Hôm thứ sáu vừa rồi chúng tôi trực chỉ từ Phnom Penh đi Siêm Riệp, khởi hành lúc 7g30 sáng đến 1g30 chiều đã đến nơi.
Cả đoạn đường đi, trời lúc mưa lúc nắng, mà tôi thì mong chiều hôm ấy trời nắng vì như vậy chúng tôi mới có thể leo lên ngọn núi Ba Kheng cao 1400m để ngắm hoàng hôn rơi. Nhưng đến nơi thì trời chiều hôm ấy lại đổ mưa.. Anh hướng dẫn viên thông tin cho chúng tôi biết rằng mấy ngày nay trời mưa nên sóng ngoài Biển Hồ cũng rất lớn có lúc sóng cao tới năm hoặc sáu mét, nên hỏi ý kiến tôi xem có nên đi thuyền ra ngắm Biển Hồ Tonle Sap hay không? Tôi nghĩ dù sao cũng đã đến đây, sẵn dịp nên đi kẻo chờ lần sau thì biết dịp nào các em mới có cơ hội đi lần nữa, nên tôi quyết định cứ đi, nếu mưa lớn quá thì chỉ đứng bên bờ ngắm mưa rơi trên Biển Hồ, còn nếu tạnh mưa thì mới leo lên thuyền ra sông..
Cho nên sau khi nhận phòng ốc ở khách sạn xong chúng tôi liền leo lên xe ra Biển Hồ. Đến nơi thì trời vẫn còn mưa phùn, dù cậu hướng dẫn viên ngần ngại, sợ nguy hiểm cho chúng tôi, nhưng cả đoàn đang hăng hái nên cũng.. chẳng sợ mưa rơi, thế là chúng tôi leo lên con thuyền nhỏ vừa cho số người trong đoàn là 7 người.
Đang ở ngay đầu con kênh dẫn ra Biển Hồ.
Cậu hướng dẫn viên dẫn đoàn chúng tôi là người Khmer, cậu này nói được Anh, Việt và Tây Ban Nha, nhất là đã đi du học tại Việt Nam, nên nói tiếng Việt rất rõ ràng, nhất là rất rành lịch sử hình thành đất nước Campuchia.
Lúc ngồi trên thuyền Cậu ấy cho chúng tôi biết, ở Phnom Penh người ăn xin nhiều nhất là người Campuchia, nhưng ở Tonle Sap này thì người ăn xin lại toàn là người Việt Nam!! Lúc trước tôi cũng từng nghe nói, đến lúc ngồi nghe như vậy tôi cũng chưa có ấn tượng gì lắm. Nhưng chiều hôm ấy lúc thuyền lướt trên sông, tôi mới thấy rõ việc này!
Tuy nhiên để tôi tuần tự kể về chuyến đi trên sông nước hôm thứ sáu vừa rồi cho các bạn
xem đã nhé!
Đây mới chỉ là con kênh dẫn ra Biển Hồ, thế mà sóng to quá. Những chiếc thuyền con cứ lênh đênh với sóng to gió lớn trên sông nước như thế.. Hai bên bờ kênh mọc đầy cây Lộc Vừng
(chưa có hoa) và cỏ lau sậy đang trổ hoa, nhìn vàng rực cả bên bờ.
Những ngôi nhà bè sát bờ sông, nhìn thấy rất nhiều người già trẻ em và cả bầy chó sinh sống trên bè.
Một ngôi nhà bè có hoa vàng..
Một ngôi trường người Việt của nhà thờ Tin Lành.
Thêm một ngôi trường Việt, nơi nuôi dạy trẻ em VN nghèo.
Một ngôi chùa Việt Nam, có những bữa cơm chay..
Con đường nối hai nhà là con thuyền nhỏ lênh đênh trên mặt nước..
Những ngôi nhà cứ san sát ven kênh như thế.
Ở cuối mút dòng kênh kia là đường ra Biển Hồ..
Chợt chúng tôi thấy chiếc thuyền nan này.. bà mẹ trẻ cứ chèo thuyền, đứa con ở ngay mũi thuyền cứ khóc ngặt nghèo.. mình ngồi ở thuyền lớn còn run, thế mà nhìn ba mẹ con chèo chống tôi thấy thật sợ.
Và tôi lại thấy mấy thuyền nan đậu gần bờ với đàn bà và con nít, hình như khi thấy thuyền của chúng tôi lướt qua thì họ chuyển động, đàn bà ôm chuyển con nít sang hai thuyền, lúc đầu tôi không hiểu, nhưng khi thuyền cập bến để chúng tôi tham quan khu nuôi cá sấu, cá tra thì tôi đã hiểu vì sao..
"Cho con xin tiền mua sữa,
hai ngàn đồng tiền VN cũng được..."
Chỉ có đàn bà và trẻ con
lênh đênh với cuộc đời..
Và lúc này thì Tôi đã hiểu vì sao mà thấy những con thuyền chở khách du lịch lướt đến thì nhưng cái thuyền nay này cũng lướt theo chúng tôi..
Tôi đi tham quan chỗ nuôi cá sấu và cá tra, sau đó leo lên nóc của ngôi nhà sàn để nhìn ra biển Hồ mênh mông, với chiều dài 760km, chiều ngang rộng lắm
(tôi lại quên mất bao nhiêu cây số ngang rồi), phía sau lưng của tôi là con sông Tonle Sap (biển Hồ) nhìn ngút mắt.
Cả con kênh nhìn từ trên cao mà thuyền tôi vừa đi qua..
Vì sóng ở ngoài Tonle Sap rất lớn, nên chúng tôi chỉ đến cuối kênh, và thuyền đã quay ngược để trở về thành phố, nhìn lại vẫn thấy mấy thuyền nan cùng đàn bà và con nít người Việt Nam mình..
Dân tộc Khmer là dân tộc sống trên cạn, thường dùng gỗ, tre để cất lợp nhà sàn, tầng trên để người ở, tầng ở dưới để nuôi súc vậy chứ không sống ở sông nước như thế này. Sống chung với sông nước ở đây đa phần là dân Việt mình!
Con sông Biển Hồ đầy tôm, đầy cá ngon nổi tiếng... thế mà dân mình qua đây lại để đàn bà con nít thểu não, thất học và đi ăn xin.. Trên đường về, nghe anh Vannay nói chuyện, họ qua đây sinh sống không có cả giấy tờ tùy thân.. tôi chợt chạnh lòng..
TTM
SG. 02/08/2012
Viết cho ngày 27/7 tại Tonle Sap - Siêm Riệp.