Thứ Ba, 27 tháng 9, 2011

CHÂN LÝ LÀ CÁI CHI ?? - Bulukhin.

http://bulukhin.multiply.com/journal/item/163/163


Bu tui tâm đắc với định nghĩa chân lí của Krishnamurti Chân lí là mảnh đất không có lối vào" . Ông Thái Doãn Hiểu (trong blog Nguyễn Trọng Tạo) sau khi đẫn ra rất nhiều sự kiện đông tây kim cổ rồi kết luận chân lý theo lối chơi chữ nghe hài hước lắm. Hài hước thế nào mời bạn đọc xem. Bài hơi dài, bạn không đọc hết thì đọc vài đoạn rồi nhảy cóc xuống phần cuối để mà cười ruồi, cười nụ,... cho vui. Hehehe...


1.

Một lần, lựa lúc vui vẻ thân mật, tôi hỏi ông lão láng giềng người Hoa làm nghề bán chạppô trên Chợ Lớn ngụ dưới tòa lầu nhà tôi:

  • Ông là người Tàu, lại ham đọc sách báo, tôi xin mạn phép hỏi ông : Tào Tháo là người thế nào ?

  • Tiên sanh hỏi chi lạ vzậy ? Tào Tháo thì ai còn lạ gì. Hắn là một kẻ gian hùng thời loạn, một tay đa nghi kinh điển, tàn bạo thẳng tay giết người như ngóe không biết kinh.

  • Ông lầm rồi ! Oan cho đồng bào của ông lắm đó ?

  • Oan cái nỗi gì ? Oan ở chỗ nào ? – Ông ta tròn xoe mắt ngạc nhiên.

  • Trong đời thực, Tào Tháo là một bậc đại trí, đại nhân, đại dũng, một nhà thơ có tiếng, trưởng tràng nhóm Văn học Kiến An thời Tam quốc.

  • Trời ! Ông thầy mò đâu ra chuyện động trời đó ? Lấy gì làm căn cứ ?

  • Những tài liệu khảo cổ học đã công bố của văn hào Quách Mạt Nhược về nhân vật lịch sử này kể cả vở kinh kịch Thái Văn Cơ đã từng được dịch ra tiếng Việt.

    Tôi kể cho ông nghe gốc ngọn những tài liệu ấy.

  • Thế kia đấy. Thế mà sách vở chép hành trạng Tào Thừa tướng rành rành ra đó. Tiên sanh không đọc sách, không xem phim truyền hình Tam quốc diễn nghĩa của La đại nhân sao ?

  • La đại nhân của ông là một gã bịp đại tài. Ông ta thuộc phe được hưởng xái lộc nhà Hán. Viết dã sử trong thời buổi quân Nguyên Mông thống trị Trung Quốc, và dưới ánh sáng của tư tưởng bảo hoàng, La Quán Trung muốn đề cao tư tưởng Hán tộc nên những gì ở chiến tuyến bên kia – phía nhà Ngụy là ông ta nhúng bút vào hắc ín sổ toẹt ráo, bôi đen sì từ đầu đến chân làm méo mó cả lịch sử. Và, dĩ nhiên ông ta đã tô son trát phấn cho nhà Thục cùng các nhân vật Lưu – Quan – Trương, Chư Cát Lượng, nói vô phép - kể từ mùi thơm của cái rắm !

  • À ra thế ! Cái gốc là do tư tưởng chính thống chi phối. Vậy xin hỏi ông thầy – Ông ta quay ra công kích tôi –
  • Các tác giả Ngô gia Văn phái khi viết Hoàng Lê nhất thống chí phải chăng là để bảo hoàng ? Bảo hoàng sao lại ca ngợi “giặc” Tây Sơn Nguyễn Huệ viết nên những trang anh hùng ca như đoạn Quang Trung đại phá quân Thanh mà mấy đứa nhỏ nhà tôi đang học trong sách giáo khoa ?

  • Á, a, trâu đồng nào ăn cỏ đồng nấy. Đúng, mấy ông cựu thần nhà Lê này viết sách là để bảo vệ quyền lợi của vua họ. Ông không thấy sao, cái nhan đề sách Hoàng Lê nhất thống chí có nghĩa là kể chuyện vua Lê thống nhất đất nước đó sao ? Nhưng sức mạnh của đoàn quân áo vải Tây Sơn quét sạch như quét lá 30 vạn quân Tôn Sĩ Nghị đã sai khiến được ngòi bút bảo hoàng của các tác giả. Kể công bằng mà nói thì mấy ông tác giả họ Ngô còn chút lương tri lương năng hơn là La đại nhân của ông ?

  • Trời đất quỷ thần ơi. Thế ra lão La phù thủy không chỉ lừa một mình ngộ mà lừa được toàn thế giới suốt 600 năm nay !

  • Vâng, tội nghiệp cho Tào Mạnh Đức bị bêu riếu suốt 6 thế kỷ chỉ vì cái lão hủ nho gàn quải “ủng Lưu phản Tào” này.

  • Nhưng… thế sao Tam quốc vẫn sống trường tồn trong lòng bạn đọc thế giới ? Tiên sanh nghĩ sao ?

  • Cái đó lại là chuyện khác. Trong nghệ thuật không phải chuyện đúng sai mà là vần đề thật giả. Chân lý nghệ thuật khác rất xa với chân lý cuộc đời.

  • Chân lý ở đây nằm trong sự nhầm lẫn lịch sử cố ý !



2.

Tháng 4- 1991, đồng chí Tôđo Rípcốp khai trước tòa rằng ông không phải là tác giả của hơn 30 tác phẩm nổi tiếng đã được ấn hành ở Bungari trong khoảng thời gian ông ấy cầm quyền nước này. Ông ta còn thật thà nói thêm rằng có nhiều cuốn trong đó thậm chí ông cũng chưa được đọc ! (Tin của Đài BBC phát tối 28-12-1991)

    Chân lý ở đây nằm trong quyền lực và thói hám hanh !



3.

Nhà văn Vũ Trọng Phụng “ông vua phóng sự đất Bắc” có thời bị người ta đạp xuống tận đáy bùn đen, gán cho đủ thứ tội: “Bàn đèn”, “trụy lạc”, “khiêu dâm”,”tự nhiên chủ nghĩa”, “Khinh miệt quần chúng”, và “Tờrốtkít”… Rồi, một thời gian ngắn sau, chính cái ông giáo sư viết hàng loạt bài hay ho để thóa mạ Vũ lại đưa tay ra móc Vũ ra khỏi bùn, tắm táp cho Vũ sạch sẽ, đem Vũ đặt lên bàn thờ, vận comlê đeo cà vạt chỉnh tề sì sụp quỳ lạy Vũ. Thảo nào, con gái Vũ - chị Nguyễn Thị Hằng đã thắp hương trước di ảnh cha và chồng sách Tuyển tập Vũ Trọng Phụng, thảng thốt reo lên “Bố ơi, bố sống lại rồi”

Không hiểu phép mầu nào đã cải tử hoàn sinh cho kiếp nhà văn của Vũ Trọng Phụng và nhân cách cầm bút của ông giáo sư kia ?

    Chân lý ở đây tùy thuộc vào thời tiết chính trị và thói xu thời nịnh thế của kẻ văn nô cơ hội !



4.

Điêu Thuyền là một liệt nữ xả thân cứu nước. Thế nhưng, trong dân gian hễ cứ thấy đàn bà con gái không đứng đắn là mắng mỏ “Đồ Điêu Thuyền”, “Đĩ thõa như con Điêu Thuyền”.

Tội báo oan gia chưa ? Một người đồn sai, muôn người đồn thực.

    Chân Lý ở đây do nhận thức và quan niệm hủ lậu chi phối !



5.

Không riêng gì ở phương Đông, phương Tây cũng có cảnh “hết chim bẻ ná, hết muông giết chó”.

Sau khi lên ngôi hoàng đế, Napôlêông Bônapáctơ ra lệnh giết bá tước P.. Cái chết oan khuất của vị đệ nhất công thần này đã xuốc lên cả một làn sóng ngầm phản đối. Có ba đoàn đến xin yết kiến nhà vua.

Đi đầu là phái đoàn của nguyên lão nước Pháp. Một trưởng lão chất vấn :

- Muôn tâu thánh thượng, vì sao ngài lại giết bá tước P. là người đã giúp rập cho ngài làm nên nghiệp đế ?

- Ta giết bá tước P. là vì tương lai của nước Pháp – Napôlêông lạnh lùng gằn giọng.

Các nguyên lão lui. Phái đoàn các tướng lãnh vào. Một võ tướng uy nghi bước tới, tâu :

- Vì sao Hoàng thượng lại giết một danh tướng đã từng lập nên nhiều chiến tích hiển hách trên các chiến trường, làm rạng danh nền đế chế ?

- Ta giết bá tước P. vì tương lai của ta – Napôlêông thèn lẹn phô bày không chút giấu giếm.

Khuya đến, trong tư đinh, em trai Napôlêông cất lời trách móc :

- Hiền huynh ơi, sao anh lại giết hại bá tước P. - người mà cả nước Pháp ai cũng kính trọng ?

Hai tay buông xuội lơ, Napôlêông thở dài não nề :

- Ôi ! Ta đã giết lầm !

Cùng một một câu hỏi có đến ba cách trả lời hoàn toàn khác nhau phát ra từ miệng một người! Các sử gia Pháp thời đó đã đuổi theo ba hướng chép thành ba quyển sách khác nhau về một biến cố làm rối rắm hậu thế.

Đâu là sự thật ? Sự thật nằm ở câu trả lời thứ ba mà động lực ở câu trả lời thứ hai, còn sự dối trá lại nằm ở câu trả lời thứ nhất. Dối trá chỉ là sự thật bị nhầm lẫn về ngày tháng. Sự thật thường gây ra những rạn nứt, còn sự dối trá thì luôn luôn sản sinh ra những đổ vỡ.

Chân lý ở đây bị che mờ bởi sự giả trá làm ra vẻ chân lý !

Phụ chánh đại thần Trần Tiễn Thành là một người trung nghĩa, có nhân cách, có tài. Thế mà nhân vật đặc sắc này đã được Đài Truyền hình Thành phố Hồ Chí Minh một dạo bêu ông lên màn hình như một gã lưu manh tàn ác, bạo dâm, giết chồng đoạt vợ (?!) . Ông được tác giả cải tên thành Trần Tiến Thành (Ôi, cái tên còn chép sai thì nói gì đến những chuyện khác). Tôi ngồi coi, máu bốc dồn lên mặt, phải tắt tivi, ngồi lặng trong bóng tối, có cảm giác lạnh tanh như thấy người ta đang âm mưu một cuốc thảm sát chính trị mới mà động lực chủ yếu là để báo oán cá nhân (?!)

Sự thật là Tiến sĩ Trần Tiễn Thành đã bị phái chủ chiến Tôn Thất Thuyết ám sát năm 1883. Ngày nay, dưới ánh sáng chói lòa của các sử liệu đầy ắp như Đại Nam liệt truyện (chữ Hán), Đại Nam nhất thống chí, Đại Nam thực lục chính biên (chữ Hán), đặc biệt bài Ngài Trần Tiễn Thành (chữ Pháp) của Đào Duy Anh đăng trên tập san Đô thành hiếu cổ 1944 thì rõ trắng đen. Xin tác giả vở tuồng hãy để ông Nghè được yên nghỉ, ngưng tay đừng sát hại đấng lương thần này một lần nữa !

Chân lý ở đây nằm trong sự báo oán bởi do kém đức và định kiến !

Vua Càn Long nhà Thanh luôn luôn có tinh thần cảnh giác, đề phòng người Hán phản loạn. Ngoài những phương sách chính trị, quân sự, ông còn để ý đến văn chương. Bản thân ông cũng thích thơ văn, ưa sáng tác. Ông biết bọn văn sĩ “phản động” thường có dụng ý khéo léo gài tư tưởng chống đối vào câu vào chữ.

Thẩm Quý Ngu là một nhà thơ nổi tiếng đương thời. Vua Càn Long thường đọc thơ của Thẩm Quý Ngu, đối đãi với nhà thơ bằng con mắt trọng thị. Vua cũng có lần đưa những bài thơ “ngự chế” của mình nhờ ông sửa chữa. Song nhà vua vẫn để ý theo dõi.

Khi Thẩm Quý Ngu qua đời, nhà vua còn ban cho một đặc ân hiếm có là ngài thân hành ngự giá đến viếng mộ nhà thơ. Tiện dị, vua hỏi han các con cháu xem ông cụ còn để lại di cảo gì. Bọn con cháu của Thẩm Quý Ngu, chẳng biết bao lăm chữ nghĩa, nghe vua hỏi thì chỉ thấy vinh dự, liền đệ trình cho vua tất cả trước tác của cha ông, chẳng lưu tâm gì đến chuyện phạm húy hay phạm thượng.

Càn Long dành thời gian đọc hết cả các di cảo của Thẩm Quý Ngu. Bỗng vua đưa ra một phán quyết bất ngờ, làm kinh hoàng cả giới kẻ sĩ : quật mồ, phá bia, kéo thây trong áo quan ra chém đầu răn chúng ! Tất cả con cháu họ Thẩm, trừ một em bé 5 tuổi, còn thì nhất loạt sung quân, đày đi Hắc Long Giang.

Thì ra, trong số thơ văn để lại, nhà vua đọc được bài thơ Vịnh hoa mẫu đơn đen. Bài có hai câu :

Đoạt chu phi chính sắc

Dị chủng diệc xưng vương

Nghĩa đen rất rõ ràng và có thể nói là tài tình. Hoa mẫu đơn vốn màu đỏ, nay nó lại có màu đen, vậy là một chủng loại hoa khác, thế mà nó cũng là vua các loài hoa !

Đọc hai câu thơ, Càn Long lại hiểu ra một ý khác. “Đoạt Chu” có nghĩa là cướp ngôi nhà Chu (tức là nhà Minh, vì thủy tổ nhà Minh là Chu Nguyên Chương). “Dị chủng” có nghĩa là giống quái lạ. Có thể hiểu đây là giống nòi Mãn Thanh, một tộc man khác chứ không phải giống nòi nhà Hán. Hiểu như thế thì rõ ràng câu thơ không còn là ám chỉ nữa, mà nói toạc ra rằng giống người quái lạ khác với người Hán mà cũng lên ngôi vua, vì đã cướp ngôi nhà Minh, không phải triều đại chính thống !

Nói thẳng thừng như vậy là một sự lăng mạ. Nhà vua tất nhiên thấy nhục nhã, nên thẳng tay trả thù. (Theo THANH CUNG BÍ SỬ)

Đó là chuyện bên Tàu xa xưa, còn bên ta thời hiện đại cũng có chuyện tương tự:

Nhà thơ Hoàng Cầm vướng vào vụ Nhân văn Giai phẩm nên bị treo bút. Nhưng là nhà thơ thì làm sao cấm bút được. Ông viết lén lút và chỉ để cho mình xem. Ông gom nó thành tập đặt tên là Mưa Thuận Thành và nóng lòng muốn in tập thơ. Do mối lái với ai đó, giáo sư Nguyễn Mạnh Hùng ở Canađa thương tình nhận bỏ tiền in giùm cho nhà thơ. Ông mừng quá, nhờ nhà thơ Hoàng Hưng khi đó đang làm phóng viên thường trú ở Hà Nội chuyển giúp vào Sài Gòn, để từ đó chuyển ra nước ngoài. Chuyện bị lộ ra, Hoàng Hưng bị bắt tại trận với bản thảo viết tay của Hoàng Cầm, bìa của Minh Đức. Khi các “chuyên gia” văn học của cục An ninh dùng kính lúp soi vào từng câu chữ theo kiểu Càn Long xét nét thơ Thẩm Quý Ngu thì Mưa Thuận Thành lại là tập thơ bóng gió chống Đảng nấp dưới bóng dáng tình yêu quê hương đất nước. Người ta chụp cho Hoàng Cầm cái tội: bọn Nhân văn Giai phẩm ngóc đầu dậy ! Thế là nhà thơ lớn Tố Hữu với cương vị là ủy viên BCT, Trưởng ban tuyên giáo TW tống nhà thơ bé Hoàng Cầm vào ngục thất Hỏa Lò với 16 tháng tù giam, cùng nhà thơ Hoàng Hưng là tòng phạm nguy hiểm ngồi bóc lịch với 39 tháng tù giam không xét xử !

Đến năm 1991, khi mở cửa đổi mới, các văn nghệ sĩ được cởi trói (chữ của TBT Nguyễn Văn Linh), tập thơ Mưa Thuận Thành được xuất bản, công chúng hoan nghênh, tán thưởng là tập thơ hay. Năm 2007, Hoàng Cầm được người ta phong tặng Giải thưởng Nhà nước về Văn học Nghệ thuật, trong đó có Mưa Thuận Thành. Thật khốn khổ cho nhà thơ đa tài, suốt đời lận đận với nhiều cay đắng, oan khuất.

Sống trong thời buổi rối ren, chúng ta quá quen với sự lừa dối hào nhoáng. Cái giả không thể đương đầu lâu được với sự thật. Một lỗi lầm một lần phủ nhận là hai lầm phạm tội. Phải nhìn hai lần để thấy Đúng, nhưng chỉ cần nhìn một lần để thấy Đẹp.

Chân lý ở đây nằm trong sự chạm nọc của vua chúa.

Hoàng Phan Xước là viên quan thị thần chầu chực bên cạnh Đường Minh hoàng. Khi An Lộc Sơn nổi loạn cướp ngôi, Đường Minh hoàng bỏ chạy. Những người hầu hạ nhà vua cũng phiêu bạt nhiều nơi. Một số bị An Lộc Sơn bắt được, trong đó có Hoàng Phan Xước. Số này vừa sợ chết, vừa bị ép buộc phải cung phụng chủ mới.

Ít lâu sau, nhà Đường khôi phục được cơ đồ. An Lộc Sơn bị giết chết. Bọn quan lại đầu hàng trước kia phải ra thú tội, bị Đường Minh hoàng trừng phạt nặng nề. Những người không ưa Hoàng Phan Xước tố cáo với nhà vua :

- Phan Xước không phải là người trung nghĩa gì. Y đã nịnh nọt An Lộc Sơn để y được cầu yên, cầu lộc. Có lần An Lộc Sơn nằm mơ thấy bao nhiêu giấy dán cửa sổ đều bị bong ra, Phan Xước nịnh rằng : đó là điềm báo ánh sáng của chúa thượng chiếu rọi khắp nơi. Lần thứ hai, An Lộc Sơn mơ thấy tay áo dài ra, che kín cả bàn tay, Phan Xước lại nịnh rằng : đó là điềm rủ tay áo ngồi mà trị thiên hạ. Như vậy, y là một tên xiểm nịnh hèn hạ, phải nên giết đi.

Đường Minh Hoàng hỏi lại Hoàng Phan Xước :

- Ngươi có nói như vậy không ?

- Tâu bệ hạ, có ! Thần có nói như vậy !

Cả vua và triều đình đều rất ngạc nhiên. Họ nhìn cả vào mặt ông ta. Hoàng Phan Xước ung dung nói tiếp:

- Tâu bệ hạ. Khi nghe kể chuyện, thần đã thấy ngay là hai giấc mộng rất xấu. Nhưng nói thực thì An Lộc Sơn sẽ đề phòng và giết hạ thần, không cho hạ thần thấy được mặt rồng của bệ hạ hôm nay. Chỉ bằng khéo léo ru y ngủ, chờ đến ngày y đại bại.

Vua hỏi :

- Vì sao hai giấc mộng lại đều xấu mà An Lộc Sơn tất đại bại ?

- Muôn tâu, dễ hiểu lắm. Giấy dán chặt là nhờ có hồ, nay bong ra là hồ bị hỏng. An Lộc Sơn là rợ hồ, hồ hỏng thì còn gì nữa. Còn tay áo mà lụng thụng thì múa may, quay cuồng làm sao được, chỉ chờ bị trói mà thôi. Vậy hai giấc mộng ấy là điềm trời báo trước rằng An Lọc Sơn tất chết !

Đường Minh hoàng nghe ra thích chí cười ầm lên, lập tức tha tội cho Hoàng Phan Xước, lại cho làm thị thần như cũ. (Theo TUỲ ĐƯỜNG).

Chân lý ở đây nằm giữa cái lưỡi dẻo quẹo có tài ngụy biện của bọn ba phải !

Việc xẩy ra sau đại hội XXII của Đảng Cộng sản Liên Xô. Hồi đó đang sôi nổi diễn ra chiến dịch phi Xtalin hóa.

Thi hài ước của Xtalin bị đưa ra khỏi lăng. Trên khắp nước Liên Xô người ta nhất loạt hạ tượng ông, đổi tên thành phố, nhà máy, công trường… Những ấn phảm được chuẩn bị đưa in giờ phải rà soát lại một cách nghiêm ngặt để xem trong đó có những môtíp sùng bái không. Trong lúc Nhà xuất bản Văn Học đã cho tái bản nhiều lần cuốn truyện vừa Trong chiến hào Xtalingrat của nhà văn V. Nekrasop - một thiên anh hùng ca về trận đánh lịch sử trên bờ sông Vonga. Bị thôi thúc bởi những chỉ thị từ trên dội xuống, Ban lãnh đạo Nhà xuất bản phát hiện thấy rằng trong tác phẩm này có nhắc đến Xtalin, đề nghị tác giả bỏ chỗ ấy đi và thay thế cái tên gọi, bởi vì Xtalingrat không còn nữa, mà chỉ có Vongagrat. Nhưng thật bất ngờ đối với họ vì Nekrasop đã từ chối yêu cầu sửa chữa. Trong bức thư gửi Ban biên tâp Nhà xuất bải, ông viết :

“Hôm nay, Ban biên tập báo cho tôi biết rằng cần phải tước bỏ khỏi cuốn truyện vừa Trong chiến hào Xtalingrat tất cả những chỗ có nhắc đến Xtalin. Những chỗ này không nhiều, thực ra chỉ có chỗ ở trang 190-191. Nhân đây, tôi cũng không thể không nhắc lại rằng mười năm về trước, Nhà xuất bàn Nhà văn Xô viết đã yêu cầu đưa thêm một chương viết vế Xtalin vào cuối truyện này. Hồi đó, tôi đã từ chối làm việc ấy. Bây giờ người ta lại yêu cầu tôi làm ngược lại, nhưng lần này tôi cũng không thể đáp ứng được. Tôi không muốn phạm tội chống lại sự thật lịch sử. Cái gì đã có thì vẫn còn đó”…

Và, tất nhiên do thái độ “ngang bướng” này, nhà văn Nekrasop đã bị trù dập bằng nhiều biện pháp tinh vi. Song điều đó chỉ làm nổi bật lên bản lĩnh và nhân cách của người cầm bút. (Theo tài liệu của LÊ SƠN).

Sự dối trá không những mâu thuẫn với sự thật mà còn mâu thuẫn với chính nó và mâu thuẫn lẫn nhau. Bên phải của mình là bên trái của người. Sự chống đối là cách trở về từ cái Giả đến cái Thật. Con người thường kháng cự lại quyết liệt khi sự giả trá chống lại họ.

Chân lý ở đây nằm trong lập trường kiên định của nhà văn !

Di Tử Hà là bề tôi yêu của Vệ Linh công. Vua tôi họ là một cặp tương đắc, lúc nào cũng quấn quýt như hình với bóng.

Theo pháp luật của nước Vệ, ai tự tiện đi xe của nhà vua sẽ bị tội chặt chân. Mẹ Di Tử Hà ngả bệnh nặng, có người đang đêm cấp báo tin dữ, ông nhảy lên xe vua phóng về thăm mẹ.

Nhà vua nghe tin cho là người hiền, nói:

- Thực là một người đại hiếu ! Vì mẹ mà sẵn sàng phạm tội chặt chân.

Hôm khác. Di Tử Hà đi chơi với vua trong vườn quả. Di Tử Hà ăn quả đào thấy ngon quá, dâng vua. Nhà vua cầm ăn ngon lành, nói :

- Anh ta thật yêu ta ! Quên cái miệng không nỡ hưởng một mình mà san sẻ ngọt bùi cho ta. Máu thịt nào bằng !

Về sau, Di Tử Hà bị thất sủng, lòng vua yêu đổi màu, lại phạm tội. Nhà vua hạch :

- Nó lếu láo khinh nhờn phép nước léo mảy lên xe của trẫm đi, lại có lần nhét vào mồm trẫm bắt ăn trái đào thừa của hắn. Thật là quá quắt khi quân phạm thượng.

Cùng là một sự việc do cùng một người đánh giá, ở hai thời điểm khác nhau ra hai cực tốt xầu khác nhau.

Tư Mã Thiên nhắc lại chuyện Hàn Phi tử kể trong chương Thuyết nan nhằm cảnh tỉnh các kẻ sĩ đi du thuyết không thể không xét đến chỗ nhà vua yêu và ghét cái gì, rồi sau đó mới thuyết phục.

Chân lý ở đây tùy thuộc vào yêu và ghét “Ưa dưa thơm, không ưa dưa thối” !

Vào những năm cuối của tập kỷ 80 thế kỷ trước, Tạp chí Văn Nghệ Quân đội kéo cả dàn phóng viên xuống Hải Phòng, dành trọn cả cuốn tạp chí tháng ấy để viết về phong trào luyện quân và làm giàu của quân khu miền biển, trong đó Tư lệnh Trường Xuân được xem như là linh hồn của phong trào. Tờ báo phát hành chưa được bao lâu, đùng một cái, Thiếu tướng Trường Xuân bị lôi ra trước tòa lãnh án chung thân, sau rút xuống 20 năm vì được ân giảm bởi công trừ tội. Vị tư lệnh này có công hay có tội ? Anh hùng hay tướng cướp ? Các nhà văn là thư ký của thời đại hẳn không thể không sáng suốt thấu hiểu bản chất con người ? Còn tòa án, dĩ nhiên pháp đình có cái công minh của người cầm cân công lý ? Ai đúng, ai sai ? Cứ là bàng hoàng như người từ trên cung trăng rơi xuống.

Chân lý ở đây được nhìn nhận từ quyền lợi cục bộ của các đối tượng thẩm xét !

Cho đến tận bây giờ, các sách lịch sử, truyện, kịch bản sân khấu đều chép chồng bà Trưng trắc tên là Thi Sách ! Các dịch giả sách Việt sử thông giám cương mục chú rằng “Trong Thủy Kinh chú, quyển 37 tờ 62 chép chồng bà Trưng Trắc là Thi…” Chữ “sách” có nghĩa là: hỏi, dạm, lấy. Sách Hậu Hán thư là văn bản cổ nhất chép thế này, nguyên văn “Con trai lạc tướng Châu Diên là Thi sách (lấy) con gái lạc tướng Mê Linh là Trưng Trắc”. Sự lầm lỗi này cần phải đính chính lại. Ông ấy tên là Thi thôi.

Những cái sai tương tự như thế, ta có thể dẫn ra vô thiên lủng :

Tên tuổi của Lưỡng quốc Trạng Nguyên Mạc Đỉnh Chi, cho đến nay vẫn tồn tại cách viết là Mạc Đĩnh Chi. Đỉnh là cái vạc - tượng trưng cho sự phú quý, trong câu “Miếng chung đỉnh mất rồi lại có” (Nguyễn Gia Thiều). Chi: vun bón, chăm sóc, ủng hộ cho cái vạc chứa đầy của cải. Đỉnh chứ không phải là đĩnh (thoi bạc); Chi (có bộ tài gãy đặt trước chữ chi là cành) không phải chi vật lượng từ trong văn ngôn (Hán cổ), tương đương với chữ đích (tưa âm Bắc Kinh) trong Hán ngữ. Các nhà Hán Nôm Việt Nam cũng viết sai nốt chữ Chi này khi chuyển sang Hán tự.

Lại nữa, tên Nho sĩ Lương Nhữ Hộc được viết thành Lương Như Học chình ình trên bảng hiệu tên đường ở quận Năm. Tên Ngự sử đời Trần Đoàn Nhữ Hài viết trên bảng tên đường Đoàn Như Hài ở quận Tư, Tp Hồ Chí Minh là những tên tuổi mà các vị hữu trách cần phải sửa ngay, không nên làm ngơ mãi.

Một người viết sai, cả nước, đời này qua đời nọ đọc sai là vậy.

Chân lý bị sai dây chuyền bởi người khởi xướng sai lầm.

Các nhà văn ăn giải Nobel của Nga, trừ Sôlôkhốp, còn lại như Xon Giênhítxư, Patexnắc, Brốtxky, Bunhin… đều bị tổ quốc lăng nhục, bị bức tử, xua đuổi, sống vất vưởng lưu vong. Và rồi, Tổ quốc lại dang rộng cánh tay đón rước họ vào lòng. Rốt cuộc, những người con ưu tú ấy đã làm rạng danh cho Tổ quốc và họ đã trở thành những vị thánh. Trong lĩnh vực văn hóa, khi những ấn phẩm bị chính quyền vật mình vật mẩy liệng vào sọt rác thì đó là tín hiệu bảo rằng: tác phẩm ấy ít nhiều có giá trị ! Những cây bút có lương tri xưa nay đều đối trọng với chính quyền như một sự phản biện xã hội tất yếu khi chính quyền đó không còn là của Nhân Dân nữa. Nhà văn chân chính chỉ có một quyền lựa chọn duy nhất là đứng về phe Con Người, phe nước mắt để chiến đấu cho quyền lợi thiết thân của họ.

Ở ta, khi tiểu thuyết Nỗi buồn chiến tranh của nhà văn Bảo Ninh ra đời, người ta xúm lại đánh hội đồng quyết liệt, mở thành chiến dịch rầm rộ ồn ã chưa từng thấy. Đánh vì sao ? Có gì đâu, vì Bảo Ninh trật đường ray, lạc loài không đi theo dòng văn học phải đạo. Bảo Ninh viết bằng nhân bản: nhìn nhận cuộc chiến tranh này từ cả hai phía của người trong cuộc.

Khi những cuộc đấu đá dịu xuống, thời gian lắng lại, gần như hầu hết tiểu thuyết thời chống Mỹ với lối viết minh họa được định hướng bằng phương pháp sáng tác chủ nghĩa hiện thực xã hội chủ nghĩa đều vô mây khói, thì duy nhất, quyển của Bảo Ninh được xếp vào loại tinh hoa của văn học thế giới.

Xem đấy, những kẻ to mồm nhất giờ chắc ngượng lắm !

Chân lý ở đây nằm trong trò đố kỵ tài năng và những cuộc thanh trừng phe phái thảm khốc.

Ở xứ ta, thời nay mấy ông gộc Nhân văn Giai phẩm Trần Dần, Lê Đạt, Phùng Quán, Hoàng Cầm (năm 1957) bị hành cho sống đọa thác đày, giờ (năm 2007) lại ăn giải Giải Văn học Nghệ thuật Nhà nước ! Trước thì, họ là những tên phản Đảng, chống lại dân tộc. Nay thì, những tên tuổi ấy làm rạng danh nền văn học nước nhà. Ha ha…

Ngẫm xem, cuộc đời này hay thật : thơm rồi lại thối, thối rồi lại thơm ! y như câu đối Thần Siêu khóc Thánh Quát khi ông này lâm hình vậy : Hỗn trần lưu xú diệc lưu phương !

Chân lý ở đây nhằm vào chỗ khi nhà cầm quyền buồn hay vui !

Một điều rất lạ ở nước ta, hội Văn nghệ tỉnh nào cũng có quyền mở khoa thi thơ, truyện ngắn và đều tuyên bố lấy… “trạng nguyên”, “bảng nhãn”, “thám hoa”. Trong nhà trường, tôi thấy trường nào cũng may áo thụng, mũ tiến sĩ để tặng các học sinh giỏi bất cứ cấp lớp nào vào đại học hay phổ thông, lại còn phân ngành cụ thể hơn nữa: trạng nguyên hóa, trạng nguyên toán, trạng nguyên Anh văn… long trọng đến mức phơi cả trên ti vi nữa kia làm cho học vị trạng nguyên hiếm hoi vốn chỉ cả nước dành cho một ông ở khoa thi đình nguyên, trở nên rẻ rúng như bèo.

Chân lý loạn trạng nguyên là do không hiểu biết và óc cát cứ của các sứ quân văn hóa đẻ ra !

Trong các giải thưởng văn học hiện đã công bố trong vòng ba thập kỷ lại đây ở xứ ta, tôi theo dõi thấy có sự thật đáng buồn này: những tác phẩm ăn giải cao, tác giả vừa ẵm giải xong bước xuống đài thì bỗng lăn đùng ra chết tươi, trong khi những tác phẩm không được giải lại được bạn đọc chuyền tay nhau, đọc chép, bình phẩm. Học vấn và gu thẩm mỹ của công chúng với các thầy giám khảo có gì vênh nhau chăng ?

Ở đây, chân lý bị cân đo, đong, đếm, xếp hạng bằng cái ngoài nghệ thuật !

Trên đời, hiếm có một tình bạn tri âm nào như Phương Đình Nguyễn Văn Siêu và Chu Thần Cao Bá Quát. Có lần ông Cao đã đùa là nếu thiên hạ có ba bồ văn thì họ đã chiếm mất hai phần.

Khi nghe tin dữ hai anh em sinh đôi cùng sinh cùng tử một ngày: Bá Quát tham gia làm quân sư cho cuộc khởi nghĩa Mỹ Lương chống lại triều đình tử trận, Bá Đạt làm tri huyện Nông Cống, Thanh Hóa liên lụy bị bắt, cắn lưỡi tự tử trong cũi trên đường giải về kinh, Phương Đình đau đớn rụng rời khóc thương bạn bằng một đôi câu đối, trong đó có một vế thất kinh động như sấm ý: “Hỗn trần lưu xú diệc lưu phương” (Giữa cõi đời lộn xộn này [hành vi của ông] vừa thối vừa thơm).

Vừa thối vừa thơm ! Sao kỳ quá ta ? Thật khó hiểu. Thối thì rõ: Chu Thần chống lại vua Tự Đức rành rành là một ngịch thần tặc tử, thối quá đi chứ, chấp nhận sao được ! Còn thơm ở chỗ mô ? Phải đợi đến một trăm năm sau, Cao nghiễm nhiên trở thành anh hùng chống độc tài thì mới thấy rằng thơm thật là thơm !

Nhãn quan chính trị và tấm lòng thế thái nhân tình của kẻ sĩ Phương Đình xuyên suốt 6 cõi 4 hướng.

Chân lý ở đây nằm trong tầm chiến lược của bậc thức giả.

Từ cái định đế thối rồi lại thơm của Phương Đình ta có thể suy ra thiên biến vạn hoá trong cuộc sống. Hết thảy mọi cái đều chứa hai mặt như chiếc mề đay. Mặt trong và mặt ngoài là hai phương trời hoàn toàn xa lạ.

Cái ta tưởng là thật thì nó lại giả, cái ta tưởng giả thì nó lại là thật. Các bạn ngồi nghe tôi phiếm đàm chuyện xưa - nay, ta - người, gần - xa… chắc cũng như tôi không khỏi hoang mang. Phải, chân lý là sự thật. Nàng là một trinh nữ yếu đuối luôn bị lũ đàn ông khốn nạn cưỡng hiếp đẻ ra những quái thái. Thật - giả đã bị trò đời chơi trò ú tim đánh tráo, ăn cắp, thủ tiêu, xếp sòng lộn tùng phèo. Ở đời, làm gì có chân lý nhỉ ? mặc dù thánh ganđi bảo “Một chân lý bao giờ cũng là chân lý dù bị tất cả thiên hạ đả đảo. Một sai lầm vẫn là sai lầm dù được tất cả thiên hạ hoan nghênh”. Còn Macket – tác giả của Trăm năm cô đơn lại cho rằng “Chân lý là chân lý, nhưng có cái ngược lại với chân lý cũng không kém chân lý”. Thường thì, trong thời buổi đồ đểu lên ngôi, chân lý luôn nằm trong tay kẻ mạnh, trong sự thao túng ngang ngược của đồng tiền, trong sự ngộ nhận đớn hèn của những đầu óc u mê… Lửa to dập tắt lửa nhỏ. Nhưng dần dần tất cả đều trôi qua, chỉ riêng chân lý ở lại. Chân lý là mặt trời có thể bị mây che trong chốc lát. Trách chi người Ăng lê họ sống và hoài nghi tất cả. Đức tin không nghi ngờ là đức tin chết. Sự hoài nghi là khởi điểm của mọi học thuật.

Lẽ phải bao gồm sự thật không nói ra và sự thật cần im lặng. Chúng ta hãy nghe Thiền sư Nhật Bản Zengetsu từ thế kỷ thứ XIII răn dạy đệ tử: “Một vài điều - mặc dù đúng - vẫn được coi là sai trong nhiều thế hệ. Bởi vì giá trị chân chính có thể được nhận ra sau nhiều thế kỷ. Con không nên cần thèm khát sự đánh giá nhất thời”. Ôi, thế này thì chân lý chỉ có thể nở hoa trên mộ? Còn đức Phật tổ Thích Ca Mầu Ni lại truyền rằng “Ta nghe những lời phán quyết của đúng và sai là cái uốn mình nhảy múa của con rồng, và sự lên xuống của đức tin là dấu vết của bốn mùa để lại”. Thật là chí lý. Nhưng đó là cách hành xử của người có đạo, còn chúng ta - người ngoài đạo, ôm cây đợi thỏ, chờ cho hết kiếp còn gì là thân? Con người tìm kiếm chân lý là để phục vụ cuộc sống trước mắt. Phải cho sự thật mặc áo thôi. Phải hiến thân giữ lấy lẽ phải để tồn tại.

Sau bao nhiêu năm tìm kiếm ở ngoài đời, tôi đành buông thõng hai tay đầu hàng, không tài nào lý giải nổi. Nhưng tôi quyết không thua, liền tìm một cứu cánh khác trong sách (lại sách).

Tôi lật một đống đại từ điển to như mả tổ là Từ hải, Từ nguyên của Tàu, Larousse của Pháp, Từ điển triết học, Từ điển bách khoa của Nga liền chiết ngay ra được những lý giải rất kinh viện, uyên bác.

- Thế nào là chân lý ? Tôi cứ lầm rầm như thằng điên.

Thấy tôi đào bới trì trật, đổ mồ hôi trán rán mồ hôi lưng như một anh dân quê cày ruộng, bởi vốn chữ Tàu ba nắm, chữ Tây vài vốc lõm bõm của tôi. Những lúc tra cứu vất vả như thế này, ai trông cũng phải thương tâm. Một nhà thơ đang ở chơi nhà cười cười, bảo :

- Ông học thật ơi, chân lý là cái lý có chân ! Ngài thử ngẫm xem nào ?

- Ối ! Ơrica (tìm ra rồi). Thật là chí lý.

Giống như nhà vật lý Ácsimét, tôi hóa rồ reo lên. Đây quả là định nghĩa tuyệt vời nhất về chân lý. Tôi ôm choàng lấy nhà thơ thơm đánh chụt một cái rõ kêu vào bầu má còn úng sữa của chú chàng.

Chân lý là cái lý có chân ! Phải rồi, có chân thì nó biết đi. Biết đi thì nó biết nhiều chuyện. Biết nhiều chuyện thì nó hay cãi lộn. Hay cãi lộn thì ra cái lý. Từ nguyên lý sặc mùi dân gian rất uyển chuyển này, ta sẽ làm cái chìa khóa vạn năng để mở bất cứ ổ khóa nào bấy lâu im ỉm đóng để đi vào khám phá những bí ẩn làm đầu ta cứ u u minh minh.

Chúng ta đang sống trong một thế giới ồn ào và bụi bặm. Giữa cái nhá nhem của lịch sử, mọi vật đều chới với trong ảo giác: đen - trắng lẫn lộn, thật - giả bất phân, thiện - ác đối đầu, ông - thằng đổi ngôi. Nhận chân ra được sự thật không phải dễ dàng. Làm sao để phân biệt chúng không phải là không làm được. Lương tri lương năng của Con Người sẽ mách bảo cho chúng ta minh định được chánh tà, đúng sai, tốt xấu, miễn là còn tỉnh táo đừng ăn phải cháo lú. Ai không biết sự thật là người mất trí, ai biết sự thật mà lại lờ đi nói đó là giả dối thì đấy là một tên vô lại. Thời loạn, bất cứ việc gì, giả cũng rất dễ trở thành chân. Biện pháp tốt nhất là rửa sạch đầu óc bằng Sự Thật. Đối với chân lý chớ nên lãnh đạm, đối với sự giả dối chớ vồ vập, vo ve. Ở đâu mà nghe nặng lời thề thốt, bốc thơm thì hãy nghĩ về cái xấu.

Sự thật có cả năng đương đầu với mọi bất công. Máu không dìm chết được chân lý. Chân lý phải được chấp nhận không cần bạo lực. Mọi bạo lực đều không làm suy yếu được chân lý mà làm cho nó cất cánh bay xa hơn.

Dối trá đi một chân, sự thật đi hai chân. Sức mạnh của chân lý là lẽ sống trường cửu. Sự thật là niềm yên tĩnh của trái tim. Chân lý cần được xem như Tổ quốc của mình.

Sự thật khó tìm. Sự cách biệt giữa thật và giả chỉ ở trong chân tơ kẽ tóc. Một nghìn lời đồn đại cũng chưa phải là sự thật. Bởi vì “Dư luận là chúa ở trên đời đến nỗi khi lẽ phải muốn đánh đổ nó thì phải lãnh án tử hình” (Vonter). Và, nếu phải đầu hàng lẽ phải thì không thể xem là bại trận.

Tìm kiếm chân lý: lấy tai làm mắt chẳng hay đâu. Lý trí, thói quen, linh cảm, đó là ba cách tin. Thật quái gở cho một ai đó đi tới chân lý bằng con đường phạm tội. Sự thật thường bị che lấp nhưng không bao giờ bị dập tắt. Tìm ra chân lý khó hơn phát hiện sai lầm bởi chân lý nằm bất động dưới đáy còn sai lầm nổi trên mặt nước.

Chân lý dù bị chà đạp xuống tận bùn đen nó vẫn trỗi dậy. Sự thật sẽ chiến thắng như cần giúp đỡ sự thật. Con người phải trải qua vô vàn sai lầm mới đến được chân lý. Cặp mắt sẽ không nhìn sai nếu lẽ phải điều khiển họ. Tìm kiếm chân lý không phải ở óc mà cả bằng tim nữa. Hãy tin rồi sẽ hiểu. Đức tin đi trước, trí tuệ theo sau. Khám phá ra chân lý là để sống với chân lý.

Trên con đường gập ghềnh xa kiếm tìm chân lý, biết bao người đã xả thân vì nó. Nhờ tìm chân lý mà con người gia tăng sức mạnh và hoàn thiện được bản thân mình. Chân lý là thượng đế của người tự do.

Hãy can đảm nhìn vào sự thật. Chân lý đang cai trị thực tế. Lẽ phải là người chỉ dẫn và ánh sáng của cuộc đời.

Chân lý nằm trong cái trung dung. Thời gian mới là sự hóa giải đích thực và hiệu nghiệm.

Chân lý là cái lý có chân ! Nó biết đi… trời ơi

Chân lý vạn tuế.

Vạn vạn tuế chân lý !!!

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Bạn từ đâu đến..



Bạn từ đâu đến bạn ơi!
Đến thì nhớ nhé đôi lời thăm nhau..

free counters


Pageviews: 374,323 - 23/09/2016

Sắc tím Đài Đông

Sắc tím Đài Đông

Sương khói




Suy tư vầng trán thêm gầy
Em ơi! khói thuốc vàng tay vẫn buồn..





Và mây vẫn trôi giữa dòng đời.......
................ bụi bặm...
..... Người đi qua đời.. chợt.. ...
............cũ đến chẳng còn quen.......
................. TTM