cõi Khổ này, nhưng như vừa mới từ biệt quê nhà xa vời tít tắp trên cao để về đây, để xuống đây, nên mãi hoài xa lạ, trong thân cận. Vì, cái cảm giác lạnh lẽo nhuốm khắp châu thân, đẫm cùng hồn tính từ đấy, chỉ ấm áp yên vui khi bắt gặp thoáng qua chút bóng dáng hư huyễn mà yêu dấu của chân trời cũ. Cho nên ta yêu người vô cùng tận, mà chỉ trong chớp mắt duy nhất trước khi ta và người mất hút trượt qua nhau.

    Cái khoảnh khắc vô tận ấy âm vang suốt những kiếp phù du tại thế, nhưng kỳ thực, chẳng có gì, chẳng là gì trong tâm thế hoàn không, vì ta phải sống cùng một-xung-quan quá thấp lùn hạ giới.

    Tất cả vội vã, lướt trôi, thoáng qua, bằng tốc độ không khí, bằng thanh âm ánh sáng, vì ta đang rảo bước về nhà. Cái Cõi Gốc tưởng hàng triệu năm mới đến, mà kỳ thực, đang mở cửa, giang tay đón đợi trong chính tự thể chôn vùi, dưới sắc bóng phù hoa khoác mặc.

    Trở về, về đến nơi, khi ta nghe tiếng mình gọi mình, kẻ lạ mà người thân bên trong Uẩn Thức thâm u. Gối đầu lên Chân Thể, như trên chiếc lông chim, như trên cánh bông hoa. Nghe mùa trở lại theo giọt mưa đầu tiên gióng giả hồi chuông chùa trên Hải Đăng Biển Lớn. Ai nghe ra tiếng chuông từ Huyền Không ấy thì nghe lắng được, yêu mến được, chan chứa được cùng ta, chút xúc động dẫn khởi để yêu thương đích thực được Con Người trong Bào Thai Vũ Trụ cưu mang nó.


  • 2.

    Đừng hòng tìm thấy nơi thơ Thái Kim Lan những vần điệu du dương cổ điển, hay những chữ nghĩa gồ ghề của cái gọi là đương đại. Nên, không có gì cho những phê bình, nhận định, khen chê, trong và ngoài thơ. Chỉ là những góp nhặt, hoặc ngược lại, trang trải, những nỗi niềm xúc động hồn nhiên của một thân phận, không chỉ về mình, mà về kể khác, những thể loại và tầng giới khác, khi đi qua chính cuộc đời mình.

    Vì thế, thơ Thái Kim Lan ít mà nhiều. Ít về những gì được góp nhặt để trang trải. Mà nhiều vì mỗi một hình ảnh, âm thanh từ ý tưởng, chất chứa và khêu gợi quá nhiều cảm nhận, về những sự việc, những tính cách, những ký hiệu được tâm giới hoá quanh cõi tạm bình thường này. Ai muốn nhận ra cái nhiều ấy, phải đi xuyên qua Triết và Đạo để đến cùng. Không phải Triết Đạo đóng váng trong tàng thư hay cổ kinh, mà phần chuyển hoá kết tinh, như máu sau thức ăn, với một liều lượng đủ phóng hoá Vẻ Đẹp và Nguồn Yêu khỏi thực thể nó.

    Văn chương bác học hay văn chương bình dân chỉ khác nhau về ngôn từ hay phương thức diễn đạt, nhưng vẫn đồng nhất về một diễn cảm, khi, từ một ẩn dụ, một biểu tượng từ ngoại giới khúc xạ hay phản chiếu được nội tâm, vẫn là tín hiệu phát sáng được phương hướng và tính cách nhân vật. Nên, có thể rất thâm sâu trong lời giản dị, mà cũng có thể rất bình thường quen thuộc, từ những nguyên lý, định đề.

    Nên, phải xuyên qua phía tươi sáng hồn nhiên để truy nguyên uẩn khúc, hay ném vỡ giọt nước mắt, để cảm nhận được nguồn vui. Cái phức-thể này ẩn náu rải rác trong thơ Thái Kim Lan, đúng hơn là trong hồi ức một cuộc đời cuốn theo dòng nước nhưng luôn luôn tìm kiếm nhìn ngắm lại mình qua những mảnh thời gian rạn vỡ long lanh.

    Chưa đi, đã muốn về. Chưa xa, đã thấy nhớ. Đó là tình Huế, của người xa xứ đêm đầu tiên (“Gặp gỡ”).

    Nơi dãi phân cách ngôn ngữ giữa hai nền văn hoá Đông và Tây, giữa tĩnh và động của đời và đạo, cô bé trẻ thơ mãi hoài thơ trẻ hồn nhiên, vì khởi nguồn từ Vô Tánh (“Nói với người bạn Đức”).

    Mưa, phận người rơi xuống trần gian. Trần trụi, đơn độc, thiếu vắng tình thân, hơi ấm, cảm thông. Trên tất cả là cảm giác thiếu một ấp ôm, vỗ về, che chở, từ một đoàn viên, không đơn giản chỉ là gia đình, người thân, mà với một ai đó chính là mình không bao giờ có dẫu tìm kiếm trăm vòng trái đất, hay đã có rồi mà chưa theo về kịp trong hiện kiếp vẫn phải…chèo queo (“Mưa sáng ở xứ người”).

    Nên đếm từng ngày cơn lạnh không cùng tận của đơn độc, cái khấc thời gian li ti trong vô số kiếp một hành trình chuyển hoá.

    Cái nhìn màu hồng tím phản chiếu tịch dương trong con mắt cực kỳ hội hoạ, phác thảo từng sợi bong bóng hay lông tơ mượt mà trên áo choàng vũ điệu bay lên nền trời nhuộm thắm ánh trần gian (“Xuân sớm”, “Mùa xuân”). Còn nhìn xuyên qua cái thấy, đối ảnh long lanh của sáng tối mất còn, là vẫn nhận ra chút Không Thể thơ ngây mông lung trong giới hạn chập chùng này. Mãi mãi xanh non, mãi mãi trẻ thơ, bất chấp biến hiện quen mòn của Sáng Tối.

    Có em bé mồ côi quê hương, ngồi đâu đó bên bờ đời lưu lạc, nhìn ra Cõi Vắng Con Người, nhìn trái đất quay, thách đố thời gian bằng tri cảm cội nguồn xuân xanh mình bất tận.

    Mùa xuân đâu chỉ trong bốn mùa lập lại trần gian. Mà cuộc sinh khởi bàng hoàng, chấn động vang rền vẫn chỉ trong sấm chớp vô thinh, sau chuyển nghiệp. (Khi chạm phải chữ này trên bản thảo thơ đọc lướt, đã muốn nói Kim Lan đổi chuyển nghiệp thành chuyển kiếp. Bởi theo chứng nghiệm, nghiệp không thể chuyển, mà ra khỏi nó, phóng thích khỏi nó bằng tiêu diệt được nguồn cơn nghiệp khởi.) Nó không ngoài ta. Nó không trong ta. Nó chính là ta. Nên tất cả tràn ngập trong mỗi một, đã trở thành thiền tịnh, mà cũng chính là vũ điệu.

    Vũ điệu vô tướng nơi đôi chân. Sóng gió hồn nhiên bên bờ tóc. Cái ta dòn dã tươi cười lao phóng về phía trước, trên những con đường cao tốc hồi sinh.

    Thế nhưng thức tỉnh nào cũng còn vương âm ba của mộng, thế giới hư thực hoà hợp thu nhỏ vào tín hiệu, biểu tượng tĩnh-động-sinh-thể là cuộc giao thoa dịu dàng giữa tâm và cảnh giải thoát (“Buổi sáng bên hồ”). Từ đó, cái nhìn khúc xạ trong thiên nhiên vẻ đẹp thuần khiết, an tịnh, nét quyến rũ thiêng liêng thầm lặng của sự sống tắm đẫm hào quang từ sắc bóng chuyển hoá. Đức Phật, con chim, nụ cười, vạn giới hoá sinh làm một trở về Nguồn Cội.

    Nhưng khi mưa về, mùa ấm, cõi người ta, những góc tranh não nùng thao thức ngoài đời cũng còn làm ta xao xuyến, chạnh lòng (“Hạ mùa”), nỗi chạnh lòng của người tình-nữ lẽ loi. Đôi khi buông thả xúc động tự tìm kiếm trong đối cảnh vẻ đẹp rưng rưng, như ánh cười trong mắt, nhận ra mình chỉ còn mình (“Mùa hè”).

    Tần ngần nuối tiếc vẻ đẹp héo tàn nơi thực thể, nhưng niềm yêu như cơn mưa trở về, đẫm ướt, thấm đượm hồn không, mãi mãi.

    Một khúc phim nào xưa, Gregory Peck thả trái bóng lăn trên đường, khi quyết định vượt dãy Pyrenée về nhà thăm mẹ. Khúc phim này của Thái Kim Lan, thả ngọn lá đỏ bay trở lại bầu trời xanh, cảm hiểu được, cũng đủ cùng nhau qua bên kia bờ, mỗi một và nhiều hơn (“Tiết thu”).

    Dẫu mỗi một hay muôn ngàn ca vịnh, cũng chỉ là bay biến với đời cho đủ món (“Ca vịnh”). Quanh co, rồi cũng đến lúc phải chấn động vì cuộc phục sinh tuyệt vời kỳ ảo, trong vóc dáng và tính tướng người-đẹp-đàn-bà, đúng hơn là femme-enfant (“Tuyết đầu tiên”). Có lẽ, tình yêu gõ cửa bên ngoài, đâu đó, hay trong góc tối riêng tư chưa khám phá.

    Trên tất cả qua thơ Thái Kim Lan là âm hưởng mênh mang, vời vợi của một lòng yêu chứa chan với thân phận người (“Người ta tìm thấy em bị giết”), với bạn bè thế giới (“Việt tình”), với bà con (“Viết cho những người bà con di tản”), với một người đàn ông (“Thư không bao giờ gửi”), với mẹ (“Tóc sâu của mẹ”), với chị (“Tưởng nhớ chị”), ngộ nghĩnh cho con (“Cho bé Tường Nhi”), với cả gáo nước mưa trong khi trở về nhà sau năm tháng tha phương. Lòng yêu ấy không tan nguôi, nhập cùng khí thể, nên chiêu niệm hay lặng câm, vẫn êm đềm theo hơi thở khổ vui.

    Nhưng tình yêu lại không giống như lòng yêu ấy. Nó chớp sáng bất ngờ trong khoảng tối, trong rỗng không, trong chán chường mệt mỏi, trong chao đảo cuồng điên mọi gánh nặng miệt mài cuộc sống vây quanh. Cái chớp sáng biến trở thành sức hút, đủ nhận ra nhau, đủ nhận lấy nhau, và thế là…hoả diệm sơn phun lửa. Không chỉ là một đoạn phim, mà một thiên sử, đủ dệt nên chăn nệm ấp ám một đời yêu. Sau hoả diệm sơn vẫn chỉ là phun xuất thạch. Rồi tro than. Điều còn lại, là niềm hoang vu tịch mịch không cùng tận mỗi lần không phải nhớ lại, mà nhìn thấy toàn thể màn ảnh thầm lặng ấy thoáng hiện trong không. Chẳng có gì mất. Chỉ là đã có, mà không còn. Ta không còn Em. Bởi vì, ta cũng chẳng còn Ta. Không còn Em lúc ấy và không còn Ta lúc ấy. Chỉ vậy thôi (“Thiền luận về một câu chuyện tình”).


  • 3.

    Thôi không nói chuyển nghiệp hay chuyển kiếp. Mà chỉ là chuyển. Chuyển thể (như chuyển thể tiểu thuyết thành kịch bản phim, ở cái thời điện ảnh tung hoành này). Chuyển một Etre thành Néant, trong nghĩa hiện hữu trong hư vô hay trong hư vô có hiện hữu. Chỉ là một cách nói, hoặc nói đùa. Đúng điều muốn nói là chuyển tình qua Đạo. Đạo không hư vô. Đạo không hiện hữu. Mà Đạo trong hiện hữu, không cùng tận trong mỗi giới hạn, như vũ trụ cưu mang nuôi dưỡng lấy con người.

    Cuộc đời cứ trôi, người cứ theo dòng, mọi thứ tưởng như còn chồng chất ngỗn ngang trong cõi sống xung quanh. Nhưng không còn níu giữ được, không còn tác hại được, không còn ràng buộc được, bởi vì ta ra khỏi, đúng hơn là lên khỏi, những vòi độc của thuồng luồng dưới những triền sông.

    Chỉ một chuyển niệm, một xoay mình, ngồi xuống xếp chân, khoan hoà hít, thở. Thế giới cũ tiêu tan, thế giới mới sáng ngời rộng mở. Một ngụm trà xanh, để tuần hoàn điệu sống luân lưu, để bình an cõi bờ tâm thể. Uống, ngoài đời, vì khát. Uống, trong thiền, vì hết khát. Hết luôn cả cái khát nhức nhối cuồng điên nhất là khát Ái năm xưa (“Trở về với thiền”).

    Với Thái Kim Lan, ở cây số đường đời này, ngồi xuống chỉ để đứng lên, để còn quay mòng mòng nhịp điệu trần gian.

    Bà Ackermann cho là tác giả, căng thẳng giữa hai đầu thế giới, trong lời dẫn tập thơ Lạnh hơn xứ mình của Thái Kim Lan. Có lẽ không một ai hơn bà ấy về việc xuyên qua (Triết, còn Đạo?) để đến với một trường hợp độc đáo.

    Nhưng, như trong một góc vườn rừng nào đó, người đang viết có chút cảm nhận khác về Thái Kim Lan. Không hẳn luôn luôn tác giả Lạnh hơn xứ mình bị căng thẳng giữa hai áp lực, níu kéo hay gọi mời, mà căng thẳng vì chính tự do chọn lựa của mình. Cái căng thẳng này thường trực đôi khi, vì những chèn ép, xô đẩy gay gắt của bờ bên này làm cho ý thức sáng tĩnh quyết liệt dứt lìa để qua bờ bên kia, nhưng bên kia lại từ chối những điều kiện khoác mặc ngoại thân một hoá trang bóng ảnh vì đời. Từ đó chọn lựa ở lại bên này phố thị phồn hoa hay đoạn diệt tất cả để về bên kia bờ chỉ còn vắng lặng vườn rừng vắng hoe lạnh ngắt. Đó mới là nơi Lạnh hơn xứ mình. Nên không thể, chưa thể.

    Mỗi cuộc phóng vút chỉ là vòng chao lượn thể nghiệm để lại trở về với Ta trước, cộng sinh Ta sau lồng lộng mây trời. Từ ấy, không gian sáng ngời rạng rỡ, thời gian không lập lại, mà mỗi ngày một mới, mời mọc ân cần. Nên không đoạn mà chuyển. Chẳng phải chuyển bây giờ, mà từ ngàn muôn năm trước. Chuyển mà cóc cần lay bởi thể tính đã là không khí.

    Đường đi xa nhất của kẻ hành hương là lối về ngôi chùa tịch mịch bên trong mình. Quét hết lá vàng khô, lau chùi hết bụi bặm, gõ tiếng chuông phóng sinh cái Ta lận đận nghìn muôn năm cũ bên bờ này, bay về bờ bên kia chỉ với một chớp mắt bàng hoàng nhận ra bóng ảnh mình đậm nét trong không.

    Thái Kim Lan đã có khi căng thẳng giữa đôi bờ, đã có khi níu giữ bên này, rồi chao lượn bên kia.

    Nghiệp cứ chuyển, mà kiếp thì chưa, nên không phân vân gì nữa bên kia hay bên này bờ.

    Hãy là cầu nối giữa Này và Kia, giữa Chưa Qua và Đến Bờ. Để không còn lạnh, cũng chẳng còn lạnh hơn. Vì, cứ xúc động chứa chan. Cứ tri cảm tuôn tràn. Nhưng không gì xúc nhiễm được vòm cao lồng lộng giữa hai bờ, đã bên trên, cách xa dòng nước chảy.

    12.2007
    Nguồn: Tạp chí Văn hoá Phật giáo số Xuân Mậu Tý
  • 2 nhận xét:

    1. Nguyễn thị Hoàng cũng xinh lắm chị ,,,,mắt rất to ... ngày xưa có giới thiệu ảnh trong ''Vóng tay học trò '' em đọc khoãng năm lớp đệ nhị , đệ nhất gì đó ...viết cũng lãng mạn nhưng không có gì xuất sắc đâu [ theo em thời đó ] ...Cái đáng để ý là nhà văn muốn diễn đạt cách sống theo thuyêt hiên sinh ...dám lên tiếng những điều xã hội cho là thiếu đạo đức ...ví dụ vấn đề liên quan đến tình ái , tình duc chẵng hạn ...[ ủa xin lỗi nha ... sao em viết nhiều thế ...]

      Trả lờiXóa
    2. @TM ơi! Thì cứ viết đi ! thủa đó chị em mình cũng xấp xỉ tuổi nhau mà.

      Bài này hơi dài đó.

      Trả lờiXóa

    Bạn từ đâu đến..



    Bạn từ đâu đến bạn ơi!
    Đến thì nhớ nhé đôi lời thăm nhau..

    free counters


    Pageviews: 374,323 - 23/09/2016

    Sắc tím Đài Đông

    Sắc tím Đài Đông

    Sương khói




    Suy tư vầng trán thêm gầy
    Em ơi! khói thuốc vàng tay vẫn buồn..





    Và mây vẫn trôi giữa dòng đời.......
    ................ bụi bặm...
    ..... Người đi qua đời.. chợt.. ...
    ............cũ đến chẳng còn quen.......
    ................. TTM